Tuyển sinh 2024: Những trường đại học nào đào tạo ngành vi mạch bán dẫn?

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo đã mở hoặc chuẩn bị mở các ngành học trong lĩnh vực bán dẫn, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ,...

Với định hướng phát triển của Chính phủ và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này đang gia tăng rất mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, tổ chức hồi tháng 10.2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo đã mở hoặc chuẩn bị mở ngành này như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Những trường đại học nào đào tạo ngành bán dẫn? -0
Nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn đang gia tăng rất mạnh (Hình minh họa)

Đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch (ĐTVT); Hệ thống nhúng (ĐTVT); Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Đại học Bách khoa Hà Nội là đại học kỹ thuật đa ngành hàng đầu có thể đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả vị trí công việc của ngành bán dẫn. Đại học Bách khoa Hà Nội có phòng thí nghiệm nghiên cứu bán dẫn và làm chip từ năm 1978 với sự giúp đỡ của Hà Lan, đã có truyền thống đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và kỹ sư vật liệu điện tử bán dẫn từ trước năm 2000 trong các ngành/đơn vị như Vật lý Kỹ thuật, Điện tử Viễn thông và Khoa học vật liệu/ITIMS. Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội hiện đang làm việc tại các công ty và viện nghiên cứu chip bán dẫn hàng đầu trong và ngoài nước. Có thể kể đến ASML Hà Lan, Philips Hà Lan, IMEC Bỉ, Qorvo, Synopsys, Infineon, Toshiba,...

Chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano được Đại học Bách khoa Hà Nội mở mới năm 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn. Các chương trình này tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.

Bên cạnh đó, nhà trường còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng chất lượng của nguồn nhân lực chip bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ngành gần, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.

Những trường đại học nào đào tạo ngành bán dẫn? -0
Chương trình đào tạo Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano tại Đại học Bách khoa Hà Nội 

Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Quốc gia Hà Nội mỗi năm đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi. Ngoài kỹ sư, cử nhân sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng đến 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành này, chú trọng đào tạo thêm các chuyên gia phát minh sáng chế.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho Trường Đại học Công nghệ triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/chip bán dẫn từ rất sớm. Trường Đại học Công nghệ với đội ngũ cán bộ gồm nhiều giảng viên, chuyên gia và các nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy là một trong những đơn vị thành viên chủ chốt tham gia tích cực vào các dự án thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã và đang từng bước triển khai nhiều hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm đào tạo ra các thế hệ cử nhân và kỹ sư mới của trường có trình độ và kỹ năng chuyên môn tốt để có thể tham gia tích cực và hiệu quả vào thị trường lao động thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn đầy tiềm năng này.

Trong sản xuất linh kiện bán dẫn và vi mạch, công đoạn thiết kế có vai trò quyết định và chiếm tới hơn một nửa giá trị trong tổng số giá trị của chuỗi sản xuất chất bán dẫn. Công đoạn này là thế mạnh và là tiền đề để các kỹ sư của Việt Nam có thể tham gia. Bởi vậy, để giúp cho các kỹ sư của Việt Nam nói chung và các sinh viên Trường Đại học Công nghệ nói riêng có thể tham gia tốt vào công đoạn này, nhà trường đã triển các chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Trong đó có các chương trình đào tạo như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, Công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện tử… Các chương trình này của nhà trường được đưa vào giảng dạy trong nhiều năm qua góp phần đào tạo hàng nghìn nhân lực chất lượng cao có trình độ từ cử nhân và kỹ sư cho tới thạc sĩ, tiến sĩ có khả năng tham gia vào các công đoạn khác nhau của nền công nghiệp thiết kế vi mạch.

Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.

Theo đó, các trường đại học thành viên Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Min sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã mời chuyên gia của các đại học lớn tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc để giúp xây dựng chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn. Dự kiến trong năm 2024, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập hai phòng thí nghiệm mới, có khả năng chia sẻ trong toàn hệ thống Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh lẫn các trường đại học khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, thành lập Viện Công nghệ Bán dẫn là đơn vị đầu mối, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, R&D trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Đại học Đà Nẵng

Năm 2024 Đại học Đà Nẵng, có 3 trường kỹ thuật là Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, với tổng 200 chỉ tiêu.

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng có truyền thống, tiềm lực và kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kỹ thuật-công nghệ tiên tiến, bình quân mỗi năm cung ứng tính riêng cho thị trường lao động khoảng 1000 sinh viên tốt nghiệp từ các khoa chuyên ngành liên quan như: Điện tử-Viễn thông, Công nghệ thông tin, Khoa học Công nghệ tiên tiến, Cơ khí.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ sư Vi điện tử của nhà trường sẽ được xây dựng với sự tham khảo, mời đồng hành, cập nhật, bổ sung và phản biện từ doanh nghiệp đối tác để trang bị cho người học từ kiến thức căn bản (vật liệu điện tử, vật lý bán dẫn…) đến chuyên ngành, liên ngành/xuyên ngành tích hợp (thiết kế vi mạch, linh kiện bán dẫn, thiết bị và hệ thống vi điện tử, kiểm thử, công nghệ sản xuất vi mạch…).

