Đóng góp chất lượng vào công tác xây dựng pháp luật

- Thứ Tư, 22/06/2022, 05:52 - Chia sẻ

Tham gia đầy đủ, tích cực vào chương trình nghị sự của kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh có những đóng góp quan trọng góp phần vào thành công của kỳ họp cũng như sự đổi mới của Quốc hội. Trong đó, có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cùng tập thể Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Nhiều ý kiến tâm huyết

Thạm gia ý kiến đối với Luật Thanh tra (sửa đổi) tại kỳ họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, cần đánh giá thấu đáo hơn thực trạng của hoạt động thanh tra thường xuyên theo quy định của Luật hiện hành. Trong đó, làm rõ Thanh tra thường xuyên là hoạt động kiểm tra và thậm chí là công tác hàng ngày trong chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức và “xóa bỏ” hoạt động thanh tra thường xuyên là cần thiết. Đồng thời, giữ nguyên mô hình thanh tra cấp huyện và cần phải có đánh giá toàn diện, khách quan hơn về thực trạng Thanh tra cấp huyện hiện nay.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà tham gia thảo luận  tại hội trường	Ảnh: Hồ Long
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà tham gia thảo luận
tại hội trường Ảnh: Hồ Long

Dành sự quan tâm đến dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị, cần quy định trách nhiệm bảo đảm điều kiện, kinh phí hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân và chế độ cho thành viên của Ban thanh tra Nhân dân; trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung những nội dung người sử dụng lao động phải công khai như: Báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính hàng năm ý kiến, kiến nghị của kiểm toán, của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính về báo cáo tài chính và tình hình tài chính của doanh nghiệp liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy viên Pháp luật đề nghị: Việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình cần phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của các vùng miền” nhằm loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với trình độ phát triển của xã hội hiện nay. Đồng thời, nhận diện và phân loại nhóm các hành vi bạo lực gia đình để có cơ sở cho việc áp dụng phù hợp đối với từng loại đối tượng cũng như sử dụng các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ, xử lý vi phạm…

Tích cực lắng nghe, lựa chọn những nội dung cử tri quan tâm

Tại Kỳ họp này, các ý kiến tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phản ánh được những bất cập hiện tại trong thực hiện chính sách pháp luật liên quan. Qua đó, hướng tới mục tiêu cao nhất là làm sao để các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp, khắc phục hiệu quả các tồn tại và khi đi vào cuộc sống sẽ tạo chuyển biến rõ nét nhất. Ngoài các ý kiến phát biểu trực tiếp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia và các dự án Luật, nghị quyết gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung vào các dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

Nhìn chung tại Kỳ họp thứ Ba, các vị ĐBQH Đoàn Quảng Ninh đã rất tích cực, lắng nghe, nghiên cứu, chắt lọc, lựa chọn những nội dung cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. Kinh nghiệm, thực tiễn, ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương qua các hội nghị tham vấn Luật được Đoàn ĐBQH tổ chức chính là nguồn tư liệu quan trọng để ĐBQH có những ý kiến tham gia xác đáng, đóng góp chất lượng vào công tác xây dựng Luật gắn liền với sự vận động không ngừng của đời sống.

TUẤN NGUYÊN