Nhiều rào cản, rủi ro
Tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đại biểu Lã Thanh Tân cũng đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025. Trong đó, có giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn về thể chế: tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch.
Góp ý kiến cụ thể đối với nhiệm vụ giải pháp này trong thực hiện mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 được đặt ra theo Nghị quyết số 41 NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đại biểu cho rằng: Các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã thể chế mạnh mẽ chế định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên tục phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành lực lượng “trung tâm” của nền kinh tế. Đến nay, có khoảng 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, mặc dù số lượng này cũng chưa được như kỳ vọng.
Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh: Môi trường kinh doanh ở nước ta đã thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro họ gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, đó là những điều kiện kinh doanh hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó thực thi. Hệ quả của tình trạng này là tạo ra nhiều rào cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh và phát sinh nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp như: gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, phát sinh chi phí không chính thức… Điều này dẫn đến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp chậm lớn ở nước ta – đại biểu phân tích.
Rất cần các giải pháp đồng bộ, tạo đột phá
Theo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và nhiều chuyên gia, nhiều sản phẩm, dịch vụ được áp dụng điều kiện kinh doanh có thể là biện pháp quản lý quá mức cần thiết, không phù hợp và kiến nghị, thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh nhà nước nên sử dụng các biện pháp như: ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp; hoặc không dùng điều kiện kinh doanh mà dùng các biện pháp quản lý khác như: quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường; quy định nghĩa vụ doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hay quy định các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi vi phạm…
Đại biểu nhấn mạnh, điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc và kiểm soát chủ thể kinh doanh. Vì thế, theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, công cụ“điều kiện kinh doanh” chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động tiêu cực đến trật tự công.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, đây chính làđổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển, quyết tâm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và phòng chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần định hướng chung của Trung ương. Đồng thời, cũng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có thể thực hiện được.
Nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là 1 thách thức lớn. Do đó, cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục hành chính Chính phủ đang quyết liệt triển khai, doanh nghiệp, doanh nhân rất cần các giải pháp đồng bộ, tạo đột phá, cần có sự hậu thuẫn của Nhà nước để tạo sinh khí khích lệ, đào tạo, đồng hành. Đổi mới này sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp tham gia vào thị trường.
Từ thực tế trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có các biện pháp xử lý, tháo gỡ “rào cản” trong thể chế về các điều kiện kinh doanh như những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã nêu ở trên. Trong đó, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư năm 2020.