Nhờ đó, sinh viên khi tốt nghiệp sẽ hội đủ những phẩm chất, chuyên môn nghề nghiệp để có năng lực làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề đặt ra từ doanh nghiệp và thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Với Trường Đại học công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn, đây là năm đầu tiên tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn nên nhà trường giành suất học bổng cho những sinh viên điểm cao đỗ vào ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Cần Thơ 

Thông qua Nghị quyết  của Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã được phê duyệt chủ trương mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính trình độ đại học, tuyển sinh và đào tạo năm 2024. Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thông qua các kế hoạch và điều kiện mở ngành đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Để chuẩn bị cho chương trình đào tạo này, Trường Bách Khoa đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc lập Thành Công (National Cheng Kung University), Đài Loan để liên kết đào tạo song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trường Bách Khoa cũng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về việc mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch vào tháng 1.2024. Hội thảo mang ý nghĩa quan trọng, giúp trường nắm bắt thêm về nhu cầu thực tế của xã hội. Qua đó, tổ soạn thảo sẽ ghi nhận, bổ sung và tham mưu với Ban Giám hiệu tăng cường các học phần cần thiết để hoàn thiện chương trình đào tạo, định hướng phát triển ngành và Trường Bách Khoa có thể bắt đầu tuyển sinh trong năm 2024.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết năm học 2024-2025, trường này cũng bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ Vi mạch Bán dẫn.

Đại diện Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chia sẻ, trên nền tảng về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong việc đào tạo chương trình ngành gần là "Vật lý Kỹ thuật - Điện tử," từ năm 2024, USTH sẽ bắt đầu triển khai đào tạo ngành này.

Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng nói trên.

Đến thời điểm hiện tại, USTH đào tạo 17 ngành về khoa học công nghệ với 20 chương trình đào tạo trình độ đại học: 17 chương trình cấp bằng USTH và 3 chương trình cấp song bằng hợp tác với trường đại học Pháp. Các chương trình đào tạo của trường được giảng dạy bằng tiếng Anh, riêng ngành Dược học giảng dạy 70% bằng tiếng Anh và 30% bằng tiếng Việt.

Trường Đại học Phenikaa

Từ năm học 2024-2025, Trường Đại học Phenikaa cũng dự kiến mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Đây là những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy đại học ngành Kỹ thuật điện tử và các ngành gần. Trường cũng tuyển dụng giảng viên cơ hữu (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam) có trình độ và kinh nghiệm thực tế thiết kế, kiểm thử, sản xuất, đóng gói vi mạch được đào tạo từ các nước phát triển; đội ngũ chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Việt kiều có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch; chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các công ty liên quan đến bán dẫn tại Việt Nam dưới dạng hợp đồng thỉnh giảng và hướng dẫn thực hành.

Với mục tiêu đào tạo sinh viên có năng lực tốt và khả năng thích ứng nhanh với môi trường doanh nghiệp, chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ tích hợp các học phần có bản quyền được xây dựng bởi các doanh nghiệp thiết kế vi mạch.

Ngoài ra, nhà trường cũng được tiếp cận khung chương trình đào tạo và học liệu số về thiết kế vi mạch ở các bậc đại học và sau đại học của Synopsys – một tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học FPT

Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT đã thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Trường Đại học FPT lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, gồm: Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Song song, trường kết hợp với các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này để cung cấp nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ từ ngắn hạn 6 tháng, hai năm đến các chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, cao đẳng, đại học, sau đại học.

Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn

Không chỉ các trường kỹ thuật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng thông báo mở và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch trong năm 2024, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhà trường đặt sự chú trọng vào việc mang đến môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, đồng thời đảm bảo cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể tự tin và thành công trong lĩnh vực này.

Với Trung tâm Dữ liệu & Trí tuệ nhân tạo (SIU AI Lab) và sự xuất hiện của robot tương tác xã hội SIUBOT, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn khẳng định tạo ra các điều kiện lý tưởng cho sinh viên thực hành và phát triển dự án thực tế trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch.

Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cung cấp chương trình đào tạo toàn diện về quy trình thiết kế vi mạch, đồng thời chú trọng vào phần mềm vi mạch, bởi đây là phần có nhu cầu nhân lực cao tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ kết hợp với các doanh nghiệp đào tạo thêm về kỹ năng làm việc thực tế trong học kỳ thực tập để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên.

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.