Đồng bộ giải pháp bảo tồn, phát huy nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu

Ứng xử đúng với di sản có không gian thiêng

- Thứ Ba, 19/09/2023, 08:35 - Chia sẻ

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, không phải di sản nào cũng có thể đưa ra trình diễn và đề xuất không đưa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ra ngoài không gian tâm linh, làm mất đi tính “thiêng”, trần tục hóa tín ngưỡng, dẫn đến nhiều người hiểu sai lệch về di sản.

Không phải di sản nào cũng có thể đưa ra trình diễn

GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (từng là Trưởng ban xây dựng 7 hồ sơ di sản của quốc gia trình UNESCO, trong đó có hồ sơ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt) nhớ lại: “Khi xem xét di sản để làm hồ sơ Dân ca quan họ Bắc Ninh, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, tôi và các đồng nghiệp xác định hình thức thực thể văn hóa này là nghệ thuật trình diễn; nhưng khi làm hồ sơ Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Nam Định, chúng tôi xác định thực thể này là tín ngưỡng dân gian”.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với không gian thiêng - Ảnh: An Đăng
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với không gian thiêng. Ảnh: An Đăng

Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền, trong các hình thức di sản văn hóa phi vật thể, đáng lưu ý là quá trình xem xét tín ngưỡng, đây là một tổng thể các thành tố: nhân vật thờ, nơi thờ, nghi lễ, lễ vật thờ cúng... Nhân vật thờ khác nhau tạo ra các tín ngưỡng khác nhau, tín ngưỡng khác nhau thì nơi thờ tự khác nhau. Chẳng hạn, Thành hoàng thờ ở đình, Thánh Mẫu Liễu Hạnh thờ ở phủ... Dù khác nhau về nơi thờ cúng, nhưng có 2 không gian liên quan đến tín ngưỡng: không gian thiêng (điện thần của di tích) và không gian thế tục (bên ngoài di tích). Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là tổng hợp các thành tố: nhân vật thờ, nghi lễ lên đồng, lễ hội, tồn tại trong không gian thiêng của nơi thờ tự các vị Thánh Mẫu; không ai thực hành tín ngưỡng ở không gian thế tục.

Hiện tại một số người đưa ra khái niệm "trình diễn di sản", coi đó là biện pháp để cộng đồng trong và ngoài nước hiểu về di sản. Song GS.TS. Nguyễn Chí Bền cho rằng, trong các di sản văn hóa phi vật thể, không phải di sản nào cũng có thể trình diễn.

Cùng ý kiến, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, Điều 4, Luật Di sản văn hóa quy định rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan”. Vậy di sản văn hóa phi vật thể có không gian văn hóa nơi được sáng tạo ra, có di sản văn hóa đang được thực hành, có cộng đồng chủ thể đang thực hành, cộng đồng thụ hưởng, tiếp cận di sản văn hóa ấy.

“Ở đây chúng ta nhấn mạnh không gian thiêng, dù không phải di sản phi vật thể nào cũng có không gian thiêng. Nếu là nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ… có thể thực hành khắp nơi; nhưng lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng phải có không gian thiêng. Với những di sản gắn với không gian văn hóa thiêng, chúng ta phải có ứng xử khác” - PGS.TS. Đặng Văn Bài nói.

Dù vậy, trong tín ngưỡng thờ Mẫu có thành tố hát văn có thể đưa ra giới thiệu như hình thức diễn xướng dân gian.

Không làm sai lệch hoặc biến tướng di sản

Xu hướng biểu diễn, sân khấu hóa di sản đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu biểu diễn càng trở nên phổ biến trong xây dựng các sản phẩm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, theo TS. Trần Hữu Sơn, di sản luôn gắn chặt với không gian thiêng, với môi trường sản sinh ra di sản hay trong nghệ thuật ngôn từ thường dùng thuật ngữ “ngữ cảnh”. Vì thế, khi trình diễn một bộ phận cấu tạo nên di sản thì cần gọi đúng nó, như người Tày đã gọi “Liên hoan hát Then, đàn tính” chứ không gọi là trình diễn di sản thực hành Then.

Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường phân tích: Trong 12 nguyên tắc đạo đức dành cho bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng trên tinh thần của Công ước 2003, có nội dung không thể đưa di sản ra khỏi không gian của nó. Bên cạnh đó còn có nguyên tắc đề cao vai trò của cộng đồng, nhóm thực hành, nghệ nhân trong việc thường xuyên đánh giá tác động tiềm tàng, tác động không chủ đích đối với việc duy trì, bảo vệ, thực hành di sản của mình. Các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp, cá nhân phải đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định những gì là nguy cơ đối với di sản văn hóa phi vật thể của họ bao gồm việc thay đổi bối cảnh di sản, biến di sản thành hàng hóa, trình bày sai lệch và ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ đó…

Ông Nguyễn Văn Thư, Hội Bảo vệ và Phát huy di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định kiến nghị, nghệ sĩ có thể khai thác một số yếu tố của di sản, nhưng đưa toàn bộ nghi lễ hầu đồng lên sân khấu sẽ làm mất đi tính thiêng của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng, dẫn đến nhiều người hiểu sai lệch về di sản.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền bổ sung: Việc đưa một vài thành tố của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ lên sân khấu biểu diễn cũng có thể chấp nhận. Nhưng đạo diễn hoặc người tổ chức biểu diễn phải hiểu thấu được đạo Mẫu để ứng xử đúng, không làm sai lệch hoặc biến tướng. Cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể để bảo vệ, phát huy di sản một cách tốt nhất, từ đó ngăn chặn những nguy cơ biến việc quảng bá di sản trở thành giải tỏa những nhu cầu tầm thường của đời sống...

Còn theo GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sự tham gia của các hội, thông qua các đơn vị thực nghiệm, nghiên cứu, vào việc khuyến khích các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu qua các hình thức nghệ thuật như đưa lên sân khấu như một tiết mục nghệ thuật, hay tại lễ khai mạc các hội nghị, hội chợ, sự kiện văn hóa... cần hết sức lưu ý. Bởi thực hành tâm linh và khai thác khía cạnh nghệ thuật của tín ngưỡng là hai việc khác nhau, nếu không cẩn thận sẽ làm mất đi những giá trị chân thực của nó.

GS.TS. Lê Hồng Lý góp ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải là đầu mối điều phối, nắm bắt, hợp tác, kết nối được tất cả tổ chức xã hội liên quan để thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể nói chung, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng, để di sản luôn được bảo vệ và phát huy giá trị một cách tốt nhất. 

Ngọc Phương