Sẽ có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia
Theo báo cáo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD-ĐT, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở GDĐH.
Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở GDĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng trong đó:
Khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia;
Khoảng 100 cơ sở GDĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở GDĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia căn cứ tiềm lực và uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống GDĐH.
Theo đó, các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia đến 2030 như sau:
Có 5 Đại học Quốc gia; 5 Đại học vùng và 18 - 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia. Đây là các đơn vị đầu tàu với quy mô đào tạo đại học trên toàn quốc là 30%; Thạc sĩ 60% và Tiến sĩ là 80%.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là Đại học Quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.
Tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Các đại học quốc gia giữ ổn định quy mô đào tạo trình độ đại học, tập trung nâng cao chất lượng và tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Sau năm 2030, có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống.
Đại học vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu vùng trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.
Tới năm 2030, phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.
Các đại học vùng chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.
Thành lập Đại học Quốc gia cần đặc biệt chú ý cách tiếp cận địa - chính trị phát triển vùng
Góp ý về Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) Trần Thanh Vân cho biết, về cơ bản nhất trí với nội dung và định hướng của Bộ GD-ĐT trong dự thảo Quy hoạch, đồng thời đề xuất một số vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới phát triển của Đại học vùng, trong đó có ĐH Thái Nguyên.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị đưa ĐH Thái Nguyên trở thành đại học quốc gia, đại học trọng điểm quốc gia trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở những căn cứ: ĐH Thái Nguyên là Đại học vùng được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 04 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Đến nay, ĐH Thái Nguyên đã có 07/7 trường đại học thành viên đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học chu kỳ II, 13 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GDĐT và 15 chương trình được công nhận đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA. Ngoài ra, có 14 chương trình đào tạo đại học, 04 chương trình đào tạo thạc sĩ đã được đánh giá chờ công nhận (VNU-CEA).
Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 (gọi tắt là Luật số 34) đã khẳng định vai trò, vị trí của Đại học Quốc gia, Đại học vùng, trong đó có ĐHTN như sau: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước” (trích Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học - sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật Giáo dục đại học).
Điều này đã khẳng định vai trò, vị trí của Đại học vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển vùng trong suốt 30 năm qua kể từ ngày thành lập 3 đại học vùng (gồm Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng được thành lập theo các Nghị định số 30-CP, 31-CP và 32-CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ). 03 đại học vùng đã phát huy vai trò và có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng và cả nước.
Khác với các đại học khác mới được thành lập theo Luật 34 (Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), 02 đại học quốc gia và 03 đại học vùng có cơ cấu tổ chức gồm nhiều trường đại học thành viên do Chính phủ thành lập, các trường đại học thành viên được quyền tự chủ và trách nhiệm theo Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.
Thực hiện nguyên tắc quy hoạch trong dự thảo Quy hoạch: “Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Chiến lược phát triển giáo dục đại học và các chiến lược khác có liên quan trọng cùng thời kỳ; bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường”.
Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên Trần Thanh Vân phân tích, Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu và tiêu chí đánh giá khoa học. Tuy nhiên, việc quy hoạch đưa một số cơ sở giáo dục đại học thành lập Đại học Quốc gia ngoài các tiêu chí về đội ngũ, học thuật,... cần đặc biệt chú ý cách tiếp cận địa - chính trị phát triển vùng, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Nghị quyết số 11-NQ/TW cũng đã khẳng định, bối cảnh mới trong nước và quốc tế đặt ra các thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và nhất là tâm thế phát triển mới.
"Nghị quyết mới là căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; giúp khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển" - ông Vân nhấn mạnh.
Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 01/8/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó khẳng định “Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các trường đại học trong vùng; tập trung đầu tư phát triển một số viện/trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Nghị quyết 96/NQ-CP đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành Quy hoạch vùng Trung du và Miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ phê duyệt vào Quý III/2023.
PGS.TS Trần Thanh Vân cho biết, ngày 18.9.2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 7677/BKHĐT- QLQH về việc xin ý kiến đối với Quy hoạch vùng Trung du và Miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã trình bày phương hướng phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu là “Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho các trường đại học như Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên, Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) và các trường cao đẳng, cơ sở dạy nghề trong Vùng. Xây dựng 01 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành, 01 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, và 01 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm vùng”.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đánh giá “Các đại học quốc gia, đại học vùng cũng đã phần nào thể hiện được vai trò dẫn dắt, kết nối các trường xung quanh trong cùng vùng, cùng khu vực, ĐH Thái Nguyên đang hỗ trợ một số trường cao đẳng trong vùng trở thành phân hiệu của mình, tạo liên kết đào tạo nhân lực trong vùng, góp phần thực hiện tái cơ cấu các cao đẳng trong Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Chính vì vậy, PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xem xét bổ sung đưa Đại học Thái Nguyên vào danh mục quy hoạch thành Đại học Quốc gia, đại học trọng điểm quốc gia trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại buổi Toạ đàm, lãnh đạo nhiều trường đại học lĩnh vực văn hoá, y dược, mỏ địa chất, giao thông... đề nghị đưa vào quy hoạch thành trường đại học trọng điểm quốc gia.
Đại diện Trường ĐH Mỏ Địa chất đưa một số ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm vào danh sách quy hoạch đúng tinh thần Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó có một số ngành trọng điểm của trường ĐH Mỏ Địa chất.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, TS. Trần Hà Thanh đề xuất, nhà trường trực thuộc Bộ GTVT và được Bộ GTVT quy hoạch thành trường ĐH trọng điểm quốc gia. Do đó, đại diện nhà trường đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét đưa vào quy hoạch mạng lưới các trường đại học trọng điểm trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.