Chính trị

Nghị quyết số 68-NQ/TW, lời hiệu triệu doanh nhân Việt dấn thân, sáng tạo vì một Việt Nam hùng cườngBài 2: Kinh tế tư nhân đã đủ lực nhưng thiếu đà

TS. Trần Văn Khải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường 17/05/2025 07:02

Khu vực kinh tế tư nhân - được Đảng ta khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia, hiện đóng góp khoảng 51% GDP và hơn 30% ngân sách nhà nước nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để kinh tế tư nhân thực sự “cất cánh”, cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng và tháo gỡ các điểm nghẽn theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Đông nhưng “không muốn lớn”

Việt Nam hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng một nửa GDP. Tuy nhiên, 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ (chỉ gần 3% là doanh nghiệp lớn), thiếu những “đại bàng” dẫn dắt thị trường. Năng suất lao động của khu vực tư nhân thấp nhất trong các thành phần kinh tế; mức đầu tư cho công nghệ và R&D cũng rất nhỏ (xấp xỉ 0,5% GDP).

Nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ vẫn “không muốn lớn” vì ngại thủ tục và thuế khi chuyển lên doanh nghiệp. Thuế khoán hộ kinh doanh chỉ gần 1,5% doanh thu, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp 20% lợi nhuận khiến không ít chủ hộ tự hỏi “lớn để làm gì?” nếu làm lớn lại phải gánh nhiều chi phí. Do đó, phần lớn hộ kinh doanh vẫn “đóng khung” ở quy mô nhỏ, đóng góp chưa đến 1,6% ngân sách.

article.jpeg
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp hệ thống dây điện ô tô của Tập đoàn THACO. Ảnh: TTXVN

Hệ quả là khu vực tư nhân tuy đông đảo nhưng sức đóng góp chưa tương xứng. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và 1,5 triệu vào 2025 đã không đạt (đến nay mới có gần 1 triệu doanh nghiệp). Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới/đóng cửa cũng giảm mạnh: năm 2019 là 3,9:1, đến 2024 còn xấp xỉ 1,9:1. Nói cách khác, khu vực tư nhân tuy đông nhưng “đủ lực mà thiếu đà” - nguồn lực có, nhưng thiếu cú hích bứt phá.

Thể chế, thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế “xin - cho”

Môi trường thể chế và thủ tục kinh doanh còn nhiều vướng mắc. Thủ tục hành chính phức tạp, luật pháp chồng chéo gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cơ chế “xin - cho” vẫn phổ biến, doanh nghiệp phải xin quá nhiều giấy phép con, dẫn đến chi phí ngoài luồng. Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 cho thấy 59,1% doanh nghiệp tư nhân đánh giá thủ tục rườm rà và chi phí không chính thức là rào cản lớn nhất. Tình trạng nhũng nhiễu, “phong bì” khiến doanh nghiệp e ngại, môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng.

Doanh nghiệp tư nhân còn phải chịu gánh nặng tuân thủ lớn. Mỗi năm, một doanh nghiệp mất hàng trăm giờ cho thủ tục thuế, bảo hiểm... - cao hơn nhiều so với doanh nghiệp ở Singapore, Malaysia. Việc giải quyết tranh chấp, phá sản cũng kéo dài, rủi ro pháp lý cao, làm giảm động lực đầu tư dài hạn. Không ít người ngại khởi nghiệp trong nước, chọn ra nước ngoài để tìm môi trường thông thoáng hơn. Thủ tục rườm rà và cơ chế quan liêu chẳng khác nào “chiếc phanh tay” kìm hãm đà tiến của kinh tế tư nhân.

Khó tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh thiếu bình đẳng

Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, công nghệ… Khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay ngân hàng; tín dụng chủ yếu chảy vào doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn. Ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp và thông tin minh bạch mà nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa đáp ứng. Các quỹ hỗ trợ hiện có chưa thấm vào đâu.

Thủ tục đất đai phức tạp, chậm trễ khiến doanh nghiệp khó có mặt bằng sản xuất. Chỉ gần 40% doanh nghiệp không vướng mắc về đất đai (2023) và có tới 73% phải hoãn hoặc bỏ kế hoạch kinh doanh vì thủ tục đất đai. Chi phí thuê, thuế đất cao cũng là rào cản lớn, trong khi một số doanh nghiệp nhà nước giữ quỹ đất lớn lại sử dụng kém hiệu quả.

Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được hưởng ưu đãi nhiều hơn về vốn, thuế, đất... Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân trong nước đôi khi bị coi như “con ghẻ”, phải tự bươn chải với rất ít hỗ trợ. Những chênh lệch này dần mài mòn ý chí cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân như “chân đất” phải chạy đua với “vận động viên đi giày đinh” là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Họ có tiềm năng, nhưng vốn liếng hạn hẹp, đất đai khó tiếp cận, nhân lực và công nghệ đều yếu thế khiến cuộc cạnh tranh phát triển trở nên không cân sức.

