Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết

Bài 4: Làm rõ sự khác nhau giữa báo cáo và thực tế

- Chủ Nhật, 28/01/2024, 07:15 - Chia sẻ

Tại phiên họp thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Giang, đối với các báo cáo, chủ trì yêu cầu các cơ quan trình bày những vấn đề mới, nổi cộm, còn ý kiến khác nhau; dành nhiều thời gian trao đổi, phân tích, làm rõ vấn đề tồn tại, hạn chế, có sự khác nhau giữa báo cáo và thực tế nắm bắt được qua khảo sát, thu thập thông tin, kết quả làm việc của một số ngành liên quan. Đối với các dự thảo nghị quyết, các thành viên Ban tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến cụ thể, làm rõ mục đích, sự cần thiết, cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính khả thi...

Theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Giang Phạm Thùy Trang, xác định vai trò quan trọng của công tác thẩm tra và với đặc thù riêng của các nội dung thuộc trách nhiệm thẩm tra của Ban Pháp chế, chủ yếu thẩm tra các báo cáo thường kỳ (2 lần/năm) thuộc lĩnh vực nội chính, hầu hết do các cơ quan bảo vệ pháp luật xây dựng hoặc tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng; nội dung trong các báo cáo là những vấn đề phức tạp, thu hút sự quan tâm của đại biểu và cử tri. Vì vậy, quá trình thẩm tra, Ban Pháp chế luôn thận trọng, sáng tạo và thực hiện đúng trình tự, hồ sơ, thủ tục theo quy định nhằm bảo đảm chất lượng thẩm tra. Các thành viên Ban chủ động nghiên cứu tài liệu, kết hợp với thông tin nắm bắt qua nhiều nguồn khác nhau, tích cực tham gia đóng góp và Ban đã góp ý, phản biện nhiều nội dung giúp cho cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, TAND, VKSND, Cục THADS tỉnh có thêm tư liệu thực tế, căn cứ pháp lý chắc chắn để hoàn thiện tài liệu trình HĐND tỉnh.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Giang khảo sát, lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố - ẢNH  HẰNG NGA
Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Giang khảo sát, lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố. Ảnh: Hằng Nga

Lựa chọn vấn đề khảo sát thực tế

Trên thực tế, cơ quan trình báo cáo thuộc lĩnh vực nội chính nên đòi hỏi thành viên Ban Pháp chế phải nắm chắc vấn đề; một số báo cáo có mối liên hệ mật thiết với nhau, đòi hỏi số liệu thống kê phải thống nhất nhưng báo cáo do các cơ quan khác nhau xây dựng nên dễ có sự chênh lệch; một số báo cáo, dự thảo nghị quyết gửi về Ban còn chậm so với yêu cầu nên việc thẩm tra có lúc, có việc chưa đạt kết quả như mong muốn… Để bảo đảm chất lượng thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Giang đã chủ động thu thập thông tin liên quan đến các nội dung thẩm tra - Thường xuyên tập hợp, củng cố nguồn thông tin, lưu trữ thành dữ liệu phục vụ công tác thẩm tra. Xác định rõ nội dung cần lưu ý, phải nêu trong báo cáo, từ đó chủ động yêu cầu cơ quan xây dựng báo cáo đưa ngay vào báo cáo trình thẩm tra.

Lựa chọn vấn đề và tổ chức khảo sát thực tế để nắm tình hình, thu thập thông tin để có những nhận định chính xác, khách quan, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp (Đối với báo cáo thường kỳ trình kỳ họp, thường Ban lựa chọn 2 - 3 đơn vị cấp huyện, tổ chức buổi làm việc chung với 4 cơ quan: công an, tòa án, viện kiểm sát, THADS; đối với dự thảo nghị quyết quan trọng, quy định chính sách đặc thù của tỉnh, có tác động sâu rộng, có thể Ban lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động thông qua tham vấn bằng phiếu hỏi, hoặc lồng ghép TXCT chuyên đề). Cử đại diện lãnh đạo Ban tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng văn bản, tham gia các cuộc họp thẩm định báo cáo, dự thảo nghị quyết do lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì; dự các cuộc họp UBND để nắm bắt các thông tin ngay từ đầu, đồng thời tham gia góp ý giúp cho cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trước khi trình thẩm tra.

Ngay sau khi có văn bản của Thường trực HĐND phân công thẩm tra, Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra sớm. Trong đó, nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung thẩm tra bảo đảm hợp lý, khoa học và thông báo đến các đơn vị liên quan, yêu cầu chuẩn bị tài liệu bảo đảm chất lượng, ấn định rõ thời hạn gửi tài liệu về Ban. Đồng thời, chỉ đạo bộ phận tham mưu, giúp việc theo dõi sát sao, thường xuyên đôn đốc, kịp thời báo cáo lãnh đạo Ban khi cần thiết, vì vậy hầu hết các tài liệu thẩm tra đều được gửi đến Ban đúng thời hạn.

Tập trung những vấn đề mới, nổi cộm, còn ý kiến khác nhau

Tại phiên họp thẩm tra, đối với các báo cáo, vì các báo cáo này là báo cáo thường kỳ, đều do các cơ quan thuộc lĩnh vực nội chính xây dựng, tham mưu nên chất lượng báo cáo cơ bản bảo đảm, chủ trì chủ yếu yêu cầu các cơ quan trình bày những vấn đề mới, nổi cộm, vấn đề còn ý kiến khác nhau; dành nhiều thời gian để các thành viên, cơ quan trình trao đổi, phân tích, làm rõ những vấn đề, nhất là những tồn tại, hạn chế, có sự khác nhau giữa báo cáo và thực tế nắm bắt được qua khảo sát, thu thập thông tin, kết quả làm việc của một số ngành liên quan đến nội dung thẩm tra. Đối với các dự thảo nghị quyết, các thành viên Ban tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến cụ thể, làm rõ mục đích, sự cần thiết, cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính khả thi, giúp cơ quan trình tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo, dự thảo nghị quyết trình HĐND bảo đảm chất lượng.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Giang Phạm Thùy Trang nhấn mạnh: Báo cáo thẩm tra của Ban cần ngắn gọn, súc tích, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến về tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, sự phù hợp tình hình thực tế; thẳng thắn nêu những tồn tại, thiếu sót và nguyên nhân, những kiến nghị, sửa đổi, bổ sung… Những nhận định khách quan, sát thực tế và có tính phản biện cao giúp HĐND nghiên cứu, xem xét các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp; tập trung thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để thống nhất và có quyết định đúng đắn về những vấn đề quan trọng của địa phương.

BẢO PHƯƠNG
#