Giáo viên hãy tận dụng sức mạnh của ChatGPT để giảm tải công việc

Bản thân giáo viên hãy tận dụng sức mạnh của ChatGPT để giảm tải các công việc văn bản hành chính ít quan trọng và mang tính lặp lại.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) về việc sử dụng công nghệ ChatGPT. 

ChatGPT không thể thay thế những phẩm chất của người giáo viên

-Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, công nghệ ChatGPT hiện nay làm nhiều người đang lo lắng chúng sẽ làm cho vai trò của thầy cô trở nên thừa thãi, là chuyên gia giáo dục ý kiến của ông thế nào?

PGS.TS Trần Thành Nam: Chúng ta cũng thấy rằng ChatGPT hiện tại chưa thể làm được một số việc như nó không thể viết bài luận tự phản ánh về thay đổi trong nhận thức của một cá nhân (Ví dụ như những kiến thức em đã học từ tuần trước đã làm thay đổi cách nhìn của em về một nhân vật, một sự kiện như thế nào).

ChatGPT cũng không thể đưa ra các dự đoán về các sự kiện trong tương lai. Chúng cũng không có khả năng tổng hợp những thông điệp cốt lõi từ một bài báo hay kết nối thông tin từ nội dung giảng dạy trên lớp với hình ảnh trực quan như giáo viên đứng lớp.

ChatGPT cũng đã trả lời câu hỏi này bằng cách nhấn mạnh AI chỉ là một công cụ giúp thày cô và học sinh hoạt động hiệu quả hơn. Bản thân thầy cô giáo dục thế hệ học trò bằng chính nhân cách của mình.

Những giáo viên giỏi không phải là những giáo viên trả lời được mọi câu hỏi của học sinh hay luyện ra được những học sinh trả lời được mọi câu hỏi.

Người thầy xuất sắc phải là người ảnh hưởng đến những thay đổi bước ngoặt, tác động lâu dài đến cuộc sống thậm chí giúp thay đổi thân phận cho học sinh. Biến những học sinh chệch hướng, không có động cơ học tập trở thành những người học có khao khát khẳng định bản thân để cống hiến cho xã hội và những giá trị tích cực của cuộc sống. Ở khía cạnh này không thể có một AI nào làm được.

Nói cụ thể trong tiến trình học tập ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Các hoạt động học tập thường phải đi theo quy luật của nhận thức. Đầu tiên giáo viên phải tổ chức một hoạt động gây chú ý và tạo hứng thú cho học sinh về một chủ đề kiến thức mới. Sau khi học sinh hứng thú và tò mò, thì giáo viên sẽ phải giúp các em hình thành các câu hỏi thông minh ví dụ như nó là gì? Em cần làm gì? Tại sao phải làm như vậy? Em sẽ làm nó như thế nào?...

Tiếp đến, học sinh sẽ tham gia các hoạt động để trả lời những câu hỏi này và rút ra những kiến thức quy luật chung. Cuối cùng, giáo viên tổ chức các hoạt động trên lớp và giao nhiệm vụ về nhà để học sinh ứng dụng các tri thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Giáo viên hãy sử dụng ChatGPT để giảm tải công việc -0
PGS.TS Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)

-Với quy trình dạy học như vậy, ChatGPT không thể làm được việc tạo hứng thú, truyền cảm hứng học tập. Nó cũng hạn chế trong việc gợi ý cho học sinh đi đến những câu hỏi thông minh phải không thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đúng! ChatGPT cũng không tổ chức được hoạt động để cho học sinh thử sai, không thể thiết kế những hoạt động giúp học sinh ứng dụng tri thức đã học vào thực tiễn, nó không phân tích được tại sao trong bối cảnh văn hóa này thì tri thức đó phù hợp, trong bối cảnh văn hóa khác thì tri thức lại không phù hợp ngoài việc đưa ra những kết luận chung về kiến thức.

ChatGPT sẽ không thể thay thế những phẩm chất của người giáo viên như trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm, năng lực truyền cảm hứng, khả năng ra quyết định có đạo đức – những phẩm chất rất quan trọng để dạy người và giúp học trò trở thành những nhân cách xuất sắc.

ChatGPT sẽ không thay thế được giáo viên hiện đại, những giáo viên dạy học theo cách tiếp dựa trên năng lực. Dạy học bằng cách đưa ra những câu hỏi kích thích sự tư duy sáng tạo. Coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra đánh giá hơn là trí nhớ.

