Cấp thiết xây dựng luật khu công nghiệp, khu kinh tế
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cho biết: Sau cơn bão số 3 để lại thiệt hại rất lớn, các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai có trách nhiệm hỗ trợ cho đối tượng sản xuất nông nghiệp. Nội dung này hiện có Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, Nghị định được ban hành đã lâu, nhiều nội dung không còn phù hợp, thủ tục giải quyết phức tạp, mức hỗ trợ thấp nên giải quyết theo quy định hiện hành sẽ rất thiệt thòi cho người dân. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉnh sửa nghị định theo hướng nâng mức hỗ trợ; đồng thời, cần tính toán đến thời điểm có hiệu lực sớm để các địa phương kịp thời áp dụng hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại của cơn Bão số 3 vừa qua, trong đó có Hải Phòng.
Cùng với đó, đại biểu cho biết, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cho thấy đây là mô hình rất hiệu quả. Đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu hút được lượng lớn vốn đầu tư, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành, vùng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động…
Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại về thể chế, các luật có liên quan chưa được hoàn thiện, mới chỉ dừng lại ở quy định nghị định của Chính phủ, trình tự thủ tục còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan nhiều đến các lĩnh vực như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động…
Từ thực tế địa phương cho thấy, việc xây dựng luật về khu công nghiệp, khu kinh tế rất cấp thiết để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt ở các địa phương nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị chính phủ sớm hoàn thiện dự án về luật khu công nghiệp, khu kinh tế trình Quốc hội xem xét.
Có giải pháp cho thực trạng kết hôn muộn, lười sinh
Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân phản ánh: Nước ta đã và đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và dân số già. Những năm qua, tuổi kết hôn ở những đô thị lớn tăng dần theo thời gian và xuất hiện tình trạng chậm cưới, lười sinh. Kết hôn muộn dẫn đến sinh con muộn làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo áp lực cho an sinh xã hội ngày càng lớn.
Theo dự báo, đến năm 2039 dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng số dân số và nước ta bước vào giai đoạn dân số già.
Hiện, Chính phủ đã có Quyết định số 588/QĐ-TTg về Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Tuy nhiên, các chương trình, chính sách còn chung chung. Còn ở dạng thí điểm hoặc chưa được triển khai quyết liệt. Hầu như chỉ dừng lại ở các hoạt động tuyên truyền chú trọng vào việc sinh, nhưng chưa có tuyên truyền các nội dung khác. Hiệu quả còn khiêm tốn.
Thời gian từ nay đến năm 2039 không dài, để giải quyết căn cơ vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, cấp liên quan điều tra, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc kết hôn muộn, lười sinh con. Cùng với đó, cần học tập kinh nghiệm của một số quốc gia khác đã giải quyết vấn đề này để có giải pháp phù hợp. Trong đó, ưu tiên cho tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tế phổ biến nhất hiện nay mà các cặp vợ chồng trẻ gặp phải; dần dần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tích cực tình trạng kết hôn muộn, lười sinh con ở giới trẻ.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi Luật Dân số để thể chế hóa quan điểm mới của Đảng về vấn đề dân số.