Vừa qua, Báo Đại biểu Nhân Dân đã có tuyến bài về thực trạng và rủi ro của các công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending và quản lý tài sản, tài chính cá nhân thông qua ứng dụng Fintech.
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều, phóng viên đã liên hệ phỏng vấn với Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI.
PV: Hiện nay có nhiều công ty hoạt động với mô hình đầu tư, cho vay ngang hàng (P2P Lending). Điều này chưa được quy định trong các bộ luật hiện hành. Ông nhận định như thế nào về vấn đề nêu trên?
LS Trương Thanh Đức: Cho vay ngang hàng hay còn gọi là P2P Lending không có quy định pháp luật nào, chỉ cần đảm bảo tiêu chí cho vay trong lĩnh vực tài chính. Quy định pháp luật là để cho những đối tượng không được phép cho vay hay không có gì dựa vào.
PV: Thời gian gần đây, nhiều công ty cho ra mắt các ứng dụng điện thoại. Thông qua các ứng dụng này, người dùng được giới thiệu đến các gói đầu tư, tích luỹ với mức lãi suất cao. Đáng chú ý, các ứng dụng này có dấu hiệu huy động vốn, ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này ?
LS Trương Thanh Đức: Công ty tài chính được phép cho vay, công ty tài chính không được phép huy động vốn. Pháp luật Việt Nam không có luật cấm đối với hành vi huy động vốn.
Trên thực tế có rất nhiều tổ chức hoạt động dưới nhiều loại hình khác nhau. Và các doanh nghiệp, các cá nhân đều được phép huy động, đều được phép cho vay. Cái khó nhất là phân biệt thế nào là kinh doanh tiền tệ và trường hợp nào là vi phạm. Bình thường thì ai cũng có thể cho vay, ai cũng có thể huy động.
Ở đây chỉ đặt ra hai vấn đề. Một là, kinh doanh tiền tệ mà không có phép. Hai là, lừa đảo gian dối, mắc phải vi phạm có liên quan đến thuế. Huy động vốn kể cả qua ứng dụng cũng không bị cấm.
PV: Ghi nhận thực tế, một số ứng dụng FinTech như 3GANG, Finhay cam kết sinh lời nhưng tình hình kinh doanh liên tục thua lỗ, nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro cao. Ông nhận định như thế nào đối với việc này?
LS Trương Thanh Đức: Lỗi đầu tiên của nhà đầu tư, họ chấp nhận rủi ro cao, lãi suất cao, cơ hội và nguy cơ rủi ro ngay từ khi quyết định đầu tư . Khi nào có đơn từ tố cáo, khi nào cơ quan chức năng xem xét xử lý thì vi phạm đến đâu thì xử lý đấy. Có rất nhiều ứng dụng Fintech đang hoạt động, một số được phép nhưng cũng có nhiều ứng dụng không được phép. Cái khó nhất là người dân không phân biệt được. Kể cả những ứng dụng được phép cũng sẽ không được phép huy động theo cách mà các công ty đang làm như làm đơn vị trung gian thanh toán.
Hiện nay, có thể nói là gần như khó có ai phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, đâu là thật đâu là giả, đâu là được phép, đâu là không được phép. Chính vì lẽ đó, nhiều người vẫn tham gia các giao dịch là làm tăng nguy cơ rủi ro cho bản thân khi quyết định đầu tư.
Nhiều loại dich vụ đầu tư đang quảng cáo, đưa ra đủ thông tin để dẫn dụ, để tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Người dùng nếu không xác định được đâu là thật, bất chấp tham gia đầu tư, sẽ phải tự chịu khi có rủi ro xảy ra.
PV: Đối với hoạt động đầu tư, cho vay ngang hàng (P2P Lending) hiện chưa có khung pháp lý hoàn thiện nhưng nhiều công ty đã hoạt động từ lâu. Ông có khuyến cáo gì đối với nhà đầu tư?