ChatGPT cũng hoàn toàn không thể tạo được cảm hứng học tập. Nó chỉ chỉ ra được các bước đi, các kết quả nhưng không thể hướng dẫn người học được cái quan trọng là những nhà khoa học đi trước đã tư duy như thế nào để giải quyết từng bước và đi đến kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, với giáo viên nếu vẫn tiếp cận dạy học theo kiểu truyền thống, dạy theo tiếp cận nội dung. Giáo viên trên lớp chủ yếu dành thời gian để kể về các sự kiện, cung cấp thông tin đơn thuần. Giáo viên vẫn tiến hành kiểm tra với các tiêu chí đánh giá dựa trên trí nhớ, liệt kê sự kiện, phân biệt đáp án đúng sai để tính điểm hơn thì ChatGPT rồi sẽ thay thế những giáo viên này.

Nhìn lại hành trình phát triển của siêu chatbot ChatGPT
Những kiến thức về văn học có thể bị thiên lệch vì thuật toán phải tạo ra câu trả lời của AI

Kiến thức từ ChatGPT có thể bị thiên lệch

-ChatGPT có thể giúp đỡ thầy cô như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: ChatGPT có thể giúp giáo viên, soạn giáo án, soạn đề cương môn học, viết chính sách cho việc sử dụng AI trong lớp học, biên soạn mục tiêu, nhiệm vụ học tập của học sinh trong bối cảnh có sử dụng AI; biên soạn câu hỏi kiểm tra, viết kịch bản cho 1video bài giảng hoặc 1 podcast; thiết kế tiêu chí đánh giá một video bài tập, biên soạn hướng dẫn học tập cho học sinh, viết email cá nhân hóa cho học sinh...

Cụ thể, ChatGPT có thể giúp giáo viên phổ thông viết giáo án, nội quy lớp học, báo cáo tiến độ học tập của học sinh, câu hỏi và trắc nghiệm để kiểm tra học sinh. Tiêu chí chấm điểm các bài luận, ghi chú cho cuộc họp giữa giáo viên và phụ huynh,

Bên cạnh đó, còn cung cấp các danh mục các tài nguyên và tài liệu học tập cho học sinh; hướng dẫn chiến lược học tập cho học sinh; các thông điệp cần suy ngẫm; mục tiêu học tập; phiếu lấy ý kiến học sinh; kế hoạch quản lý hành vi lớp học.

ChatGPT thiết kế hoạt động học hợp tác, hướng dẫn đọc hiểu và phiếu đánh giá đọc hiểu Kịch bản thuyết trình; gửi Thư thông tin cho phụ huynh; soạn giáo án và hướng dẫn cho giáo viên dạy thay.

Đối với giảng viên đại học, ChatGPT có thể giúp giảng viên  biên soạn Đề cương môn học Slide bài giảng với ghi chú cho từng slide; công cụ kiểm tra đánh giá; phiếu khảo sát sinh viên và đề xuất các nghiên cứu, dàn ý báo cáo thuyết trình hội nghị, viết bài báo khoa học.

ChatGPT thực hiện được thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học Luận văn, luận án; danh mục tài liệu tham khảo cho sinh viên; các hoạt động và dự án nghiên cứu trong lớp học cho sinh viên; tiêu chí đánh giá dự án nghiên cứu của sinh viên; nội dung khóa học online; đề cương ôn tập, mục tiêu và chuẩn đầu ra của học phần. Ngoài ra, ChatGPT thực hiện báo cáo tiến độ người học; phát triển chương trình và đề cương chi tiết học phần Hướng dẫn học tập…

-Liệu những kiến thức mà ChatGPT trả lời có độ tin cậy không ?

PGS.TS Trần Thành Nam: Với những gì ta hiểu về cách học của ChatGPT, kiến thức được đưa ra chưa chắc đã có độ tin cậy như người thầy thực sự. Những kiến thức về lịch sử, địa lý có thể bị tam sao thất bản.

Những kiến thức về văn học có thể bị thiên lệch vì thuật toán phải tạo ra câu trả lời của AI. Nó nằm trong chữ G – generative (tạo sinh); P – pretraining (huấn luyện trước) và T-transformer (chuyển đổi). Nó tạo ra câu trả lời bằng cách dự đoán việc đưa ra từ tiếp có khả năng nhất là gì chứ không phải sự thật là gì. Cũng vì thế nó không thể trích nguồn (lấy thông tin từ đâu). Và vì vậy, nó vẫn sẽ cần sự xác nhận của người thầy.

