Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết

Bài 3: Kiên quyết dừng thẩm tra khi tài liệu chưa bảo đảm

- Thứ Bảy, 27/01/2024, 07:35 - Chia sẻ

Kiên quyết dừng hội nghị thẩm tra khi tài liệu chưa bảo đảm; mở rộng thành phần mời tham dự hội nghị thẩm tra giúp các thành viên Ban HĐND có được cái nhìn đa chiều, sâu, cụ thể hơn; bản thân các cơ quan, đơn vị liên quan cũng kịp thời giải trình các nội dung thành viên ban yêu cầu. Sau khi ban thẩm tra, UBND hoàn thiện lại dự thảo nghị quyết và trình Thường trực HĐND trước khi trình chính thức tại kỳ họp… Những cách làm này của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Việt Yên đã giúp chất lượng tài liệu trình kỳ họp được bảo đảm hơn.

Lựa chọn khảo sát trọng tâm, trọng điểm

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu phát triển nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội, yêu cầu đặt ra đối với các nội dung quyết định của kỳ họp HĐND huyện ngày một áp lực lớn hơn. Đó là yêu cầu cân đối giữa nhiệm vụ thực hiện và khả năng thu ngân sách, đáp ứng được hiệu quả sử dụng của nguồn vốn đầu tư, hiệu quả sử dụng của nguồn tài nguyên đất đai; vấn đề cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường là những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi nội dung thẩm tra của Ban HĐND cần có chất lượng, phản biện sâu sắc.

Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Việt Yên Nguyễn Thị Ngọc Mai cho biết: Ban Kinh tế - Xã hội huyện có 7 thành viên, trong đó 2 thành viên chuyên trách (hiện còn 1), 5 thành viên kiêm nhiệm là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã, do đó kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, nắm bắt cơ sở của các thành viên Ban khá toàn diện. Đặc điểm này giúp Ban thẩm tra chất lượng kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về nguồn thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra, đặc biệt đối với thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế - Xã hội đã sử dụng các nguồn thông tin như: Kết quả hoạt động giám sát thường xuyên của Ban thông qua các thành viên, đặc biệt là của Trưởng, Phó Ban chuyên trách; kết quả các cuộc giám sát, khảo sát của Thường trực các Ban HĐND; công tác tiếp dân hàng tháng của đại biểu HĐND; các nội dung phản ánh tại cuộc TXCT trước kỳ họp, đặc biệt là hoạt động giám sát thường xuyên tại các phiên họp hàng tháng của UBND huyện… Nhờ vậy, hoạt động khảo sát trước kỳ họp có sự chắt lọc, lựa chọn, có tính trọng tâm, trọng điểm.

Về tài liệu trình thẩm tra, Ban đã quyết liệt đối với các đơn vị trình thẩm tra. Kiên quyết dừng hội nghị thẩm tra khi tài liệu chưa bảo đảm. Trong nhiệm kỳ, Ban đã dừng thẩm tra đối với 2 nội dung.

Mở rộng thành phần mời tham dự hội nghị thẩm tra

Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Việt Yên tổ chức thẩm tra đối với các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham mưu cho UBND huyện, đồng thời mời các cơ quan, đơn vị khác liên quan cùng dự, giải trình, làm rõ. Đơn cử, khi thẩm tra đối với Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngoài thành phần của Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban mời đại diện lãnh đạo Phòng Y tế (đối với Kỳ họp thứ 3, ngày 31.7.2021 với tính chất sau diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19). Hoặc khi thẩm tra đối với Kế hoạch đầu tư công hằng năm, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2026, Ban mời bổ sung đại diện lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện (đơn vị sẽ được giao làm chủ đầu tư), Phòng Kinh tế - Hạ tầng (liên quan đến công tác quy hoạch), Phòng Tài nguyên - Môi trường (liên quan đến các kế hoạch sử dụng đất)… để có thể nhận được các nội dung trao đổi giữa các bên với đầy đủ yêu cầu của một quyết định đầu tư công.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Nguyễn Thị Ngọc Mai, việc mở rộng thành phần mời tham dự hội nghị thẩm tra đã giúp cho các thành viên của Ban có được cái nhìn đa chiều, sâu, cụ thể hơn, có sự liên kết giữa các yêu cầu đối với một dự án đầu tư, góp phần đưa ra nhận định dự án được đề xuất có thật sự phù hợp, cần thiết cho huyện. Đồng thời, bản thân các cơ quan, đơn vị liên quan cũng kịp thời giải trình các nội dung thành viên Ban yêu cầu, bảo đảm được chất lượng nội dung yêu cầu giải trình.

Ban khảo sát trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra, nhất là đối với hoạt động thẩm tra Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công, Tờ trình thông qua Kế hoạch đầu tư công hằng năm, Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư… Theo đó, Ban đã khảo sát thực tế nhu cầu cấp thiết hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hay nhu cầu cấp thiết hỗ trợ mở rộng đường giao thông nông thôn, khảo sát các dự án đầu tư công… giúp Ban có thể đưa ra những ý kiến sát với thực tế.

Bên cạnh những giải pháp trên, Ban đã tham mưu với Thường trực HĐND tổ chức thẩm tra đối với các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Theo đó, sau khi Ban thẩm tra, UBND hoàn thiện lại dự thảo nghị quyết và trình Thường trực HĐND trước khi trình chính thức tại kỳ họp. Do đó, chất lượng tài liệu trình kỳ họp được bảo đảm hơn.

Tuy nhiên, tại các hội nghị thẩm tra, các thành viên của Ban tham gia phản biện rất sâu, chi tiết, yêu cầu cơ quan tham mưu điều chỉnh tài liệu, ban hành báo cáo, tờ trình tại kỳ họp. Tuy nhiên, dung lượng báo cáo của Ban từ 5 - 6 trang, trong khi tài liệu thẩm tra của Ban tại mỗi kỳ họp chuyên đề là 10 - 12 tài liệu, khó đưa đầy đủ các nội dung tham gia ý kiến của Ban vào trong báo cáo thẩm tra - Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Nguyễn Thị Ngọc Mai trăn trở.

Bảo Phương
#