Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV

Trách nhiệm với đất nước và cử tri

- Thứ Tư, 22/06/2022, 05:47 - Chia sẻ

Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã khép lại thành công sau 19 ngày làm việc hết sức tích cực, khẩn trương, dân chủ và hiệu quả. Kỳ họp này tiếp tục ghi nhận tinh thần trách nhiệm, hiệu quả của các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh vào các nội dung, chương trình nghị sự. Những đóng góp của các đại biểu thành viên Đoàn không chỉ thể hiện sự đào sâu nghiên cứu mà còn đong đầy trong đó tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân.

Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp này, ngay sau Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cho các vị ĐBQH tiếp xúc cử tri tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của 1.900 cử tri toàn tỉnh. Ngay sau các buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Viện KSND, TAND và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và các khó khăn, bất cập, bức xúc được cử tri, Nhân dân phản ánh; thông báo nhanh những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Đồng thời, xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 11 nội dung; UBND tỉnh Quảng Ninh 21 nội dung.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV 	Ảnh: Q. Khánh
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV Ảnh: Q. Khánh

Để có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhất cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản gửi đến 145 lượt cơ quan, đơn vị và chuyên gia để góp ý hoàn thiện 6 dự án Luật; tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 5/6 dự án luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp. Đồng thời, tổ chức khảo sát tại Trại giam Quảng Ninh; gặp mặt đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp trên địa bàn để thu thập thông tin, cùng tập thể Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về “thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam” và xem xét quyết định việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: Từ sau Kỳ họp thứ Hai tới nay, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, thích ứng với tình hình mới, hoạt động của Đoàn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động tiếp xúc cử tri; theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri và tiếp công dân, xử lý đơn thư có nhiều đổi mới. Hoạt động giám sát, khảo sát được tích cực tổ chức mang lại hiệu quả. Nhất là, báo cáo đánh giá thực chất kết quả thực hiện, kiến nghị liên quan đến những bất cập của chính sách, pháp luật và giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc với các cấp có thẩm quyền ở Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.

Vào cuộc trách nhiệm

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã bước vào Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV với một lượng thông tin, tư liệu hết sức phong phú, giàu thực tiễn. Tại phiên thảo luận ở Tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng, khách quan việc thực hiện kế hoạch năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2022; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; những tác động ảnh hưởng đến việc tăng giá xăng dầu; công tác giải ngân vốn đầu tư công, chống lạm phát; tiến độ triển khai các gói phục hồi kinh tế.

Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh mong muốn Chính phủ quan tâm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phân bổ vốn đầu tư 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi và giảm nghèo bền vững. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ phù hợp, giãn nợ để doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt khó, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, có định hướng, kế hoạch và chính sách phát triển “tam nông”, nhất là phát triển sản xuất với chế biến tiêu thụ, xuất khẩu bền vững.

Trong khi đó, gợi mở các giải pháp tháo gỡ những bất cập liên quan đến quy hoạch tại phiên giám sát tối cao về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; bảo đảm nguyên tắc lập quy hoạch trên xuống, dưới lên, có tham gia nhiều bên; giảm thiểu các quy hoạch phải điều chỉnh sau phê quyệt. Thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng thuộc ngành mình quản lý có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phân cấp cho cấp tỉnh lập quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Cùng với đó, bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh, giữa dân số với phát triển.

Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã khép lại với rất nhiều ấn tượng đậm nét trong lòng cử tri. Bằng trí tuệ và tinh thần trách nhiệm các vị ĐBQH thành viên Đoàn đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết cùng Quốc hội, Chính phủ xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân toàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. 

MẠNH TUÂN