Có lẽ bản thân chính OpenAI cũng ý thức được việc này nên trong Điều khoản sử dụng cũng đã nêu rõ bạn phải từ 18 tuổi trở lên mới có thể xác nhận các điều khoản hợp đồng với OpenAI để sử dụng dịch vụ ChatGPT.

Về lợi ích của ChatGPT là không thể phủ nhận như trải nghiệm học tập cá nhân hóa vì nó tạo ra các loại tài liệu học tập tùy chỉnh dựa trên nhu cầu và sở thích cá nhân của học sinh. Giúp học sinh học theo nhịp của mình. Trở thành gia sư số, dạy kèm thông minh. Đặc biệt, giúp giáo viên chấm điểm và phản hồi cá nhân hóa. Giúp giáo viên soạn tài liệu giáo dục theo ý tưởng.

Mặc dù, ChatGPT có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng cho các câu hỏi, nhưng nó không xây dựng các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, vốn là những điều cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống vì ChatGPT sử dụng thông tin không chính xác, ngôn ngữ phản cảm.

ChatGPT không thể viết một bài tự suy nghĩ (ví dụ: “mô tả nội dung chúng ta học trên lớp tuần trước đã thay đổi suy nghĩ của bạn về vai trò của bạn với tư cách là một giáo viên hiện tại/tương lai như thế nào”). Không thể tích hợp được thông tin âm thanh, hình ảnh và văn bản để tích hợp và tư duy như khi chúng ta làm việc trực tiếp.

ChatGPT không thể đưa ra dự đoán về các sự kiện trong tương lai hay tổng hợp báo, tin bài trên internet (Ví dụ hỏi hôm nay có gì hot).

ChatGPT không thể lý luận đạo đức. Con người có khả năng đưa ra những đánh giá về đạo đức và luân lý, trong khi AI chỉ có thể tuân theo các quy tắc và hướng dẫn mà nó đã đưa ra. AI không có lập trường và sẽ trả lời những câu hỏi có hại, phân biệt chủng tộc, phi đạo đức.

Giáo viên hãy sử dụng ChatGPT để giảm tải công việc -0
Công nghệ về AI ngày càng thông minh

Trao đổi thẳng thắn với học sinh về tính liêm chính trong học thuật

-Vậy, các thầy cô chúng ta cần làm gì với công nghệ ChatGPT?

PGS.TS Trần Thành Nam: Các ứng dụng AI sẽ còn thông minh hơn nữa, và các công cụ như ChatGPT sẽ trở thành một món đồ chơi công nghệ hấp dẫn và độc đáo của mọi người, đó là xu thế không thể đảo ngược.

Vì vậy, thay vì hoang mang và tìm cách cấm sử dụng công nghệ này trong lớp học của mình, hay trở lại với các bài luận viết tay và kiểm tra vấn đáp thì đầu tiên hãy coi nó cũng như việc chúng ta cho phép học sinh sử dụng máy tính cầm tay trong khi học toán hoặc sử dụng google để tìm thông tin cho các bài luận.

Trên thực tế, để giải quyết những nỗi lo lắng này giáo viên có thể suy nghĩ về việc trao đổi thắng thắn với học sinh về vấn đề liêm chính trong học thuật.

Các thầy cô xem lại cách chấm điểm (Chỉ sử dụng AI là không qua môn). Củng cố động cơ học tập đúng đắn như học để trở thành con người hạng nhất chứ không phải robot hạng 2.

Hãy nói với sinh viên của bạn tại sao chúng ta phải học viết và nghiên cứu trong khi ChatGPT có thể làm điều này. Lý do vì đó là cách để chúng ta vượt qua AI hoặc bạn sẽ biến mình thành nô lệ của chúng và AI sẽ cướp hết các công việc trong tương lai của bạn.

Giáo viên có thể điều chỉnh lại các chính sách trong quá trình học tập trong đó nêu rõ cho phép sử dụng AI nhưng chỉ sử dụng AI như một bản nháp đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không có sự đầu tư thích đáng thì không thể qua môn. Thống nhất với người học về các nội dung sử dụng AI phải được trích dẫn một cách trung thực.

