Thông tin trên được ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Châu Á sẵn sàng cho đổi mới trí tuệ nhân tạo: Bài học từ quá trình chuyển đổi số tại Hàn Quốc”.
Hội thảo do NIC phối hợp Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc (SNU) và Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 11 và 12.7.
Sự kiện nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) trên khắp châu Á, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, học giả, quan chức Chính phủ cùng cộng đồng các nhà nghiên cứu và phát triển, kinh doanh trong lĩnh vực AI.
Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy cho biết, trong những năm gần đây, AI đã nổi lên như một lực lượng then chốt trong việc định hình lại các ngành công nghiệp và xã hội, ảnh hưởng đến sự biến đổi của nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
“Thực hiện chủ trương, định hướng và các giải pháp của Chiến lược, NIC đang nghiên cứu thành lập Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng AI tiên tiến tại Việt Nam. Sáng kiến này nhằm mục tiêu đào tạo hàng nghìn chuyên gia AI đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ 500 startup AI, nâng cao mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo số”, Giám đốc NIC thông tin.
Trong hai ngày của sự kiện, người tham dự được lắng nghe bài phát biểu chủ đề, tham gia các bài giảng, thảo luận nhóm và phần giới thiệu của các dự án quốc tế xuất sắc được bầu chọn. Chương trình còn bao gồm một loạt các phiên thảo luận đa dạng về các tiến bộ, xu hướng và thách thức mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI.
Cụ thể, các các đại biểu cùng thảo luận về quy định, xem xét đạo đức, nghiên cứu tình huống và ứng dụng thực tế về tác động của AI đối với tài chính và tăng trưởng kinh tế; việc phát triển khung pháp lý và chính sách về đạo đức trong AI, giải quyết những thách thức liên quan đến vấn đề về bản quyền và đạo đức trong kỷ nguyên AI.
Ngoài ra, hội thảo cũng đi sâu vào vai trò của công nghệ AI trong vận hành Nhà nước, nêu bật các xu hướng, ứng dụng, thách thức và điều kiện tiên quyết để triển khai AI một cách hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, hiểu biết về AI đáng tin cậy sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các chỉ tiêu đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, với những bằng chứng về hiệu quả kinh tế, và các chiến lược để tăng cường độ tin cậy của AI trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Đặc biệt, chương trình còn giới thiệu các dự án ứng dụng AI thành công từ các quốc gia như Pakistan, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam; cung cấp các góc nhìn đa dạng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng của AI trong khu vực châu Á.
Tham gia hội thảo, các đại biểu và khách mời còn có cơ hội giao lưu kết nối với đồng nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia đến từ các nền tảng khác nhau, các nhà hoạch định chính sách và các tập đoàn kinh doanh đầu ngành trong việc định hình tương lai của công nghệ AI.