Hoàn thiện cơ chế phòng, chống "tham nhũng chính sách"

Bài 4: Những kinh nghiệm hay và thực hành tốt

- Chủ Nhật, 25/09/2022, 07:34 - Chia sẻ

Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để quản lý tác động của các nhóm lợi ích đến xây dựng chính sách, pháp luật, ngoài việc luật hóa hoạt động vận động hành lang, trong đó quy định rõ những nội dung cần phải công khai thì cần đặc biệt quan tâm, khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật để bảo đảm tính minh bạch trong việc ra quyết định của cơ quan công quyền.

Công khai - nguyên tắc tối thượng

Đạo luật công khai hoạt động vận động hành lang năm 1995 (Lobbying Disclosure Act) của Hoa Kỳ yêu cầu các nhà vận động hành lang hoặc bất kỳ tổ chức nào thuê các nhà vận động hành lang phải đăng ký với Thư ký Thượng viện và Thư ký Hạ viện. Các nhà vận động hành lang phải công khai một loạt thông tin, bao gồm thông tin nhận diện về họ và về tổ chức mà họ đang làm việc, thông tin nhận diện và địa chỉ kinh doanh của khách hàng, các vấn đề được vận động cũng như thu nhập trên mỗi khách hàng và tổng số tiền được chi cho vận động hành lang sau mỗi 3 tháng. Đạo luật cũng yêu cầu tất cả các nội dung đăng ký và báo cáo đều phải có sẵn để kiểm tra công khai trên mạng ngay sau khi báo cáo được nộp.

Còn Luật vận động hành lang của Canada chia những người vận động hành lang thành 3 loại, gồm: chuyên gia tư vấn vận động hành lang (người được thuê thay mặt khách hàng); nhà vận động chuyên trách làm việc cho một tổ chức vì lợi nhuận; nhà vận động chuyên trách làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận. Luật quy định rõ, các quan chức chính quyền không được phép tham gia những hoạt động vận động hành lang với Chính quyền Liên bang trong vòng 5 năm sau khi rời nhiệm sở. Ngoài ra, việc đăng ký hoạt động vận động hành lang là bắt buộc với mọi tổ chức, cá nhân làm việc này và thông tin đăng ký phải được công khai.

Ngoài đạo luật nêu trên, một Bộ quy tắc ứng xử của các nhà vận động hành lang (Lobbyist Code of Conduct) cũng được Canada xây dựng nhằm bảo đảm “việc vận động hành lang được thực hiện phù hợp đạo đức, với tiêu chuẩn cao nhất, nhằm duy trì và nâng cao niềm tin của công chúng vào sự liêm chính, khách quan và công bằng trong việc ra quyết định của Chính quyền”.

PGS.TS Vũ Công Giao - Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết thêm, ở châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) là một ví dụ tiêu biểu xét về phương diện luật hóa hoạt động vận động hành lang. Luật về vận động hành lang được cơ quan lập pháp của Đài Loan thông qua năm 2007, có hiệu lực từ năm 2008, trong đó định nghĩa vận động hành lang là “bất kỳ sự giao tiếp bằng miệng hay bằng văn bản nào với các quan chức trong nhánh lập pháp hay hành pháp, liên quan đến việc xây dựng, sửa đổi hay bãi bỏ các chính sách hay pháp luật”.

Theo luật này, các nhà vận động hành lang được yêu cầu phải đăng ký trước khi hoạt động, và phải công khai chi phí vận động hành lang cho các cơ quan hữu quan. Các quan chức có liên quan cũng phải báo cáo về sự tiếp xúc của họ với các nhà vận động hành lang (nếu có) trong vòng 7 ngày. Thêm vào đó, đạo luật cũng quy định về vấn đề các nhóm lợi ích tuyển dụng các cựu quan chức. Tổng thống, Phó Tổng thống, những người có chức quyền về chính trị và các lãnh đạo địa phương bị cấm tự thực hiện hoặc đại diện đứng ra vận động hành lang trong vòng 3 năm sau khi rời nhiệm sở.

 Khuyến khích sự tham gia của người dân

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động vận động hành lang của các công ty, qua đó phòng ngừa khả năng tác động không chính đáng đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Điển hình, Open Secrets, một đơn vị thuộc Trung tâm chính trị đáp ứng của Hoa Kỳ, có chức năng chuyên nghiên cứu về sự lưu chuyển của dòng tiền trong hoạt động chính trị ở Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó đến bầu cử và hoạch định chính sách công. Những nghiên cứu của Open Secrets giúp các cơ quan nhà nước cũng như công chúng nhận biết và có phản ứng kịp thời với những hành vi vi phạm pháp luật vận động hành lang.

Thực tiễn cho thấy, tính minh bạch trong việc ra quyết định của cơ quan công quyền phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố quan trọng là sự quan tâm, tham gia của người dân. Thực tiễn cho thấy, người dân càng quan tâm đến việc ra quyết định của cơ quan công quyền về một vấn đề cụ thể nào đó thì các nhóm lợi ích càng khó tác động không chính đáng đến việc ra quyết định.

Như vậy, kinh nghiệm rút ra ở đây là, để chống sự tác động không chính đáng của các nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách, pháp luật, nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình này, thông qua việc bắt buộc và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức các phiên thảo luận công khai về chính sách, pháp luật đang xây dựng cũng như tổ chức tham vấn  nhiều chủ thể khác nhau, đặc biệt là những chủ thể chịu sự điều chỉnh. Đồng thời, xây dựng pháp luật về tiếp cận thông tin mà cho phép tiếp cận với các tài liệu của chính phủ liên quan đến quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; thiết lập các hình thức liên lạc trực tuyến để khuyến khích sự tham vấn và góp ý của người dân vào các dự thảo văn bản pháp luật; quy định về việc biểu quyết công khai và công khai kết quả biểu quyết các dự án luật trong Quốc hội...

Cùng với quá trình phát triển, đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong thời gian tới ở nước ta sẽ còn có thêm nhiều nhóm lợi ích và tác động của các nhóm lợi ích đến hoạt động của nhà nước nói chung, hoạt động hoạch định chính sách, pháp luật nói riêng sẽ ngày càng mạnh mẽ. Để hoàn thiện khung khổ pháp luật về lĩnh vực này, PGS.TS. Vũ Công Giao cho rằng, cần nghiên cứu luật hóa các quy định về vận động chính sách trên cơ sở tham khảo pháp luật về vận động hành lang của các nước. Luật về vận động hành lang sẽ là một trong những công cụ pháp lý nòng cốt để quản lý sự tác động của các nhóm lợi ích tới hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật theo hướng phát huy những khía cạnh tích cực, phòng ngừa, xóa bỏ những tác động tiêu cực của vận động hành lang.

Hải Vân – Nguyễn Minh –Bình Nhi