Giáo viên cũng có thể thiết kế lại các hoạt động đánh giá của mình và các tiêu chí tập trung hơn vào những hoạt động tư duy bậc cao, cách giải quyết vấn đề sáng tạo, các dự án học tập, bài thu hoạch phản ánh sự thay đổi nhận thức cá nhân và các nhiệm vụ mà ChatGPT hay các công cụ AI khác không thể hoàn thành.

Một trong những lý do khiến học sinh gian lận chính là chủ nghĩa thành tích, học vì điểm số và điểm kém có nghĩa là thất bại. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường học được nhiều điều từ thất bại hơn là thành công.

Chính ChatGPT cũng đang hàng ngày học từ những thất bại (câu trả lời lỗi của mình) để hoàn thiện hơn. Vì thế, đừng đánh giá thất bại của học sinh như một kết quả cuối cùng. Hãy khuyến khích học sinh chấp nhận rủi ro, thất bại và học hỏi từ chính thất bại của mình.

Giáo viên cũng có thể giao các nhiệm vụ tìm hiểu ứng dụng ChatGPT cho học sinh. Giúp học sinh hiểu được những điều khoản, những nguy cơ và hạn chế về thiên lệch kiến thức. Có thể giao nhiệm vụ cho học sinh bậc trung học phân tích và chấm điểm cho chính văn bản mà ChatGPT tạo ra, xác định xem điều gì là hữu ích nhất cho việc học của họ và những gì có thể là thông tin nghi ngờ.

Giáo viên cũng có thể biến ChatGPT thành gia sư số bằng cách giao nhiệm vụ cho học sinh yêu cầu ChatGPT giải thích một khái niệm cho một học sinh tiểu học, một sinh viên đại học và một chuyên gia rồi phân tích sự khác biệt trong cách ChatGPT sử dụng ngôn ngữ trong việc diễn giải khái niệm. Hoặc có thể giao nhiệm vụ tìm kiếm trên internet xem nguồn gốc các văn bản đã được ChatGPT sử dụng để tạo ra phản hồi xem nó có độ tin cậy hay không.

Bản thân giáo viên hãy tận dụng sức mạnh của ChatGPT để giảm tải các công việc văn bản hành chính ít quan trọng và mang tính lặp lại. Hãy thử trải nghiệm sử dụng ChatGPT để soạn các bản nháp đầu tiên cho đề cương học phần, viết chính sách, nội quy cho một khóa học, dự thảo mục tiêu học tập, thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, hay soạn các biểu mẫu đánh giá… trước khi thầy cô hoàn thiện.

ChatGPT cũng có thể hỗ trợ các thầy cô trong công tác giáo viên chủ nhiệm bằng cách khởi thảo những bản nháp email cá nhân hóa về từng học trò, tư vấn chung về chiến lược học tập hay vấn đề tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, hay hướng dẫn vệ sinh sức khỏe tinh thần.

Hiểu đúng, sử dụng đúng, ChatGPT sẽ là người cộng sự rất tốt của các giáo viên, giúp giảm tải áp lực công việc của người thầy, hỗ trợ sự sáng tạo và tư duy của người thầy, giúp gia tăng hiệu quả của công tác giáo dục.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Những lưu ý khi sử dụng công nghệ ChatGPT!

OpenAI (công ty thiết kế ChatGPT) thu thập rất nhiều dữ liệu từ người dùng ChatGPT. Do đó, Chính sách quyền riêng tư nêu rõ rằng dữ liệu này có thể được chia sẻ với các nhà cung cấp bên thứ ba, cơ quan thực thi pháp luật, chi nhánh và những người dùng khác.

Trẻ em dưới 13 tuổi không nên sử dụng công cụ này (việc thu thập dữ liệu từ trẻ em dưới 13 tuổi vi phạm Quy tắc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng của Hoa Kỳ - COPPA ).

 Điều khoản sử dụng (Thỏa thuận cấp phép người dùng cuối) quy định rằng “bạn phải từ 18 tuổi trở lên và có thể lập hợp đồng ràng buộc với OpenAI để sử dụng Dịch vụ” ( OpenAI, 2022, đoạn 2 ). Điều này có nghĩa là không nên yêu cầu học sinh dưới 18 tuổi đăng ký sử dụng công cụ này .

Mặc dù bạn có thể yêu cầu xóa tài khoản ChatGPT của mình nhưng không thể xóa lời nhắc mà bạn nhập vào ChatGPT. Nếu bạn hoặc học sinh của bạn hỏi ChatGPT về các chủ đề nhạy cảm hoặc gây tranh cãi thì không thể xóa dữ liệu này.

