Hoàn thiện cơ chế phòng, chống "tham nhũng chính sách"

Bài cuối: Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó!

- Thứ Hai, 26/09/2022, 05:36 - Chia sẻ

Để kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật có hiệu quả, nhiều ý kiến đồng tình dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, cần xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân có thẩm quyền, thể hiện rõ tinh thần “quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó”.

Rà soát, đánh giá các lĩnh vực có thể phát sinh “lợi ích nhóm”

Đến nay, chưa có văn bản riêng của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Chính vì chưa có một văn bản riêng của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật nên nội dung này trong các văn kiện liên quan cũng chưa được đề cập thực sự đầy đủ, cụ thể.  

Bài cuối: Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó! -0
Toàn cảnh Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” do Đảng đoàn Quốc hội tổ chức tháng 8.2022

Một số quy định về trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong quy trình xây dựng pháp luật, từ soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật còn chung chung. Việc thẩm định của các ban Đảng đối với các dự án pháp luật trước khi Quốc hội thông qua chưa được thực hiện thấu đáo mà chủ yếu là tham gia ý kiến và cũng chưa tham gia ý kiến sâu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật, pháp lệnh.

Một điểm dễ nhận thấy nữa là thời gian qua, việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực mới tập trung vào những lĩnh vực, vấn đề bức xúc, nổi cộm. Sau khi Ban Nội chính Trung ương xây dựng Đề án“Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” và đúc rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì các lĩnh vực khác có thể phát sinh “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực mới được rà soát, đánh giá đầy đủ và vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật mới được đặt ra.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, các ý kiến đều đồng tình cần xây dựng và ban hành một văn bản riêng của Đảng, cụ thể là Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Không có ngoại lệ, vùng cấm

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Uyên Minh cho rằng, Quy định này cần nhận diện đầy đủ các biểu hiện của “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời quy định bắt buộc việc đánh giá tác động về “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, cần thiết quy định về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến an ninh, quốc phòng, hợp tác quốc tế, nội chính, phòng, chống tham nhũng hoặc dư luận xã hội quan tâm trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến hoặc trước khi được ban hành, thông qua phải được xin ý kiến cấp ủy Đảng.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022 đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 38,61%; 396 vụ phạm tội về tham nhũng chức vụ, tăng 33,33%. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp trong nhiều lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công...

Cùng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Đức Thái đề xuất, cần quy định cụ thể về trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đi đôi với quy định trách nhiệm cần hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong xây dựng, ban hành pháp luật, nhất là “giám sát bên ngoài” để khắc phục “khoảng trống” trong giám sát sự tuân thủ pháp luật đối với văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.

Còn theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú, cần quán triệt nguyên tắc mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đều bị xem xét, xử lý nghiêm minh, kể cả trường hợp đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu. Chẳng hạn, đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật tại tổ chức, đơn vị do mình phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hay, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang công tác cần tham khảo quy định về xử lý hành vi vi phạm theo Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23.9.2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, còn có thể áp dụng các biện pháp xử lý như: Trường hợp bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ và sau một thời hạn nhất định mới xem xét quy hoạch lại; không bố trí làm công tác tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật; xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm (trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo). Trường hợp bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc, Ủy viên Thường trực Nguyễn Danh Tú lưu ý.

Theo kế hoạch, Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật sẽ được Đảng đoàn Quốc hội xem xét, cho ý kiến, hoàn thiện và báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuối năm nay. Tin rằng Quy định được ban hành sẽ thêm một “thanh kiếm sắc” để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật nói riêng, bảo đảm phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới thực sự “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Hải Vân – Nguyễn Minh – Bình Nhi