Chặt chẽ trong quy định quảng cáo thuốc
Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân đề nghị cần làm rõ hơn phương thức nào kiểm soát triệt để việc các nhà thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc bán lẻ ngoài cơ sở khám chữa bệnh, không theo chuỗi quản lý thống nhất, tuân thủ các quy định tại điểm p khoản 2 Điều 42 (chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ thuốc khi có đơn thuốc), khắc phục cơ bản việc nhân viên nhà thuốc không có đủ bằng cấp chuyên môn vẫn có thể “tự chẩn bệnh, tư vấn, kê đơn và bán các loại thuốc thuộc danh mục phải cần có kê đơn của bác sĩ chuyên khoa” như thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi.
Đối với các nhà thuốc độc lập không phải do cơ sở, doanh nghiệp có chuỗi nhà thuốc thành lập, mà có quan hệ đối tác với nhiều doanh nghiệp dược khác nhau, Luật cũng cần có các quy định có tính nguyên tắc về quy trình quản lý, các tiêu chuẩn về tính tương thích. Vấn đề kiểm soát dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh thuốc tại các cơ sở tư nhân nhỏ; các nhà thuốc độc lập không nằm trong một chuỗi riêng của một cơ sở, doanh nghiệp lớn đầu chuỗi cũng cần phải được xem xét, bổ sung làm rõ trong dự thảo Luật hoặc tiếp tục nghiên cứu và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Cùng với đó, khi Bộ Y tế nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết về quản lý các hoạt động quảng cáo thuốc, đề nghị quan tâm đến một số nội dung còn nhiều vi phạm, gây thiệt hại về kinh tế, hệ luỵ đến sức khoẻ của người dân, bức xúc trong xã hội như: mượn danh các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ có uy tín hoặc người nổi tiếng để quảng cáo; đưa ví dụ, hình ảnh một người bị bệnh, được người khác (không phải là chuyên gia, bác sỹ, dược sỹ) giới thiệu truyền miệng, mách bảo loại thuốc này, thuốc kia tốt và họ mua để sử dụng; so sánh với sản phẩm tương tự công dụng của doanh nghiệp khác mà chưa được phép, chưa có kết quả đánh giá, xác nhận của cơ quan chuyên môn kiểm định; sự nhập nhèm không rõ ràng giữa thuốc và thực phẩm chức năng…
Bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ chuyên biệt đáp ứng nhu cầu giới
Đối với Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), điểm mới này là đã luật hóa nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động phòng, chống mua bán người. Cụ thể, khoản 1 Điều 4 quy định nguyên tắc “1. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.”; khoản 6 quy định nguyên tắc “Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp tín ngưỡng, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.”
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân, xem xét dưới góc độ giới thì dự án Luật cần được nghiên cứu toàn diện hơn để quy định những chính sách hỗ trợ phù hợp, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thực chất hơn. Cụ thể, cần bổ sung quy định cụ thể về chế độ hỗ trợ chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu giới, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của từng nạn nhân ở từng trường hợp là nam, nữ, người đồng tính, song tính, chuyển giới; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực thi pháp luật trong dự án Luật Phòng, chống mua bán người.
Việc quy định miễn trách nhiệm hình sự, hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (khoản 7 Điều 4) là chính sách nhân đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, đây là quy định hoàn toàn mới, chưa thống nhất với Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể hay phân quyền quy định chi tiết đối với nội dung này. Do vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về nội dung này.
Bên cạnh đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm được bổ sung trong dự thảo này là “Thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” tại khoản 2 Điều 3. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Lã Thanh Tân nhất trí với việc bổ sung hành vi nghiêm cấm này để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm hành vi mua bán người sau khi đứa trẻ được sinh ra.
Tuy nhiên, nội dung dự thảo Luật mới xác định hành vi bị nghiêm cấm mà chưa quy định cụ thể các nội dung có liên quan đến vấn đề này như: giải thích từ ngữ, căn cứ đề xác định nạn nhân; đối tượng, chế độ hỗ trợ (trong cả trường hợp thai nhi còn sống và đã chết)... Do đó, đề nghị xem xét, bổ sung các quy định có liên quan để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai sau khi Luật được ban hành.
Về đối tượng và các chế độ hỗ trợ quy định tại Điều 37 dự thảo Luật, đề nghị xem xét bổ sung đối tượng hỗ trợ là người thân thích của nạn nhân trong trường hợp nạn nhân bị chết trong quá trình mua bán người (đặc biệt là trong các trường hợp mua bán người để lấy bộ phận cơ thể hoặc mua bán bào thai). Theo đó, bổ sung chế độ hỗ trợ về việc mai táng cho các đối tượng này…