Chính trị

Nghị quyết số 68-NQ/TW, lời hiệu triệu doanh nhân Việt dấn thân, sáng tạo vì một Việt Nam hùng cường

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình phát triển của Việt Nam; nếu ví công cuộc Đổi mới 1986 đã mở cánh cửa cho kinh tế tư nhân hồi sinh từ bóng tối, thì Nghị quyết số 68-NQ/TW chính là luồng gió mạnh đưa cánh buồm kinh tế tư nhân căng gió ra biển lớn. Từ đây, một hành trình mới bắt đầu, ở đó khu vực tư nhân được trao trọng trách, trao cơ hội và nguồn lực toàn diện để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”.

Bài 1: Từ 40 năm Đổi mới đến Nghị quyết số 68-NQ/TW

TS. Trần Văn Khải
Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Không chỉ tiếp nối tinh thần Đổi Mới và tư tưởng của Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017, Nghị quyết 68 – NQ/TW còn là bước phát triển cao hơn, táo bạo hơn trong nhận thức và hành động về vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước.

Trước Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân gần như “đi lên từ con số 0”. Sau ngày thống nhất đất nước (1975), mô hình kế hoạch hóa tập trung khiến kinh tế tư nhân không được thừa nhận và bị xem là thứ cần xóa bỏ. Chỉ đến Đại hội VI năm 1986, với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, khu vực tư nhân mới bắt đầu được nhìn nhận trở lại và từ đó, kinh tế tư nhân Việt Nam đã trỗi dậy ngoạn mục.

Về mặt chủ trương, Đảng đã từng bước đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân qua các kỳ Đại hội; nếu Đại hội IX (2001) lần đầu khẳng định kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, thì đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (năm 2017), Nghị quyết 10-NQ/TW được ban hành, đặt mục tiêu “phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết 10-NQ/TW thể hiện bước đột phá khi chính thức xem khu vực tư nhân là một động lực quan trọng cho tăng trưởng.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến đầu năm 2025, cả nước có trên 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 82% lực lượng lao động cả nước. Điều đó có nghĩa là cứ 10 lao động thì hơn 8 người đang làm việc trong khu vực tư nhân - từ những doanh nghiệp lớn cho tới các hộ kinh doanh, tiểu thương.

Kinh tế tư nhân không chỉ tạo sinh kế cho phần lớn người dân, mà còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực tế 40 năm qua cho thấy khu vực tư nhân đã góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống xã hội. Nhiều thương hiệu Việt đã hình thành và khẳng định tên tuổi trên thị trường khu vực, toàn cầu, như Vinamilk (sữa), Vingroup/VinFast (công nghệ, ô tô), Thaco (công nghiệp ô tô), Vietjet (hàng không), Masan (hàng tiêu dùng)... Đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân hiện hữu trong mọi ngành nghề, từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho đến nông nghiệp. Nhờ sự nhanh nhạy và linh hoạt, doanh nghiệp tư nhân thường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới và thích ứng với thị trường.

dony.jpg
Khu vực tư nhân càng phát triển thì nền kinh tế càng năng động, sáng tạo. Ảnh: H.Lê

Đổi mới tư duy và giao vai trò đầu tàu cho khu vực tư nhân

Để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” và trở thành nước phát triển, việc phát huy tối đa nguồn lực tư nhân là con đường tất yếu. Kinh nghiệm toàn cầu khẳng định khu vực tư nhân càng phát triển thì nền kinh tế càng năng động, sáng tạo, khả năng chống chịu và thích ứng càng cao.

Trong khi đó, tại Việt Nam, dù khu vực tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ, vẫn còn nhiều rào cản kìm hãm đóng góp của nó so với tiềm năng. Tỷ trọng 50% GDP của kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước phát triển (nơi khu vực tư nhân thường đóng góp 70 - 80% GDP); mốc 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 chưa thể cán đích đúng hạn. Quy mô nhỏ, phân mảnh; hạn chế về nhân lực, công nghệ; thiếu liên kết và tầm nhìn; môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi - những rào cản này khiến kinh tế tư nhân chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, “chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước”.

Bước sang giai đoạn mới, với khát vọng trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần một cú huých mạnh hơn cho kinh tế tư nhân. Đó chính là lý do sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW mang ý nghĩa lịch sử: tổng kết chặng đường 40 năm Đổi mới, nhìn thẳng vào hạn chế và đề ra tầm nhìn chiến lược mới để khu vực tư nhân “cất cánh” đóng góp xứng đáng cho đất nước.

