Hệ thống ủy ban được trao thẩm quyền rộng lớn

- Thứ Bảy, 25/06/2022, 06:04 - Chia sẻ

Trong phương thức hoạt động của Quốc hội Hungary, các ủy ban đóng vai trò rất quan trọng vì phần lớn các dự án pháp luật và các vấn đề quan trọng khác đều được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng tại các ủy ban trước khi trình ra Quốc hội. Đặc biệt một số ủy ban như Ủy ban Các vấn đề châu Âu còn được ủy quyền ra quyết định về các vấn đề liên quan đến EU.

Số lượng thay đổi theo nhiệm kỳ

Đạo luật về Quốc hội quy định các lĩnh vực cần thành lập ủy ban phụ trách, bao gồm: ủy ban về quyền miễn trừ của đại biểu; Các vấn đề về hiến pháp; Ngân sách; Đối ngoại; Quốc phòng; Các vấn đề của Liên minh châu Âu; An ninh quốc gia; và gần đây là các cộng đồng người Hungary ở nước ngoài.

Về cơ bản, số lượng và phạm vi trách nhiệm của các ủy ban thường trực được thành lập căn cứ vào cơ cấu của Chính phủ, có nghĩa là Quốc hội thành lập các ủy ban tương ứng với các bộ, ngành của Chính phủ và một số ủy ban phụ trách một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, điều này không mang tính tuyệt đối bởi có những ủy ban tham gia giải quyết công việc của hai hoặc nhiều bộ và cũng có trường hợp, hoạt động của một bộ được giao cho hai ủy ban phụ trách. Ngoài ra, Quốc hội cũng thành lập một số ủy ban thường trực để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nội bộ của Quốc hội và địa vị pháp lý của các thành viên (chẳng hạn Ủy ban về Thủ tục và Ủy ban về Quyền miễn trừ).

Kể từ năm 1990, hệ thống các ủy ban thường trực được hình thành và sửa đổi dựa trên thỏa thuận đạt được giữa các nhóm đảng trong nghị viện (trừ năm 2010 và 2022).

Quốc hội đã thành lập 14 ủy ban thường trực cho nhiệm kỳ 1990 - 1994 và số lượng ủy ban đã tăng lên 18 khi nhiệm kỳ kết thúc. Số lượng ủy ban của nhiệm kỳ Quốc hội 1994 - 1998 là 17 và cuối cùng tăng lên 19. Nhiệm kỳ 1998 - 2002 có ​​22 ủy ban và kỷ lục là 25 ủy ban trong nhiệm kỳ 2002 - 2006. Quốc hội sau đó xây dựng một hệ thống ủy ban tinh gọn, đơn giản và ít tốn kém hơn gồm 18 ủy ban thường trực trong giai đoạn từ 2006 - 2010. Nhiệm kỳ 2010 - 2014 chứng kiến ​​20 ủy ban thường trực tham gia vào các lĩnh vực tương ứng với con số đó, và giảm xuống còn 14 trong giai đoạn 2014 - 2018.

Đại biểu Quốc hội có thể là thành viên của một hoặc nhiều ủy ban nếu không giữ chức vụ bộ trưởng hoặc quốc vụ khanh chính trị.

Cơ cấu thành viên ủy ban được phân bổ cho các đảng phái chính trị tương ứng với tỷ lệ số ghế của đảng trong Quốc hội, trừ Ủy ban về quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội. Số lượng Chủ tịch các ủy ban cũng vậy.

Công xưởng của Quốc hội

Các ủy ban thường trực có trách nhiệm cung cấp hỗ trợ liên tục cho Quốc hội trong các hoạt động lập pháp và giám sát, cũng như thúc đẩy hiệu quả các cuộc thảo luận của Quốc hội. Các ủy ban cũng có nhiệm vụ thẩm tra tổng quyết toán ngân sách Nhà nước trước khi trình Quốc hội. Ngoài ra, các ủy ban cũng có vai trò quan trọng trong việc bầu một số chức danh của Nhà nước như thành viên Chính phủ, Trưởng công tố, Chánh án Tòa án, Tổng kiểm toán...

Đặc biệt, các ủy ban đóng một vai trò rõ rệt hơn trong quy trình lập pháp mới, vì các cuộc tranh luận chi tiết sẽ được tiến hành trong các cuộc họp của ủy ban thay vì trong các cuộc họp toàn thể. Các ủy ban hiện có thẩm quyền trong bất kỳ vấn đề nào mà Quốc hội chịu trách nhiệm và thậm chí có thể chủ động giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà họ coi là thiết yếu trong một lĩnh vực cụ thể của nhà nước và xã hội. Do đó, các ủy ban được trao một thẩm quyền vô cùng rộng rãi, và họ cũng có thể dựa vào đó để thực hiện chức năng giám sát của mình.

Hàng năm, các bộ trưởng phải báo cáo hoạt động của bộ với ủy ban phụ trách lĩnh vực đó. Khi cần thiết, các ủy ban có quyền yêu cầu bộ trưởng đến trình bày hoặc điều trần và cung cấp tài liệu về vấn đề mà ủy ban quan tâm. Mọi cá nhân, tổ chức đều có trách nhiệm cung cấp thông tin khi được ủy ban yêu cầu và các ủy ban cũng có quyền tiếp cận tất cả các tài liệu của các cơ quan, tổ chức.

Thẩm quyền rộng lớn của Ủy ban Các vấn đề châu Âu

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Hungary đã gia nhập EU, Ủy ban Các vấn đề châu Âu của Quốc hội Hungary được trao thẩm quyền khá lớn trong việc giám sát các vấn đề liên quan đến EU ở Hungary. Luật quy định cụ thể về một số vấn đề liên quan đến EU sẽ do Ủy ban này có quyền tự quyết định. Chế độ ủy quyền quyết định cho Ủy ban được tiếp nhận từ thực tiễn của một số nước như Estonia, Latvia, Ba Lan, Đan Mạch, Phần Lan. Cơ chế này có lý do là nhằm phản ứng nhanh, linh hoạt trước những vấn đề, sự kiện diễn ra tại EU, trong khi cơ chế ra quyết định tại phiên họp toàn thể thường phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, cho dù nếu đưa ra quyết ở toàn thể Quốc hội thì vẫn phải chuẩn bị và thảo luận trước một bước tại Ủy ban.

Đạt Quốc