Hoàn thiện cơ chế phòng, chống "tham nhũng chính sách"

Bài 1: Kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp

- Thứ Năm, 22/09/2022, 06:16 - Chia sẻ

Đảng đoàn Quốc hội đang hoàn thiện Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đây cũng là hiện thực hóa kết luận Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV: “Chúng ta yêu cầu một Chính phủ liêm chính hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính. Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ “cài cắm” vào trong quá trình xây dựng luật”.

Lập pháp là một trong những chức năng chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thiết lập hành lang pháp lý, chuẩn mực cho tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, toàn xã hội. Với vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm cho hoạt động này có hiệu lực, hiệu quả, không có “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Về cơ bản đã bảo đảm sự kiểm soát

Trong tất cả quy trình thực hiện các công việc của Nhà nước, có thể nói lập pháp là quy trình phức tạp nhất, được quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể nhằm bảo đảm kiểm soát “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực một cách chặt chẽ.

Bài 1: Kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp -0
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Nguồn: ITN

Điều này xuất phát từ tính chất và tầm quan trọng của hoạt động lập pháp đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Theo đó, quy trình lập pháp bao gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn bắt buộc phải tuân thủ, mỗi giai đoạn có tính chất độc lập tương đối (từ lập Chương trình xây dựng pháp luật; soạn thảo; thẩm định; thẩm tra; trình Quốc hội xem xét, thông qua) với nhiều chủ thể tham gia.

Thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đã thông qua số lượng lớn các bộ luật, luật với chất lượng ngày càng cao. Quy trình xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm túc. Các dự thảo luật, pháp lệnh được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Chất lượng của các báo cáo thẩm định, thẩm tra ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính độc lập, khách quan, có tính phản biện, thể hiện rõ chính kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra đối với dự thảo văn bản.

Bên cạnh đó, việc thảo luận của đại biểu Quốc hội và việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật được tiến hành nghiêm túc. Quy trình xin ý kiến Bộ Chính trị đối với các nội dung lớn, quan trọng của dự án luật được tuân thủ chặt chẽ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật. Việc thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản đã bảo đảm sự kiểm soát đối với hoạt động lập pháp. Các luật được ban hành có tính khả thi, phản ánh đúng đường lối, chính sách của Đảng, ý chí của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, không bị lợi ích cục bộ ngành, địa phương, “nhóm lợi ích” chi phối.

Song chưa đạt kết quả như mong muốn…

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại dẫn đến hiệu quả kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực chưa đạt kết quả như mong muốn.

Giai đoạn từ năm 2016 - 2021, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra 28.704 văn bản (gồm 3.672 văn bản cấp bộ và 25.032 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành), phát hiện 678 văn bản có nội dung trái pháp luật (trong đó, có 116 văn bản cấp bộ ban hành và 562 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành), chiếm tỷ lệ 2,36% số văn bản đã kiểm tra. Trên cơ sở đó, cơ quan ban hành văn bản đã thực hiện xử lý 658/678 văn bản trái pháp luật, chiếm tỷ lệ 97,05% số văn bản đã phát hiện, kết luận.

Cụ thể, công khai, minh bạch, dân chủ trong quy trình xây dựng pháp luật là yêu cầu rất quan trọng cần tuân thủ để bảo đảm các chính sách được hoạch định, soạn thảo khách quan, không vụ lợi, vì lợi ích chung của đất nước. Song trong quá trình soạn thảo luật, việc lấy ý kiến đối với dự thảo và kể cả đối với đề nghị xây dựng luật nhiều lúc còn mang tính hình thức; chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều tranh luận.

Vẫn còn trường hợp cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh chưa dành thời gian thỏa đáng để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội. Có trường hợp chỉ xin ý kiến thành viên bằng văn bản nên việc tranh luận, thảo luận bị hạn chế. Một số tài liệu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu đáo, nhất là báo cáo đánh giá tác động, báo cáo rà soát thủ tục hành chính, dự thảo văn bản quy định chi tiết…

Trong một số trường hợp, thời gian gửi dự án để thẩm định, thẩm tra bị vi phạm, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra, thẩm định. Chất lượng các báo cáo thẩm định, thẩm tra chưa đồng đều, nội dung của một số báo cáo còn sơ sài, xuôi chiều, tính phản biện chưa cao, chưa dựa trên lập luận mang tính khoa học nên thiếu tính thuyết phục. Thông thường báo cáo thẩm tra mới chỉ chú ý xem xét tới những vấn đề lớn mà cơ quan trình dự án nêu. Do đó không loại trừ trường hợp có nội dung có biểu hiện “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ không được nêu trong Tờ trình. Nếu báo cáo thẩm tra không chỉ ra được thì sẽ chưa làm tròn nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của dự án và phát hiện, loại bỏ kịp thời “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển lý giải, một trong những  nguyên nhân là do trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của người đứng đầu, của các bộ phận tham mưu, trách nhiệm giải trình tuy đã được quy định nhưng còn chưa thật cụ thể, đặc biệt là còn thiếu các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành các văn bản pháp luật trái quy định; việc chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng chính sách, pháp luật còn hạn chế...

Hải Vân – Nguyễn Minh – Bình Nhi