Gửi văn bản thẩm tra trước khi trình Ban Thường vụ
Chia sẻ kinh nghiệm về việc tham gia ngay từ đầu và khắc phục tình trạng gửi nội dung thẩm tra muộn, không bảo đảm, Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Dũng Vũ Văn Thùy cho biết: Thường trực HĐND huyện đã ban hành văn bản quy định một số nội dung về hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, quy định cụ thể thời gian UBND huyện trình báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; sự phối hợp giữa các Ban HĐND huyện với các cơ quan tham mưu của HĐND huyện ngay từ giai đoạn soạn thảo văn bản và chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp để các Ban có điều kiện tiếp cận thông tin sớm, trao đổi thông tin thường xuyên và điều chỉnh nội dung kịp thời.
Các nội dung trình kỳ họp HĐND huyện Việt Yên nhiệm kỳ này rất lớn (trên 120 tài liệu), với nhiều nội dung mới, đặc biệt, nhiều nội dung có tính chất phức tạp như: thẩm tra Kế hoạch đầu tư công với vốn bố trí hằng năm hàng nghìn tỷ đồng; thẩm tra chủ trương đầu tư các dự án nhóm B với số lượng dự án nhiều và tính chất phức tạp, trong đó có các dự án có tính khó, liên kết cao như: Dự án đường nối vành đai 4 với cầu Hà Bắc 1, cầu vượt đường tỉnh 295, quần thể văn hóa thể thao huyện… Phó Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh: Thường trực HĐND ủng hộ các Ban HĐND kiên quyết dừng hội nghị thẩm tra khi không có đủ tài liệu ký, đóng dấu của UBND huyện. Đây là cả một sự quyết tâm, quyết liệt của Thường trực và các Ban HĐND. Cùng với đó, Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban tổ chức khảo sát, thẩm tra các nội dung của kỳ họp, trong đó có sự điều tiết về đối tượng khảo sát để tránh chồng chéo, trùng lắp.
Ở góc độ khác, theo Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Sơn Động, quá trình thẩm tra, Ban đã yêu cầu cơ quan soạn thảo gửi văn bản sớm nhất (ngay sau khi trình phiên họp UBND thông qua nội dung phải trình HĐND), trước khi trình Ban Thường vụ, để các thành viên trong Ban có điều kiện nghiên cứu trước. Nếu có bổ sung, điều chỉnh về mặt số liệu thì sẽ điều chỉnh, thống nhất đánh giá sau kết thúc Hội nghị cấp ủy. Bởi thực tế, một số tờ trình, dự thảo nghị quyết do UBND trình HĐND theo quy định phải báo cáo xin ý kiến của Ban Thường vụ, Thường trực cấp uỷ nhưng khi cấp có thẩm quyền đã có ý kiến thống nhất trình HĐND, Ban thẩm tra phát hiện ra những vấn đề bất cập, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại một số nội dung để bảo đảm nghị quyết thông qua có tính khả thi. Tuy nhiên trong trường hợp này, ý kiến thẩm tra của Ban khó được thực hiện do đã gửi dự thảo cho đại biểu nghiên cứu…
Thể hiện vị trí, tiếng nói của Ban HĐND
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Hiệp Hòa Lê Xuân Lãm, nhân tố chủ yếu, quan trọng quyết định đến chất lượng công tác thẩm tra chính là thành viên của Ban; năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của các thành viên là yếu tố làm nên chất lượng của báo cáo thẩm tra. Trong đó, việc lựa chọn nhân sự nên bố trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách ở các Ban HĐND tham gia cấp ủy cùng cấp có ý nghĩa quan trọng, vừa lĩnh hội các ý kiến lãnh đạo của cấp ủy, vừa thể hiện được vai trò, vị trí và tiếng nói của Ban.
Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Sơn Động Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Lãnh đạo Ban cần được tham dự hội nghị của cấp ủy, của UBND để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của Ban về những nội dung liên quan. Đây là điều kiện đầu tiên, tạo tiền đề cho công tác thẩm tra có chất lượng, hiệu quả. Cùng với đó, Ban chủ động tiếp cận sớm ngay từ khâu soạn thảo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết; khảo sát thực tế, thu thập thông tin về những nội dung đề án, dự thảo nghị quyết có tính chất quan trọng để thu thập thông tin; đồng thời, phân công các thành viên Ban nghiên cứu tài liệu phục vụ công tác thẩm tra.
Bên cạnh đó, cần bố trí bộ phận (chuyên viên) giúp việc bảo đảm chất lượng, có năng lực và chuyên môn để chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết; phối hợp với các cơ quan khác thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra, các tài liệu cần thiết cho các thành viên Ban nghiên cứu trước khi họp thẩm tra; làm tốt công tác tham mưu xây dựng các dự thảo báo cáo thẩm tra của Ban. Lựa chọn công chức có phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử về công tác tại Văn phòng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.