Hoàn thiện cơ chế phòng, chống "tham nhũng chính sách"

Bài 3: Nhận diện rõ chủ thể và hành vi

- Thứ Bảy, 24/09/2022, 06:10 - Chia sẻ

Hoạt động xây dựng pháp luật được thực hiện theo trình tự chặt chẽ, không dễ để hiện thực hóa ý đồ lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, không phải không thể xảy ra những hành vi này bởi các chủ thể thường che giấu tinh vi thông qua việc lợi dụng danh nghĩa lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận diện thật rõ các chủ thể, hành vi.

Phân biệt rõ các nhóm lợi ích

Thực tiễn cho thấy, sự hình thành, tồn tại, phát triển của các nhóm lợi ích là vấn đề mang tính tất yếu, khách quan trong mọi xã hội. Vì thế, sự tác động của các nhóm lợi ích với nhà nước nói chung, với hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của nhà nước nói riêng cũng là tất yếu khách quan.

Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng như vụ Tổng Công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG), vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) - đều là những biểu hiện của “nhóm lợi ích” qua sự cấu kết của một số cán bộ cao cấp với nhau và với doanh nghiệp để trục lợi, tham nhũng.

Tác động của các nhóm lợi ích đến hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật mang tính hai mặt. Mặt tích cực là giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhiều dữ liệu, thông tin để xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp thực tiễn. Mặt tiêu cực là nếu không được quản lý, các nhóm lợi ích có thể gây tác động một cách không chính đáng, bất tương xứng hay bất hợp lý đến cơ quan, nhà hoạch định chính sách, khiến cho chính sách, pháp luật ban hành ra không phản ánh đúng thực tiễn, chỉ phục vụ lợi ích của một, một số nhóm xã hội, làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và các nhóm xã hội khác.

PGS.TS. Vũ Công Giao - Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, sự tác động của nhóm lợi ích đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở các quốc gia về bản chất không phải là hành vi tham nhũng hay bất hợp pháp mà ngược lại, đây là một yếu tố có tính tất yếu, khách quan và có vai trò quan trọng trong quá trình đó. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế kiểm soát phù hợp thì các nhóm lợi ích rất dễ lũng đoạn quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, từ đó gây ra những hậu quả tiêu cực với Nhà nước và xã hội. Xét tổng quát, tác dụng tích cực hay tiêu cực của các nhóm lợi ích với Nhà nước và xã hội phụ thuộc vào việc các nhóm lợi ích có quyền lực đến đâu, cách thức quyền lực được phân phối giữa các nhóm lợi ích ra sao, và mối quan hệ giữa các cơ quan, nhà hoạch định chính sách với các nhóm lợi ích được quy định như thế nào trong pháp luật.

Vì vậy vấn đề là phân biệt, nhận diện rõ các nhóm lợi ích. Và lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể như các chủ thể có quyền trình sáng kiến xây dựng luật, pháp lệnh; các chủ thể thực hiện công việc xây dựng pháp luật (các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội, Nhân dân); các chủ thể tác động vào quá trình xây dựng pháp luật (phương tiện thông tin đại chúng; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; các chuyên gia; các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật).

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho rằng, dấu hiệu, đặc điểm chung nhất của các chủ thể này là những người có chức, có quyền, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc người có liên quan về lợi ích. Những chủ thể này có thể chủ động hoặc bị lôi kéo, cấu kết để lợi dụng vị trí, quyền hạn tác động vào quá trình hoạch định chính sách, uốn cong, bẻ lái chính sách; ngụy trang, che giấu tinh vi ý đồ của mình thông qua lợi dụng danh nghĩa lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể để mang lại lợi ích không chính đáng.

Chính sách đó làm lợi cho ai?

Để nhận diện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thì ngoài việc xác định chủ thể thì phải nhận diện được các hành vi.

Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, cho dù là lợi ích nhóm, tham nhũng hay tiêu cực, để xem xét có biểu hiện đó trong công tác xây dựng pháp luật hay không thì trước hết cần trả lời được các câu hỏi: Đạo luật đó xây dựng nhằm mục tiêu gì; đối tượng điều chỉnh là ai? Các chính sách thể hiện trong đó có mang tính phổ biến, vì lợi ích chung của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc không? Trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện các công đoạn có đầy đủ, khoa học hay không? Các ý kiến phát biểu, báo cáo đánh giá tác động của chính sách, báo cáo giải trình, báo cáo thẩm tra có trung thực, khách quan hay không…? Nếu có câu trả lời là “không”, là “không rõ”, là còn nghi ngờ thì buộc phải nhận diện rõ dấu hiệu của các hành vi.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh thêm, “lợi ích nhóm” cần phải kiểm soát để ngăn chặn ở đây là loại “lợi ích nhóm” tiêu cực. Nghĩa là lợi ích cục bộ, không chính đáng, bất hợp pháp của một nhóm người hoặc của ngành, địa phương, mâu thuẫn, gây thiệt hại cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Điều này khác với “lợi ích nhóm” tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp, không làm ảnh hưởng, không mâu thuẫn với lợi ích chung của xã hội, của quốc gia, dân tộc như lợi ích của nhóm người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…

Để nhận diện “lợi ích nhóm” trong chính sách thì đối với mỗi chính sách cần làm rõ: chính sách đó làm lợi cho ai, có tiêu cực trong xây dựng, thông qua chính sách không? Chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, theo đúng quy trình không? Có biểu hiện “mờ ám”, tiêu cực không? Chính sách làm lợi cho ai, vì lợi ích chung của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc hay lợi ích của một nhóm người? Nếu chỉ làm lợi cho một số người thì lợi ích đó có chính đáng không?

Thực tế từ công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, các vụ việc tham nhũng có sự tham gia của “nhóm lợi ích” trong thời gian qua ở nước ta chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính - ngân hàng, quản lý, sử dụng tài sản công - cho thấy trong các lĩnh vực này pháp luật còn nhiều kẽ hở, dẫn đến sự chi phối, thao túng của “nhóm lợi ích”.

Hải Vân – Nguyễn Minh – Bình Nhi