Nhiều chương trình, sản phẩm mới
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Agribank đã tập trung chỉ đạo công tác tăng trưởng tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút đối với khách hàng hoạt động kinh doanh khả thi, có hiệu quả.
Agribank đã xây dựng và triển khai đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng các sản phẩm tín dụng mang tính đặc thù cho từng địa phương, vùng, miền, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng.
Đến nay, đã có 5 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp ra đời nhằm bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng.
Đơn cử, Agribank đã dành 15 nghìn tỷ đồng tài trợ dự án đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc các lĩnh vực từ 1.2 đến hết 31.12.2024, với lãi suất ưu đãi cố định 6%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Agribank cũng dành 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường đến 1,5%/năm. Riêng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, Agribank đã dành 20 nghìn tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn đối với khách hàng cá nhân, với lãi suất ưu đãi thấp hơn sàn lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 2,0%/năm; tương ứng với từng kỳ hạn theo quy định của Agribank.
Nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn ưu đãi để đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại địa phương; Agribank dành 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP với lãi suất thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank.
Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng để phục vụ nhu cầu đời sống, ngay từ đầu năm 2024, Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân với lãi suất thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank. Với chương trình này, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng để mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; phương tiện đi lại và các mục đích tiêu dùng khác theo quy định của Agribank đều sẽ được đáp ứng…
2 lần giảm lãi suất huy động
Ngay từ đầu năm, Agribank có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan; cấp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có nợ xấu, nợ cơ cấu nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và ngân hàng kiểm soát được quá trình cho vay, thu nợ.
Để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,5% và 1 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5 - 1%. Hiện, lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024.
Nhờ đó, trong tháng 1.2024, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng của Agribank cao hơn 0,4%. Doanh số cho vay tháng 1.2024 đạt 206 nghìn tỷ đồng, cao hơn 66 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng chia sẻ, với vai trò chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, Agribank cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp, nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường công tác giám sát và thực hiện nghiêm túc kỷ luật trong xử lý vi phạm trong công tác cho vay.
Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề về pháp lý đối với các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.