Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tuyên Quang) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); Dự án Luật Dữ liệu, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, khả thi cao.
Tạo động lực, yên tâm cho dân quân thường trực
Theo đó, tham gia thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu III, ĐBQH thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Dũng đề nghị bổ sung đối tượng là thân nhân của dân quân thường trực được đóng BHYT bằng ngân sách Nhà nước. Mục đích để tạo động lực, sự yên tâm đối với dân quân thường trực trong thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng; bảo đảm tính thống nhất, tương đồng với quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Bởi, Kết luận số 41-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới, chỉ rõ: “Chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng Dân quân tự vệ ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp. Bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng đối với lực lượng này theo giá trị ngày công lao động thực tế và phù hợp với khả năng của địa phương”.
Luật Dân quân tự vệ năm 2019, quy định dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng (Khoản 4 Điều 2), trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao… Đây là những nhiệm vụ có yêu cầu cao, tính chất phức tạp, phải huy động kịp thời, hoạt động không kể ngày, đêm, thường xảy ra trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của Dân quân thường trực. Thời gian thực hiện nghĩa vụ dân quân thường trực là 2 năm (Khoản 2 Điều 8).
Luật Dân quân tự vệ quy định Dân quân thường trực được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, BHYT như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tại ngũ (Điểm c Khoản 1 Điều 34), để bảo đảm tính tương quan giữa các lực lượng có tính chất hoạt động tương đồng.
Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ quy định: “Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”. Theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, thì hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được mua thẻ bảo hiểm y tế bằng ngân sách nhà nước.
Thực tế tại các địa phương, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ, nhưng thân nhân dân quân thường trực chưa được mua thẻ BHYT bằng ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, hiện nay, Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ. Trong đó, bổ sung khoản 4a Điều 12, quy định thân nhân của dân quân thường trực được tham gia BHYT như đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tại ngũ. Để phù hợp giữa nhiệm vụ, quyền lợi của đối tượng dân quân thường trực và tương đồng với quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tại ngũ.
Mặt khác, đại biểu đánh giá ngân sách bảo đảm để chi trả tối đa cho thân nhân dân quân thường trực không lớn. Vì theo thống kê của Bộ Quốc phòng, hiện nay có 4.541 xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng. Số lượng thân nhân của dân quân thường trực khoảng 82.000 người. Trong đó, có khoảng 30% thân nhân đã tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng khác; còn lại khoảng 70% thân nhân dân quân thường trực chưa tham gia BHYT và cần được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ với tổng số khoảng 57.000 người. Với mức hỗ trợ 100%, mức đóng là 4,5% của lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng, dự kiến ngân sách bảo đảm để chi trả tối đa cho đối tượng này khoảng 72 tỷ đồng/năm.
Cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế
Cũng tham gia góp ý hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng như: đối tượng là nạn nhân bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh; người thuộc hộ thoát nghèo; người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 75 tuổi…
Cùng với đó, để tập trung bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh, tạo thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế, giảm thủ tục hành chính, tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT, khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh, đề nghị tại Điều 43 xem xét bổ sung trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, “cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT”.
Đồng thời, tại Điều 31, xem xét bổ sung quy định trong các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh khác, người bệnh phải tự mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thanh toán cho người bệnh. Sau đó, cơ sở khám chữa bệnh tổng hợp chi phí và thanh toán với cơ quan BHYT.