LS Trương Thanh Đức: Cho vay ngang hàng hay còn được biết đến là P2P Lending trên thực tế hiện hay là hành vi hợp pháp, hợp lệ nhưng cái khó là không ai biết ở trong là cái gì. Đơn giản một ví dụ, tôi cho người này hay người kia vay của người khác thì có chỗ nào bảo không hợp pháp.
Đối với những ứng dụng trung gian, họ đang đứng hai vai. Họ là người đi huy động tiền của người này để cho người khác vay với tư cách trung gian. Nếu họ hoạt động giống như ngân hàng sẽ là bất hợp pháp.
Mặc dù là trên thực tế, sau khi đầu tư vào ứng dụng Fintech, thông qua ứng dụng trên điện thoại, khách hàng có thể theo dõi được hết, là ai cho ai vay bao nhiêu, ngày nào vay, ngày nào trả lãi suất thế nào. Tuy nhiên đó chỉ là minh hoạ chứ thực chất không phải như thế. Bởi lẽ, việc cho vay qua ứng dụng Fintech không có cái gì cụ thể để chứng minh. Như Ngân hàng, với những quy định chặt chẽ vẫn xảy ra rủi ro, nợ xấu là mất vốn thì các ứng dụng Fintech nguy cơ này còn cao hơn.
PV: Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nào khi để các công ty P2P Lending hoạt động rầm rộ như vậy?
LS Trương Thanh Đức: Hiện tại, có một thực tế đang diễn ra đó là, trước một hiện tượng xảy ra quá lâu, quá phổ biến, quá nguy cơ nhưng không có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định dù chỉ là tạm thời.
Đến hiện tại, gần như không có bất cứ một văn bản nào. Đối với những hoạt động nêu trên, phải có văn bản điều chỉnh, cái nào được cái nào không được, cái nào cho, cái nào không cho và cho thế nào, được thế nào để người hoạt động trong lĩnh vực đó có cơ sở pháp lý, nhà đầu tư đi vay hay cho vay, cơ quan chức năng có cơ sở để quản lý.
Cho nên, cơ quan chức năng cần nhanh chóng có văn bản dù là tạm thời hay sơ khai về hoạt động P2P Lending để quản lý. Bởi, P2P Lending không giống bất cứ một hoạt động nào cả. Nó không phải hoạt động mua hàng, không phải hoạt động cho vay cá nhân dân sự. Nó là một thứ liên quan đến số đông công nhận, phức tạp, dễ lợi dụng, trục lợi, đổ vỡ. Thậm chí lây lan sang lĩnh vực khác.
Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh về việc, Công ty CP Lendbiz Capital được quảng cáo là Công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư ngang hàng (P2P Lending) giúp kết nối giữa các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh với cộng đồng các Nhà đầu tư.
Doanh nghiệp này cho ra đời ứng dụng đầu tư tên 3GANG với những quảng cáo "cam kết sinh lời mỗi ngày, lãi suất cao hơn ngân hàng" nhằm "hút" tiền từ nhà đầu tư, với mức đầu tư nhỏ tới 30.000 đồng.
Bên cạnh đó, Finhay là ứng dụng Fintech được phát triển bởi Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam. Ứng dụng giúp kết nối nhà đầu tư với các kênh tài chính, các kênh này đầu tư, đưa ra cam kết sinh lời và chuyển lợi nhuận cho khách hàng chỉ với số tiền nạp chỉ từ 50.000 đồng.
Đáng chú ý, điểm chung của cả 2 công ty này là đều có hoạt động kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, Công ty CP Lendbiz Capital liên tục báo lỗ sau thuế hàng trăm triệu đồng, Finhay báo lỗ trong 5 năm liên tiếp từ 2017 đến 2021.
Trước thực trạng kinh doanh liên tiếp thua lỗ, nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu Lendbiz và Finhay có đủ "sức khỏe" để thực hiện cam kết "sinh lời" như quảng cáo của mình hay không? Và nếu xảy ra rủi ro, lấy gì làm tài sản bảo đảm?