Pháp luật quốc tế về ứng dụng công nghệ blockchain

Nhật Bản: Sửa đổi pháp luật để quản lý tiền mã hóa

- Chủ Nhật, 14/08/2022, 06:06 - Chia sẻ

Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng công nghệ blockchain và trở thành trung tâm tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số trên thế giới. Năm 2014, một sự cố lớn xảy ra liên quan đến Bitcoin đã dẫn đến việc sửa đổi pháp luật nhằm quản lý tiền mã hóa.

Năm 2014, máy chủ của Công ty MtGox chuyên thực hiện các giao dịch mua bán đồng Bitcoin ở Nhật Bản bị tấn công, khiến cho một lượng lớn Bitcoin và tiền gửi bị thất thoát. Theo báo chí đưa tin, lượng đồng Bitcoin bị rò rỉ có giá trị lên đến 340 triệu USD.

Vào thời điểm đó, đồng Bitcoin là đại diện tiêu biểu cho tài sản mã hóa, các giao dịch trong thực tế được tiến hành khi chưa có các quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo xu thế các giao dịch của tài sản mã hóa tăng lên, với quan điểm bảo vệ quyền lợi người sử dụng và với quan điểm cần có giải pháp chống rửa tiền, các nhà quản lý của Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng quy định pháp luật về tài sản mã hóa.

Không chỉ trong nước Nhật Bản, tại các sự kiện mang tầm quốc tế, vấn đề về quản lý tiền mã hóa cũng được đưa ra thảo luận, cụ thể, trong Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh G7 Elmau được tổ chức tại Đức vào tháng 6.2015 cũng nêu việc cần có hành động cụ thể hơn nữa nhằm bảo đảm sự phát triển minh bạch của tất cả các dòng tài chính, bao gồm cả những quy định thích hợp đối với tiền ảo và các hình thức thanh toán mới khác. Hướng dẫn của Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) của G7 nêu: Mỗi quốc gia nên áp đặt hệ thống đăng ký/cấp phép đối với các sàn giao dịch trao đổi tiền ảo với đồng tiền pháp định, cũng như các quy định về nghĩa vụ của người sử dụng, nhằm hạn chế rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này.

Nguồn: ITN

Trước bối cảnh đó, năm 2016, Nhật Bản đã sửa đổi Luật Dịch vụ thanh toán và Luật Chống chuyển tiền từ nguồn thu bất hợp pháp, qua đó, đưa tài sản mã hóa đặt dưới sự quản lý, điều chỉnh của quy định pháp luật. Theo quy định trong các luật sửa đổi, các công ty điều hành sàn giao dịch tài sản mã hóa phải đăng ký hoạt động với Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản, trực thuộc Bộ Tài chính. Để được phê duyệt đăng ký hoạt động, công ty điều hành sàn giao dịch phải đáp ứng các điều kiện như: có vốn trên 10 triệu yên, tài sản ròng không là nợ phải trả…

Ngoài ra, trong luật sửa đổi cũng đưa ra các quy định bảo vệ người sử dụng cũng như nghĩa vụ chống rửa tiền. Theo đó, các quy định bảo vệ người sử dụng gồm nhiều giải pháp như: yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về nội dung hợp đồng, cơ chế tài sản ảo, lệ phí quản lý, phân định minh bạch tài sản mã hóa đã nhận từ người sử dụng với tài sản mã hóa của chính công ty điều hành sàn giao dịch, cấm quảng cáo khoa trương, sai lệch về giao dịch tài sản mã hóa… Giải pháp chống rửa tiền là khi tiến hành giao dịch tài sản ảo, công ty điều hành sàn giao dịch bắt buộc phải kiểm tra, xác nhận danh tính của người sử dụng bằng các công cụ hợp pháp như cung cấp bằng lái xe, giấy tờ tùy thân…

Do vẫn phát sinh các sự cố về rò rỉ tài sản mã hóa sau khi đã có các quy định sửa đổi liên quan đến tài sản mã hóa, năm 2019, Nhật Bản một lần nữa tiến hành sửa đổi các luật liên quan. Theo đó, đối với công ty điều hành sàn giao dịch, công ty bị áp đặt mức quản lý tài sản mã hóa trên không gian mạng tối đa 5% trên tổng số tài sản mã hóa nhận từ người sử dụng, số còn lại sẽ được quản lý theo phương pháp ngoại tuyến (offline), có tính tin cậy cao.

Đối với hình thức tài sản mã hóa được quản lý theo không gian mạng, bắt buộc phải nắm giữ cùng loại, cùng lượng tài sản mã hóa như một nguồn để hoàn trả.

Ngoài ra, giải pháp phòng chống rửa tiền được bổ sung vào luật là công ty điều hành sàn giao dịch phải gửi thông báo trước cho cơ quan quản lý nhà nước về những thay đổi của tài sản mã hóa mà công ty quản lý, nhằm xác nhận việc có tham gia vào hệ thống rửa tiền hay không.

Bằng các biện pháp quản lý trên, Nhật Bản không chỉ quản lý thị trường tài sản mã hóa như Bitcoin, mà còn tiến tới xem xét phổ biến Stablecoin (loại tiền ảo được bảo đảm giá trị bởi tài sản thực như vàng, tiền pháp định, chứng khoán…), được thiết kế lưu hành ổn định như đồng USD hay vàng.

N. An