Đề nghị UBND quận Bình Tân tiếp tục rà soát, báo cáo
Thường trực Ban Chỉ đạo 167 đã có Văn bản số 156/STC-TTBCĐ167-CS ngày 8.1.2025 gửi UBND quận Bình Tân. Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo 167 đề nghị UBND quận Bình Tân rà soát, báo cáo các thông tin có liên quan nhà, đất tại thửa đất 12 và 13, tờ bản đồ 30, phường Tân Tạo, quận Bình Tân (thửa đất 12 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa 13 bà Nguyễn Thị Thấm sử dụng và đang làm thủ tục xin đề nghị cấp giấy chứng nhận từ năm 2019 đến nay - PV). Nội dung rà soát, báo cáo địa chỉ nhà, đất; nguồn gốc pháp lý, quá trình quản lý, sử dụng; phương án phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); có ý kiến đề xuất phương án xử lý nhà, đất và nội dung đơn của bà Thấm.
Ban Chỉ đạo 167 do UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định thành lập, có chức năng và nhiệm vụ tham mưu công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15.7.2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Trước đó, ngày 5.9.2024, Sở Tài Chính TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 6446/STC-CS gửi UBND quận Bình Tân về xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do UBND quận Bình Tân quản lý, sử dụng. Tại văn này này, Sở Tài chính cho biết, UBND quận Bình Tân có Báo cáo số 142/BC-UBND-TC ngày 8.3.2022, trong đó có danh mục 85 địa chỉ nhà, đất không thuộc và 240 địa chỉ nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.
Với 240 địa chỉ nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp, xử lý, qua rà soát, Sở Tài chính nhận thấy UBND quận Bình Tân chỉ báo cáo địa chỉ, diện tích (đất, xây dựng, sàn sử dụng), phương án phê duyệt, hiện trạng sử dụng. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 67/2021: việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND quận Bình Tân chưa cung cấp thông tin quy hoạch được duyệt và chưa đề xuất phương án xử lý theo quy hoạch được duyệt; đồng thời chưa đề xuất phương án theo các hình thức xử lý quy định tại Điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đối với 240 địa chỉ này.
Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 167) đề nghị UBND quận Bình Tân rà soát, cung cấp thông tin quy hoạch được duyệt và đề xuất phương án xử lý theo quy hoạch được duyệt và theo các hình thức xử lý quy định tại Điều 7 Nghị định 167/2017/NĐ-CP đối với 240 địa chỉ nhà, đất trên.
Đối với 85 địa chỉ nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý theo hai nghị định trên hiện UBND quận Bình Tân chưa có báo cáo, thuyết minh cụ thể đối với từng nhà, đất và chưa cung cấp hồ sơ pháp lý có liên quan (ví dụ: trường hợp nhà, đất có quyết định thu hồi, việc quản lý, sử dụng và xử lý nhà, đất thực hiện theo quy định pháp luật đất đai; Do đó, UBND quận Bình Tân cần báo cáo nguồn gốc pháp lý, quá trình quản lý sử dụng và cung cấp hồ sơ pháp lý có liên quan, trong đó có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền; đất là tài sản kết cấu hạ tầng: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa… không thuộc đối tượng xử lý theo hai nghị định trên.
Nguồn gốc thửa đất từng được xác định thế nào?
Liên quan khu đất trên của bà Thấm, ngày 2.8.2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 7118/STNMT-TTr gửi UBND quận Bình Tân liên quan đến kiến nghị của bà Hà Thị Tú Anh về khu đất trên. Tại văn bản này, Sở TN-MT ý kiến: "Kiến nghị và tài liệu của bà Hà Thị Tú Anh thể hiện bà Tú Anh nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Thấm (bà Thấm mua lại khu đất này của bà Lê Thị Thắm) phần diện tích đất 1.300m2 thuộc thửa 13, tờ bản đồ số 30 trên từ năm 2007. Dù UBND phường Tân Tạo xác định là đất công, tuy nhiên theo hồ sơ do người dân cung cấp và tài liệu kê khai đăng ký đất đai thể hiện là đất do người dân đăng ký, mặt khác năm 2004 địa phương cũng đã có đề xuất cấp số nhà 1758 Tỉnh lộ 10, khu phố 1 phường Tân Tạo, quận Bình Tân cho người sử dụng đất tại khu đất này".
Sở TN-MT cho rằng, nguồn gốc, quá trình kê khai đăng ký đất chưa được các cơ quan của quận rà soát, xác định, do đó Sở TN-MT đề nghị UBND quận Bình Tân chỉ đạo rà soát kỹ, xem xét xử lý theo quy định, tránh để phát sinh khiếu nại vượt cấp.
Tại Công văn số 201/VPĐK-KTĐC ngày 8.1.2021, Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) thành phố cũng nêu rõ: "Theo dữ liệu sổ dã ngoại tài liệu Bản đồ địa chính (năm 2005): Thửa đất số 13 (diện tích hơn 1.300m2, loại đất T.V); Thửa đất số 18 (diện tích hơn 8.200m2, loại đất DT) có tên chủ sử dụng là Lê Thị Thắm và chùa Long Thạnh kê khai đăng ký".
Trước đó, tại Công văn số 4493/VPĐK-KTĐC ngày 8.5.2020 của Văn phòng ĐKĐĐ thành phố cũng thể hiện, theo tài liệu bản đồ địa chính phường Tân Tạo (pháp lý năm 2005) thửa đất số 13, tờ bản đồ số 30, diện tích 1.353,5m2 loại đất T.V, tên chủ sử dụng là bà Lê Thị Thắm. Qua nội dung kiến nghị của bà Hà Thị Tú Anh và hồ sơ gửi kèm thì thửa đất số thuộc thửa 13, tờ bản đồ số 30, phường Tân Tạo, quận Bình Tân là đất có người kê khai đăng ký.
Trong khi đó, tại Báo cáo số 5182/BC-TNMT ngày 7.11.2024 về thông tin thửa đất trên của Phòng TN-MT quận Bình Tân, đơn vị này đã “lãng quên” các thông tin về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất như nêu trên.
Bà Hà Thị Tú Anh và bà Nguyễn Thị Thấm khẳng định là chủ sử dụng khu đất hơn 1.300m2 thuộc Thửa đất số 13, tờ bản đồ số 30 (TL-2005), phường Tân Tạo, quận Bình. Mới đây, bà Tú Anh và bà Thấm đã có “Đơn ngăn chặn” gửi UBND quận Bình Tân, các cơ quan chức năng yêu cầu Trung Tâm đo đạc bản đồ thành phố ngưng việc đo đạc đối với khu đất trên. Đồng thời đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) quận Bình Tân không được cập nhật biến động, hợp thức hóa đối với thửa đất thửa số 13, tờ bản đồ số 30, phường Tân Tạo.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.