Chuyên trang HĐND và cử tri Bắc Ninh

Hiệu quả từ nghị quyết

- Chủ Nhật, 12/06/2022, 06:17 - Chia sẻ

Những năm qua, việc thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh Bắc Ninh về Chương trình phát triển đô thị và Chương trình nhà ở đã mang lại hiệu quả cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở, cho công nhân tại các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang, phát triển đô thị, nông thôn mới… Tuy nhiên, cuộc khảo sát, giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng cho thấy những khó khăn, hạn chế do cơ chế chính sách. Nhằm tháo gỡ khó khăn này, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển và quản lý các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức.

Bước đầu đáp ứng nhu cầu nhà ở

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã đặt ra mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân với đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, trường học, cơ sở y tế, các khu thương mại, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp. Theo đó, từ năm 2017 - 2021, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 5 Nghị quyết có nội dung như: Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2022 và định hướng đến năm 2030; Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh; Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030". Đây là chủ trương lớn của tỉnh, khẳng định sự quan tâm của các tỉnh đến mọi mặt đời sống của người dân, nhằm tạo diện mạo khu vực đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Qua đó, từng bước thực hiện hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với sự phát triển chung của tỉnh.

Hiệu quả từ nghị quyết -0
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Q. Tuấn

Thực tế đó đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, hiện nay, toàn tỉnh hiện có 21 dự án nhà ở công nhân có quy mô hơn 105ha, giải quyết cho gần 126 nghìn công nhân. Trong đó, 7 dự án đã có công trình đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 46 nghìn công nhân, có 5 dự án đang triển khai đầu tư, 9 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng. Ðối với nhà ở thu nhập thấp, Bắc Ninh có 26 dự án với diện tích khoảng 42ha, gồm 12 nghìn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 48 nghìn người. Trong đó, 13 dự án đã đưa vào sử dụng với gần 7.800 căn nhà, giải quyết cho hơn 34 nghìn người, 7 dự án đang triển khai xây dựng và 6 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng.

Theo Chương trình phát triển nhà ở được tỉnh phê duyệt, giai đoạn 2017 - 2022, diện tích quỹ đất phát triển các dự án nhà ở tăng thêm trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.293,16ha (gồm 1.064,88ha đất phát triển dự án nhà ở thương mại và đất ở mới do các hộ dân tự xây dựng, 228,27ha đất phát triển dự án nhà ở xã hội). Trong các năm 2017, 2018, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện 230,76ha đất phát triển nhà ở, gồm 200,96ha đất phát triển dự án nhà ở thương mại, cung cấp khoảng 6.611 căn nhà với diện tích khoảng 1.454.883,4m2 sàn và 0,8ha đất xây dựng chung cư thương mại với 105.637,8m2 sàn nhà ở; thực hiện chuyển tiếp từ Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2017 - 2022 được duyệt khoảng 29ha đất phát triển nhà ở xã hội với diện tích khoảng 487.200m2 sàn.

Khó khăn từ cơ chế khi nhu cầu nhà ở tăng

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Như Hùng, hiện nay, các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nên kết cấu giá thành chủ yếu là chi phí xây dựng hạ tầng và nhà ở. Mặt khác, chủ đầu tư còn được miễn tiền sử dụng đất đối với 20% diện tích nhà ở thương mại trừ vào giá thành khu nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến nghịch lý là càng ở vị trí đẹp thì giá nhà ở xã hội càng thấp, các chủ đầu tư có xu hướng tìm quỹ đất có vị trí đẹp, giao thông thuận lợi, kết nối hạ tầng do ngân sách nhà nước đầu tư còn ở những vị trí xa trung tâm sẽ không được quan tâm.

Để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm công bằng giữa dự án ở khu trung tâm với khu vực xa trung tâm, các huyện; các cơ quan quản lý cần xem xét cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất đối với 20% diện tích dùng để xây dựng nhà ở thương mại, có thể yêu cầu nộp quỹ phát triển nhà ở xã hội số tiền sử dụng đất đối với 20% diện tích dùng để xây dựng nhà ở thương mại. Từ đó, phân bổ hỗ trợ lại theo phương thức mỗi căn nhà ở xã hội được hỗ trợ một khoản tiền thống nhất trên toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chỉ ra những tồn tại, vướng mắc chủ yếu là số lượng dự án hoàn thành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Một số dự án tồn tại trong thời gian dài do giải phóng mặt bằng và năng lực của nhà đầu tư yếu; chưa hình thành được những dự án lớn với những khu nhà ở công nhân đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội.

Tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp về chính sách phát triển nhà ở xã hội, trên cơ sở cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 100% hạ tầng ngoài hàng rào đối với các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân. Hỗ trợ 50% hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào và kinh phí giải phóng mặt bằng, giảm thời gian xử lý hồ sơ thủ tục hành chính ít nhất 30%. Bên cạnh đó là nhiều giải pháp về vốn, về quỹ đất, công nghệ xây dựng cũng được tỉnh hết sức quan tâm.

Tuấn Đỗ