
Trong hành trình xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn và hiệu quả, việc một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi là một lựa chọn không dễ dàng, nhưng rất đáng ghi nhận; cần được nhìn nhận như một lựa chọn dũng cảm và cao quý. Đó là cách mỗi người thể hiện lòng trung thành với sự nghiệp chung, sự tỉnh táo trong đánh giá bản thân, và trên hết là đạo đức nghề nghiệp của một công dân có trách nhiệm.
Dư địa, động lực xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng thực sự
Tinh gọn bộ máy nhà nước không chỉ là một yêu cầu mang tính kỹ thuật hành chính, mà đã trở thành nhiệm vụ chiến lược, cấp bách và có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Mục tiêu hướng đến là xây dựng một hệ thống hành chính hiện đại, tinh giản, hoạt động hiệu lực, hiệu quả - một bộ máy đủ sức dẫn dắt công cuộc đổi mới, thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực cải cách và đạt được không ít thành tựu, bộ máy nhà nước vẫn tồn tại nhiều bất cập: cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, quy trình xử lý công việc đôi khi rườm rà, thiếu hiệu quả. Trong khi đó, nguồn lực bị phân tán, sử dụng chưa thực sự tối ưu. Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nhà nước, mà còn làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào nền hành chính công.
Chính vì vậy, tinh gọn bộ máy nhà nước không thể chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng cơ quan hay biên chế, mà cần được tiếp cận như một quá trình tái cấu trúc tổng thể - từ tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, đến nhân sự và quy trình vận hành. Việc cắt giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách không chỉ giúp giảm gánh nặng chi tiêu công, quan trọng hơn, tạo ra dư địa và động lực xây dựng một đội ngũ cán bộ có chất lượng thực sự, chuyên nghiệp, liêm chính và đổi mới.
Đây cũng là cơ hội để rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật, loại bỏ các quy định chồng chéo, không còn phù hợp, đồng thời tái thiết lập một nền hành chính lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Việc tinh gọn bộ máy nhà nước vì thế không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là bước đi tất yếu để Việt Nam xây dựng một nền quản trị hiện đại, minh bạch, năng động, sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Biểu hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm
Trong quá trình tinh gọn bộ máy nhà nước và tái cơ cấu hệ thống hành chính, việc một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi là một lựa chọn không dễ dàng nhưng rất đáng ghi nhận. Đó không chỉ là quyết định cá nhân, mà còn là biểu hiện rõ nét của tinh thần trách nhiệm, của “lương tâm chức nghiệp” - khi mỗi người tự soi chiếu lại năng lực, sức khỏe và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới để lựa chọn dừng lại đúng lúc, nhường chỗ cho lớp cán bộ trẻ, năng động hơn, phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Người dân lấy số thứ tự tại Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh Long An
Đối với nhiều người, đây là một sự hy sinh thầm lặng. Họ là những người đã dành trọn thanh xuân, trí tuệ, tâm huyết cho bộ máy nhà nước. Quyết định rời nhiệm sở sớm không chỉ là sự chuyển đổi về công việc, mà còn kéo theo những thay đổi sâu sắc trong đời sống cá nhân. Nhiều người chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, tài chính hay kế hoạch nghề nghiệp sau khi nghỉ, khiến giai đoạn chuyển tiếp trở thành một thử thách thực sự.
Tuy nhiên, nghỉ hưu trước tuổi giúp họ có thêm thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, theo đuổi những mối quan tâm cá nhân mà bấy lâu vì trách nhiệm công vụ phải gác lại. Đặc biệt, nếu có sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước và cộng đồng, họ hoàn toàn có thể bắt đầu một hành trình mới với tâm thế tích cực - đóng góp vào xã hội theo cách khác, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đầy giá trị.
Thấu hiểu điều đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện để những người nghỉ trước tuổi ổn định cuộc sống. Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2025/NĐ-CP là minh chứng cho sự quan tâm cụ thể của Chính phủ: từ trợ cấp một lần, hỗ trợ số năm nghỉ sớm, cho đến các khoản chi phí tái hòa nhập nghề nghiệp hoặc chuyển đổi sinh kế. Những chính sách này không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn thể hiện sự tri ân, trân trọng đối với những cống hiến bền bỉ của họ trong suốt quá trình công tác.
Trong bối cảnh đổi mới mạnh mẽ, việc nghỉ hưu trước tuổi tự nguyện - khi người cán bộ cảm nhận mình không còn bắt kịp nhịp độ phát triển - cần được nhìn nhận như một lựa chọn dũng cảm và cao quý. Đó là cách mỗi người thể hiện lòng trung thành với sự nghiệp chung, sự tỉnh táo trong đánh giá bản thân, và trên hết là đạo đức nghề nghiệp của một công dân có trách nhiệm. Sự hy sinh ấy không ồn ào, nhưng rất đáng trân trọng - và cần được cả hệ thống ghi nhận, lan tỏa như một biểu hiện đẹp trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại.