Thái Nguyên: Chuyển đổi số tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới

- Thứ Hai, 20/11/2023, 16:03 - Chia sẻ

Hiện, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên duy trì sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số.

Song hành với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử trên các nền tảng số, tổ chức tập huấn, khuyến khích các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch điện tử, như: C- Thái Nguyên, Viettel, VinaPost, Voso, Sendo...

Tỉnh cũng triển khai thực hiện mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh tại xã Tức Tranh (huyện Phú Lương); lựa chọn một số xã trên địa bàn hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh kết hợp phần mềm hỗ trợ giám sát thông minh, ứng dụng tương tác và xử lý phản ảnh về an ninh trật tự của người dân cho chính quyền xã, lắp đặt thiết bị chiếu sáng thông minh để làm mẫu nhân rộng...

Thái Nguyên: Chuyển đổi số tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới -0
Chuyển đổi số đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên

Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước năm 2023 toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đại Từ và huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 118/126 xã nông thôn (đạt tỷ lệ 93,65%); 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 66,67%).

Đến hết tháng 10.2023, toàn tỉnh đã giải ngân vốn chương trình xây dựng nông thôn mới từ ngân sách Trung ương đạt 62%; vốn ngân sách tỉnh đạt trên 60%. Đã có 4 địa phương là: TP Thái Nguyên, huyện Phú Bình, huyện Võ Nhai, huyện Đồng Hỷ đạt tỷ lệ giải ngân vốn trên 80%.

Đồng Văn Thưởng
#