Ý kiến bạn đọc

Giáo dục

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhắn nhủ tân cử nhân: "Thành công không đến từ con đường bằng phẳng"
Giáo dục

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhắn nhủ tân cử nhân: "Thành công không đến từ con đường bằng phẳng"

Nhắn nhủ các tân cử nhân trong lễ tốt nghiệp, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, trên con đường phía trước, sẽ không ít lần các em cảm thấy hoang mang khi đứng giữa các ngã rẽ. Nhưng các em hãy nhớ rằng, đặc quyền của tuổi trẻ là “thử và sai”. Thành công không đến từ những con đường bằng phẳng, mà là kết quả của nhiều phép thử.

Gần 2.000 học sinh tham dự Chương trình đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025
Giáo dục

Gần 2.000 học sinh tham dự Chương trình đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025

Sáng 5.4, tại Trường THPT Hà Đông (quận Hà Đông, TP Hà Nội), chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp năm 2025” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức đã diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia của gần 2.000 học sinh đến từ các trường THPT Hà Đông, THPT Ngô Thì Nhậm, THPT Văn Lang cùng đông đảo phụ huynh và thầy cô giáo.

Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Giáo dục

Trường Đại học Điện lực triển khai thực hiện nghị quyết 03 của Chính phủ

Ngày 3.4, Trường Đại học Điện lực tổ chức Hội nghị “Triển khai thực hiện nghị quyết 03/NQ-CP ngày 9.1.2025 của Chính phủ” nhằm đưa ra các phương án về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tham dự hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường PGS.TS Vũ Đình Ngọ; Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Đinh Văn Châu; Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Lê Cường.

Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày của Bộ GD-ĐT chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018
Giáo dục

Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày của Bộ GD-ĐT chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018

Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, chưa khai thác và sử dụng hết hiệu suất về cơ sở vật chất và định biên giáo viên được giao cho nhà trường. Công văn hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 cần phải thay đổi điều chỉnh.

Nữ sinh xuất sắc Đại học Ngoại thương được tuyển dụng chính thức khi chưa tốt nghiệp
Giáo dục

Nữ sinh xuất sắc Đại học Ngoại thương được tuyển dụng chính thức khi chưa tốt nghiệp

Nguyễn Diệu Quỳnh là một trong những sinh viên có thành tích xuất sắc nhất trong đợt xét tốt nghiệp sớm của Trường Đại học Ngoại thương năm 2025, với điểm trung bình gần tuyệt đối 3.98/4.0. Đầu năm 2025, khi chưa chính thức tốt nghiệp, Diệu Quỳnh đã được tuyển dụng làm nhân viên chính thức ở một công ty lớn.

Cùng em đến trường - Cam kết lâu dài cho sự phát triển bền vững
Giáo dục

Cùng em đến trường - Cam kết lâu dài cho sự phát triển bền vững

Sau hơn 4 năm kể từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động, Trường THCS Châu Hòa (Bến Tre) đã trở thành biểu tượng tiêu biểu cho sự phát triển giáo dục của địa phương; đồng thời cũng thể hiện rõ nét trách nhiệm xã hội và cam kết lâu dài của Trungnam Group đối với tương lai giáo dục Việt Nam.

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?
Giáo dục

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?

Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, biểu tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất, bản lĩnh hội nhập và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc? …

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt
Chính trị

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang kiến nghị quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành theo cấp độ đào tạo và theo vùng kinh tế, để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt theo từng lĩnh vực khác nhau. Qua đó bảo đảm sự cân bằng, hiệu quả về cơ cấu, số lượng, trình độ lao động theo đặc điểm từng vùng kinh tế.

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi
Giáo dục

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi

Để thu hút giảng viên trình độ cao, các cơ sở giáo dục đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh đang “tung” nhiều chính sách hấp dẫn. Việc này nhằm tăng chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng theo chuẩn, đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn
Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích cách quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025 đang gây tranh luận

Chiều ngày 3.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về cách quy đổi điểm các phương thức xét tuyển đại học năm 2025, đang gây tranh luận trên các diễn đàn như cách tính điểm quy đổi giữa các phương thức tuyển sinh?, nếu có sự chênh lệch trong việc quy đổi điểm với thực lực của thí sinh, Bộ có kế hoạch gì để đánh giá lại chất lượng đầu vào?, độ tin cậy về dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ khi xét tuyển đại học?...