Nhật Bản: Bảo tồn di sản rất bài bản

- Thứ Bảy, 17/12/2022, 07:27 - Chia sẻ

Nhật Bản là một trong số những nước bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống, và là một trong những nước đầu tiên ở châu Á và thế giới quan tâm đến vấn đề bảo tồn các di sản. Với ý thức bảo tồn từ rất sớm, Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật và chính sách bảo tồn đáng chú ý.

Hệ thống quy phạm pháp luật

Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của Nhật Bản đã có lịch sử lâu đời và luôn gắn liền với các chính sách và pháp luật. Từ năm Minh Trị thứ 4 (1871), Thái Chính Cung đã chấp nhận đề nghị của Viện Đại học ban hành Chính sách bảo quản cổ vật. Đây là văn bản đầu tiên mang tính chất hành chính nhà nước, liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Đền Itsukushima là một trong những di sản văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản - Nguồn Japan Guide
Đền Itsukushima là một trong những di sản văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản. Nguồn Japan Guide

Năm 1888, Nhật Bản thành lập Cục Điều tra và Bảo tồn Bảo vật quốc gia lâm thời. Năm 1897, Nhật Bản tiến hành điều tra bảo vật quốc gia trên cả nước, kết quả cho thấy có 215.091 cổ vật bao gồm: tư liệu cổ, tranh ảnh, điêu khắc, thư pháp, thủ công mỹ nghệ truyền thống. Đây là những tài sản quý của đất nước cần được giữ gìn.  Năm 1898, Chính phủ tiếp tục ban hành Luật Bảo tồn Di tích chùa chiền cổ.

Năm 1919, Luật Bảo tồn di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên được ban hành. Sau đó vào năm 1929, Luật Bảo tồn bảo vật quốc gia được thực hiện trên khắp Nhật Bản. Đây có thể coi là bộ luật bảo tồn di sản vô cùng quan trọng của Nhật Bản, là cơ sở để hoàn thiện bộ luật hoàn chỉnh vào năm 1950. Năm 1933, Luật Bảo tồn di sản liên quan đến nghệ thuật quan trọng được ban hành.

Sau Thế chiến II, năm 1950, Nhật Bản tiếp tục ban hành Luật Bảo tồn di sản văn hóa, quy định cụ thể, rõ ràng từ thể chế hành chính đến vai trò, trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong bảo tồn văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây cũng là luật đầu tiên sử dụng khái niệm văn hóa phi vật thể, đưa một số hoạt động văn hóa, phong tục độc đáo của địa phương vào phạm vi bảo tồn. Việc đưa ra khái niệm và vấn đề bảo tồn văn hóa phi vật cho thấy hiện tầm nhìn dài hạn và toàn diện của Nhật Bản đối với việc bảo tồn di sản văn hóa quốc gia. Luật này đã được sửa đổi nhiều lần kể từ đó. 

Lần đầu tiên là vào năm 1994, nội dung “Tăng cường và cải thiện các biện pháp bảo tồn di sản văn hóa để thích ứng với những thay đổi của đời sống” đã được bổ sung vào luật. Các biện pháp mới bao gồm: (1) mở rộng hệ thống bảo tồn di sản văn hóa;  (2) tăng cường các biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống (mở rộng đối tượng và phạm vi bảo tồn); (3) tăng cường thúc đẩy các biện pháp nghiên cứu và điều tra đối với di sản văn hóa đương đại; (4) bảo tồn đời sống văn hóa, nghệ thuật hiện đại; (5) bổ sung các biện pháp bảo tồn thích ứng với biến đổi của văn hóa phi vật thể.

Lần sửa đổi thứ hai là vào năm 1996, nội dung “Vấn đề bảo tồn và sử dụng di sản văn hóa hiện đại” đã được bổ sung dựa trên báo cáo khảo sát tháng 7.1994 của Ủy ban Đặc biệt là về kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa với 4 điều khoản mới: (1) Bảo tồn theo tiêu chí đã được quy định và hồi tố các quy định trước đây theo hướng hiện đại hóa; (2) Đa dạng hóa phương pháp bảo tồn theo chế độ đăng ký di sản văn hóa; (3) Cung cấp trang thiết bị và phương pháp bảo tồn di sản văn hóa theo đề xuất của địa phương; (4) Tập trung ưu tiên điều tra di sản văn hóa trên toàn quốc, đẩy mạnh điều chỉnh thông tin, công khai hóa thông tin, thúc đẩy phát triển nghiên cứu các phương pháp bảo tồn mới; đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tăng cường hợp tác giữa các đoàn thể, địa phương, thúc đẩy hợp tác liên quốc gia.

Lần thứ ba là vào năm 1999, chủ yếu là phân định lại quyền hạn cụ thể cho từng cấp trong bảo tồn di sản và tiến tới xây dựng hệ thống mã hóa các di sản văn hóa đã được đăng ký.

Lần thứ tư là năm 2001, nội dung Triển khai các ứng dụng mới trong việc bảo tồn di sản văn hóa và tận dụng lợi thế của di sản văn hóa trong tương lai được bổ sung.

Lần sửa đổi gần đây nhất là vào năm 2004. Nhiều quy định trong luật đã được sửa đổi để phù hợp với những thay đổi của thời đại, bao gồm: Thực hiện đăng ký các di sản văn hóa mới ngoài danh mục; Mở rộng thêm các đối tượng được bảo tồn liên quan đến đời sống sản xuất, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên…

Một số chính sách cơ bản

Thứ nhất, Nhật Bản ban hành những quy định về các lĩnh vực cần bảo tồn, được chia thành: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa dân gian, tài sản văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng và danh thắng tự nhiên, di sản văn hóa là quần thể kiến trúc.

Thứ hai, Nhật Bản xây dựng bộ máy hành chính và ngân sách để hoạt động. Đứng đầu bộ máy hành chính là Cục Văn hóa Nhật Bản (ACA), được thành lập từ năm 1968. Ngân sách ban đầu cho ACA là 5.000 triệu yen, đã tăng lên 122.000 triệu yen vào năm 2015.

Thứ ba, Nhật Bản thực hiện bảo tồn trên cơ sở xác lập các quyền sở hữu và bảo trợ của Nhà nước trên mọi phương diện. Theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa, mọi di sản văn hóa là tài sản đặc biệt, dù thuộc về chủ sở hữu nào thì cũng là tài sản quốc gia. Việc thực hiện quyền sở hữu luôn đặt dưới sự bảo trợ của Nhà nước mà không phải cá nhân.

Thứ tư, khai thác và sử dụng các giá trị của di sản và tài sản văn hóa bằng cách đưa chúng thâm nhập vào đời sống xã hội, mang giá trị hiện hữu trong hiện tại. Để thực hiện được mục tiêu này, Nhật Bản tiến hành hợp tác trên diện rộng giữa Chính phủ và tổ chức phi chính phủ, Trung ương, địa phương, hợp tác công tư, hợp tác quốc tế…

Thứ năm, duy trì hoạt động bảo tồn trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa. Với những khoản chi ngân sách mạnh tay cho lĩnh vực này, Nhật Bản không ngừng thúc đẩy hợp tác, giao lưu quảng bá văn hóa và di sản văn hóa của Nhật Bản đến thế giới.

Thứ sáu, nghiên cứu đưa ra các phương pháp bảo tồn mới đối với di sản văn hóa đương đại, thành lập các cơ quan mới liên quan đến bảo tồn…

Lưu Thị Thu Thủy