Hoạt động lập pháp:

Giá trị và tính minh bạch

- Thứ Bảy, 25/06/2022, 06:07 - Chia sẻ

Lập pháp được coi là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội Hungary. Hiện nay, mỗi năm Quốc hội Hungary ban hành khoảng 200 văn bản pháp luật, trong đó chủ yếu là sửa đổi, bổ sung. Những văn bản pháp luật xây dựng mới chủ yếu là trong lĩnh vực hợp tác quốc tế nhằm thể chế hoá các điều ước quốc tế.

Ý nghĩa của lập pháp

Về mặt lịch sử, lập pháp là chức năng sớm nhất và quan trọng nhất của nghị viện nói chung. Điều này đặc biệt phù hợp với Quốc hội được thành lập vào ngày 2.5.1990 của Hungary. Chức năng lập pháp được đề cao về giá trị và trở thành ưu tiên lớn nhất để đáp lại nỗ lực lịch sử về thay đổi chế độ, thiết lập và củng cố một hệ thống thể chế cho nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường; định vị lại và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, Quốc hội trở thành cơ quan lập pháp trên thực tế.

Hoạt động lập pháp: Giá trị và tính minh bạch -0
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary năm 2015. Nguồn: ITN

Bằng cách ban hành luật, Quốc hội trao quyền cho công dân, đồng thời cũng đòi hỏi ở họ những nghĩa vụ nhất định. Các đại biểu Quốc hội - những người làm luật được bầu bởi công dân thông qua hoạt động bầu cử. Tất cả những điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy công dân làm quen với quá trình soạn thảo và xây dựng luật. Hiện tại, internet là cách phù hợp nhất để đáp ứng những kỳ vọng này nhờ khả năng cách tiếp cận rộng rãi với các cá nhân. Theo quy định, các bộ có nghĩa vụ công bố trên trang web của mình phiên bản dự thảo của tất cả các luật mà họ đề xuất trước khi trình lên Quốc hội. Đạo luật về Quốc hội cũng yêu cầu các dự luật, đề xuất sửa đổi và các văn bản liên quan phải được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Quốc hội ngay sau khi trình. Các cuộc họp ủy ban, các cuộc họp toàn thể về các dự án luật cũng được truyền hình trực tiếp cho phép mọi người giám sát quá trình lập pháp.

Sáng quyền lập pháp: Vai trò vượt trội của Chính phủ

Theo luật pháp Hungary, quyền sáng kiến pháp luật được trao cho Tổng thống, Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn các dự án luật do Chính phủ đề xuất và chuẩn bị (khoảng 55 - 60%), tiếp theo  là các dự luật đề xuất bởi đại biểu Quốc hội và các ủy ban. Các tổng thống không thường xuyên thực hiện quyền khởi xướng pháp luật của mình. Điều này chỉ xảy ra trong giai đoạn 1990 - 1994. Nếu tính các luật đã ban hành, tỷ trọng luật do Chính phủ đệ trình chiếm trên 90%. Ngoài sáng quyền lập pháp được quy định trong Luật Cơ bản, Nguyên tắc Thủ tục của Quốc hội cũng quy định một số quyền nhằm tăng cường vai trò rõ rệt của Chính phủ trong hoạt động lập pháp. Chẳng hạn Chương trình lập pháp nửa năm của Chính phủ về cơ bản xác định các chủ đề và lịch trình lập pháp; và việc Chính phủ thuộc đảng nắm đa số cho phép Chính phủ đưa các dự luật vào chương trình làm việc hàng ngày, xúc tiến cuộc tranh luận, tổ chức các cuộc tranh luận chi tiết và thúc đẩy thông qua các dự luật được đề xuất.

Vai trò tối cao của chính phủ trong xây dựng luật pháp được coi là một mô hình nghị viện điển hình ở châu Âu, và đúng như vậy vì các chính phủ có thể thực hiện các mục tiêu được đề ra trong chương trình của họ chủ yếu bằng các biện pháp lập pháp và vì luật pháp tạo ra khuôn khổ cho việc thực hiện chương trình của Chính phủ. Sau năm 1990, trung bình mỗi năm Quốc hội ban hành 140 luật, nhưng chu kỳ gần đây nhất có hiệu quả hơn nhiều (trung bình hàng năm là 215 luật trong chu kỳ 2010 - 2014).

Vai trò của Ủy ban và Ủy ban Pháp chế

Sau khi Chính phủ hoàn thành các bước chuẩn bị, dự án luật sẽ được Chính phủ trình sang Quốc hội. Phiên thảo luận chung về dự án luật sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ giao cho một hoặc nhiều ủy ban xem xét, thẩm tra.

Khi được giao xem xét, thẩm tra dự án luật, các ủy ban sẽ tổ chức thảo luận, cho ý kiến về dự án luật tại ủy ban. Mỗi dự án luật được thảo luận tại ủy ban tối thiểu 3 lần. Trong quá trình xem xét, các ủy ban có thể mời đại diện Chính phủ đến trình bày ý kiến.

Các quy định mới trong Quy tắc về Thủ tục đã thiết lập một quy trình lập pháp mới. Chìa khóa của quy trình mới là Ủy ban Pháp chế, do Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách Pháp chế làm Chủ tịch để ủy ban có thêm sức nặng. Ủy ban Pháp chế chịu trách nhiệm tổng hợp các đề xuất sửa đổi do các ủy ban đệ trình thành một bản tóm tắt các đề xuất sửa đổi. Bản báo cáo này sau đó được trình ra trước phiên họp toàn thể của Quốc hội. Vai trò của Ủy ban Pháp chế ở giai đoạn này rất quan trọng bởi Ủy ban có thẩm quyền quyết định những sửa đổi nào sẽ được đưa ra trước khi Quốc hội biểu quyết.

Tại Quốc hội sẽ thảo luận qua 2 giai đoạn: Thảo luận chung và thảo luận cụ thể. Ở giai đoạn thứ nhất, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án luật và dự án luật được đưa trở lại ủy ban. Các ủy ban có nhiệm vụ thiết kế, chỉnh lý dự án luật trên cơ sở những vấn đề lớn mà Quốc hội đã cho ý kiến và đưa ra Quốc hội để thảo luận về các quy định cụ thể. Sau khi Quốc hội đã cho ý kiến về các quy định cụ thể, các ủy ban sẽ dự kiến sửa đổi các quy định mà Quốc hội đã cho ý kiến và trình Quốc hội biểu quyết thông qua những dự kiến sửa đổi. Với những quy định và dự kiến sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, các ủy ban có trách nhiệm chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trong vòng 1 tuần và đưa ra Quốc hội một lần nữa để thông qua toàn văn dự án luật.

Q.Vũ