Được ban hành ngày 4/5/2025, Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc tạo động lực chiến lược mới cho phát triển đất nước bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu rõ: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”; yêu cầu “đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân…”. Điều này cho thấy Đảng ta nhìn nhận việc hỗ trợ khu vực tư nhân trỗi dậy không chỉ là cần thiết, mà là nhiệm vụ “cần thiết và cấp bách” để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết đặt mục tiêu rất cao cho khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện tầm nhìn dài hạn đầy tham vọng. Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu: Một là, kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khu vực tư nhân được kỳ vọng đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng. Hai là, tốc độ tăng trưởng khu vực tư nhân đạt bình quân 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP chung của cả nước. Đóng góp vào GDP khoảng 55 - 58%, vào ngân sách nhà nước khoảng 35 - 40% và tạo việc làm cho khoảng 84 - 85% lực lượng lao động. Năng suất lao động khu vực tư nhân tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm.

Ba là, quy mô doanh nghiệp tăng mạnh. Cả nước có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động (tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân). Hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thương hiệu tầm khu vực và quốc tế. Bốn là, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của khu vực tư nhân thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước hàng đầu châu Á.

Vươn tầm xa hơn, tầm nhìn đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, khu vực tư nhân được định hướng sẽ phát triển nhanh, mạnh, bền vững, có năng lực cạnh tranh cao trên phạm vi khu vực và quốc tế. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến 2045 Việt Nam có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP quốc gia.

Những mục tiêu trên cho thấy một vị thế mới được xác lập cho khu vực tư nhân trong chiến lược phát triển; từ chỗ là “một động lực quan trọng” (theo Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017) nay vươn lên thành “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Nói cách khác, khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ là đầu tàu chiến lược kéo nền kinh tế tiến bước trong những thập niên tới.

Để đạt được những mục tiêu tham vọng đó, Nghị quyết cũng đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; bảo đảm quyền tài sản và tự do kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, đất đai, thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính... Nghị quyết cũng đề ra nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, thương mại; phân định rõ trách nhiệm cá nhân và pháp nhân khi có vi phạm, tạo tấm lá chắn để doanh nhân yên tâm hoạt động; dám nghĩ, dám làm, dám thất bại và làm lại.

Tầm vóc Nghị quyết số 68-NQ/TW và lời hiệu triệu hành động

Từ nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-TW, có thể thấy một thông điệp chiến lược mang tính xuyên suốt: Đảng ta tiếp tục đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi phát triển kinh tế tư nhân vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài; mạnh dạn giao trọng trách đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cho khu vực tư nhân. Nếu như trước đây, khu vực kinh tế nhà nước thường được nhấn mạnh là “chủ đạo” thì nay quan điểm đã rất cởi mở: kinh tế tư nhân, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đều giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập. Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất, cạnh tranh quốc gia, đồng thời tham gia tích cực vào các mục tiêu lớn như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Một điểm nhấn quan trọng trong tư duy mới của Đảng là việc thừa nhận và tôn trọng quy luật thị trường trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Nhà nước chuyển mạnh sang vai trò kiến tạo, hỗ trợ, thay vì can thiệp hành chính quá sâu, để thị trường và doanh nghiệp tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật. Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra yêu cầu xóa bỏ triệt để định kiến, rào cản về kinh tế tư nhân. Điều này hàm ý loại bỏ những suy nghĩ cũ kỹ cho rằng kinh tế tư nhân đối lập với kinh tế nhà nước hay chủ nghĩa xã hội. Thay vào đó, cần đánh giá đúng vai trò to lớn và đóng góp tích cực của khu vực tư nhân đối với phát triển kinh tế - xã hội, coi thành công của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là sự chuyển biến tư tưởng rất đáng ghi nhận, tiếp nối tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” từ thời Đổi mới.

Là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình phát triển của Việt Nam, tầm vóc của Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện ở chỗ: lần đầu tiên, khu vực tư nhân được đặt vào vị trí “động lực quan trọng nhất” đối với nền kinh tế. Có thể nói, Nghị quyết vừa là “ngọn cờ” định hướng, vừa là “lời hiệu triệu” hành động đến toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp: hãy coi doanh nghiệp tư nhân là đối tượng phục vụ, là động lực phát triển; hãy trân trọng người dân làm kinh tế, tạo mọi điều kiện cho họ góp sức làm giàu cho mình và cho đất nước.

Giờ đây, cánh cửa lớn đã mở, nhiệm vụ đặt ra là làm sao để tinh thần và nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW đi vào cuộc sống, thực sự tạo chuyển biến rõ nét cho khu vực tư nhân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghị quyết số 68-NQ/TW, lời hiệu triệu doanh nhân Việt dấn thân, sáng tạo vì một Việt Nam hùng cường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO