Khắc phục những hạn chế, sai sót năm trước
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022, trong 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là 567.018 (trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt tỉ lệ 91,4% số với số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Không còn tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển từ nhiều trường mà thí sinh không đăng ký …
Theo Bộ GD-ĐT, đối với toàn hệ thống hơn 300 cơ sở đào tạo (bao gồm cả phân hiệu trường đại học và trường cao đẳng), 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng, có những thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian, việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót.
Hầu hết các trường hợp thí sinh có sai sót đã được giải quyết, số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý, qua đó đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Tuy nhiên, theo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, phương thức xét tuyển ngày càng phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo.
Một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Một số trường chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định.
Về đào tạo, một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành (I, II, IV) tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Về điều kiện đảm bảo chất lượng, một số nơi chưa đảm bảo duy trì ngành đào tạo, đáp ứng gia tăng số lượng, duy trì và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển KHCN, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Vụ GDĐH xác định, những hạn chế nói trên do một số nguyên nhân chính. Theo đó, hệ thống pháp luật đang tiếp tục cần được đồng bộ, điều chỉnh, hoàn chỉnh. Nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ; năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Nguồn lực cho giáo dục đại học cả về đội ngũ và tài chính còn rất hạn chế. Bản thân nội tại cơ sở GDĐH còn các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết triệt để.
Cần đảm bảo công bằng cho thí sinh
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, về cơ bản, tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành mầm non năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD-ĐT sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh mới, nhưng có điều khoản năm nay 2023 mới áp dụng.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ, tạo điều kiện thuận tiện, tốt hơn cho các trường và thí sinh trong quá trình xét tuyển, đảm bảo sự công bằng mà minh bạch trong hệ thống.
Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường rà soát phương thức xét tuyển để loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống xét tuyển chung cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu đội ngũ lãnh đạo trường đại học cần quan tâm tuân thủ thực thi pháp luật, đặc biệt liên quan đến tuyển sinh, đào tạo. Tăng cường nhận thức và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ các trường, phòng tuyển sinh, đào tạo, tổ chức cán bộ… Đồng thời, trong trường đại học cần có bộ phận thực hiện chức năng pháp chế và thanh tra để giám sát việc thực hiện pháp luật.
Thứ trường đề nghị: “Các cơ sở giáo dục giành phần khó khăn về phía mình; chỉ thực sự cần thiết thì mới đưa ra những điều chỉnh, thay đổi nhằm đảm bảo sự bình đẳng và quyền lợi chính đáng, công bằng cho thí sinh.
Năm 2023, các trường cần suy nghĩ nhiều hơn cho thí sinh, đánh giá các phương thức tuyển sinh của trường, tránh quá nhiều phương thức phức tạp, nhằm hướng tới đảm bảo quyền lợi công bằng tối đa cho thí sinh. Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa, giải quyết xử lý các trường hợp thí sinh sai sót thông qua hướng dẫn xử lý từng tình huống”.
Những điều chỉnh về kỹ thuật trong tuyển sinh 2023
Công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ được giữ ổn định như năm 2022, Bộ GD-ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới nhưng sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của Hệ thống tuyển sinh chung để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc đăng ký xét tuyển và hạn chế tối đa nhầm lẫn của thí sinh.
Ngoài ra, kế hoạch tuyển sinh tổng thể sẽ được thiết kế với lịch trình sớm hơn năm 2022 để công tác tuyển sinh có thể hoàn tất và bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9/2023.
Một nội dung thay đổi khác là do tiếp tục triển khai thực hiện quy định của Quy chế tuyển sinh năm 2022 và có hiệu lực từ năm 2023, cụ thể là:
+ Điểm d khoản 1 Điều 7 quy định về Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh: "Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp". Như vậy chỉ những thí sinh tốt nghiệp năm 2022 và 2023 có đăng ký xét tuyển thì được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực.
+ Khoản 4 Điều 7 quy định về Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh:
"Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều này".