Quản trị yếu, tầm nhìn ngắn, thiếu liên kết

Bản thân nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục. Quản trị doanh nghiệp còn yếu kém: phần lớn quản lý theo kiểu gia đình, thiếu chuyên nghiệp và thiếu minh bạch, khiến đối tác và ngân hàng e ngại, khó gọi vốn. Tầm nhìn kinh doanh cũng ngắn hạn: nhiều chủ doanh nghiệp chỉ lo lợi nhuận trước mắt “ăn xổi ở thì”, ngại đầu tư cho R&D, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu, dẫn đến thiếu vắng sản phẩm đột phá.

Tinh thần liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh manh mún, “mạnh ai nấy làm”, mỗi doanh nghiệp nhỏ lẻ “tự bơi” nên thua thiệt trước đối thủ ngoại. Thêm vào đó, tâm lý sợ rủi ro khiến nhiều doanh nhân “không dám lớn”, chỉ thích “ăn chắc mặc bền” giữ doanh nghiệp ở quy mô nhỏ cho an toàn. Sự thận trọng thái quá này làm khu vực tư nhân thiếu những bước đi táo bạo để vươn tầm như doanh nghiệp ở các nước phát triển.

Thiếu sáng tạo, khó vươn tầm và “chảy máu” doanh nhân khởi nghiệp

Với các điểm nghẽn trên, kinh tế tư nhân Việt Nam đến nay vẫn chưa bứt phá, đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất lao động của khu vực tư nhân còn thấp xa so với khu vực nhà nước và FDI; hiệu quả đầu tư cũng thấp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh kém hiệu quả, tài chính yếu, dễ tổn thương trước các cú sốc (gần 50% doanh nghiệp tư nhân báo lỗ những năm gần đây).

Khu vực tư nhân cũng thiếu đổi mới sáng tạo. Chi cho R&D quá thấp, doanh nghiệp tư nhân chưa tạo được nhiều sản phẩm công nghệ cao hay thương hiệu tầm cỡ. Nền kinh tế vì thế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI ở phân khúc giá trị cao; doanh nghiệp nội địa mãi loay hoay ở phân khúc thấp.

Môi trường trong nước chưa thuận lợi còn dẫn đến “chảy máu chất xám”. Nhiều startup Việt lựa chọn lập công ty ở Singapore, Mỹ… thay vì ở lại quê nhà. Theo VCCI, hầu hết startup tiềm năng của Việt Nam đều tìm kiếm vốn nước ngoài hoặc đăng ký kinh doanh ở nước ngoài. Hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước vì thế mất đi nhân tài, Việt Nam mất cơ hội có những doanh nghiệp công nghệ đột phá, các lợi ích tương lai (việc làm chất lượng cao, thuế…) cũng chảy sang quốc gia khác.

Nhìn chung, các điểm nghẽn về thể chế, nguồn lực và hạn chế nội tại đang níu chân khu vực tư nhân, khiến động lực tăng trưởng quan trọng này chưa phát huy hết sức mạnh. Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời nhằm giải bài toán đó, khơi thông tiềm năng của “mỏ vàng” kinh tế tư nhân cho phát triển đất nước.

Làm gì để kinh tế tư nhân cất cánh

Nghị quyết số 68-NQ/TW mở ra bước ngoặt để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo cú hích cho kinh tế tư nhân “cất cánh”. Văn kiện này thể hiện quyết tâm cao của Đảng, đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, và loạt giải pháp đột phá: cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân về vốn, đất đai, nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khuyến khích hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp...

Nếu thực thi quyết liệt, rào cản sẽ được dỡ bỏ và khu vực tư nhân có thể bùng nổ về cả số lượng lẫn chất lượng. Những doanh nghiệp tư nhân đầu đàn sẽ xuất hiện, khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn cho GDP, ngân sách và trở thành mũi nhọn trong các ngành hiện đại, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đất nước thịnh vượng, thu nhập cao vào năm 2045.

Muốn vậy, Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được triển khai đồng bộ, chuyển hóa thành hành động cụ thể. Cần nhanh chóng hoàn thiện luật pháp, cắt giảm “giấy phép con”, chi phí tuân thủ; cải cách mạnh bộ máy hành chính phục vụ doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp tư nhân cũng phải tự đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh để tận dụng cơ hội. Nhà nước “cởi trói” và doanh nghiệp “tự vươn mình” - nếu song hành, kinh tế tư nhân sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển mới đầy hứa hẹn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghị quyết số 68-NQ/TW, lời hiệu triệu doanh nhân Việt dấn thân, sáng tạo vì một Việt Nam hùng cường Bài 2: Kinh tế tư nhân đã đủ lực nhưng thiếu đà
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO