TS Đàm Quang Minh:

ChatGPT ra đời, cơ hội lớn cho ngành giáo dục

Khi ChatGPT ra đời, đòi hỏi con người phải học nhiều hơn nữa để có được những kỹ năng làm việc, kỹ năng sinh tồn trong một thế hệ sử dụng AI nhiều hơn, sử dụng công nghệ nhiều hơn, sử dụng những phát triển về mặt trí tuệ nhân tạo nhiều hơn.

Theo thống kê, mức độ tiếp nhận của người dùng đối với ChatGPT có thể khiến công nghệ AI này trở thành ứng dụng Internet phát triển nhanh nhất từ ​​trước đến nay. ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo đã đạt 100 triệu người dùng chỉ hai tháng sau khi ra mắt.

Sự ra đời của ChatGPT dự kiến ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề, trong đó ngành giáo dục và truyền thông là những ngành chịu tác động đầu tiên và lớn nhất.

Để hiểu rõ hơn về tác dụng và ảnh hưởng của ChatGPT tới nền giáo dục hiện nay như thế nào? Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với Tiến sĩ Đàm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học FPT, hiện là CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest phân tích về vấn đề này.

 ChatGPT ra đời, cơ hội lớn cho ngành giáo dục -0
Tiến sĩ Đàm Quang Minh (Ảnh: Duy Thông)

ChatGPT đang và sẽ mở ra những kỷ nguyên mới, mở ra hướng mới cho phát triển AI

- ChatGPT như “cơn bão” đột phá lớn về công nghệ ào tới làm mọi người phải nhìn lại về sự phát triển của Trí tuệ Nhân tạo hiện nay, là người từng làm hiệu trưởng của trường Đại học FPT, giờ là CEO khối giáo dục phổ thông, ông cảm nhận “cơn bão” này như thế nào?

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Tôi cho rằng, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều những thay đổi lớn về mặt khoa học kỹ thuật nói chung và về công nghệ nói riêng trong giai đoạn quá khứ. Ví dụ sự ra mắt của các máy móc, sự ra đời của internet, sự ra đời của điện thoại, sự ra đời của google…Chúng ta thấy chúng đều đem lại những biến động rất lớn về thói quen, về cuộc sống và cả nền kinh tế lẫn giáo dục nói chung trong toàn bộ hệ thống xã hội.

Lần này, sự ra đời của ChatGPT tạo sự phấn khích lớn trong dư luận xã hội cũng như phấn khích cho toàn bộ người học thuật trong nhiều các diễn đàn khác nhau, vì năng lực của ChatGPT đang và sẽ mở ra những kỷ nguyên mới, mở ra hướng mới cho phát triển AI nói chung và cho những tương tác giữa trí tuệ nhân tạo, tương tác giữa người với máy nói riêng trong lĩnh vực công nghệ.

- Theo nhiều chuyên gia nhận định, hai ngành chịu tác động mạnh nhất của ứng dụng chatbot dùng trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT là giáo dục và truyền thông, thậm chí ChatGPT có thể làm thay đổi nền giáo dục, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Nhận định này không phải là lần đầu tiên đối với sự phát triển về mặt công nghệ. Chẳng hạn khi máy tính bỏ túi cộng trừ nhân chia ra đời, mọi người nói rằng có máy tính đó thì trẻ con không cần học phép tính nữa. Chiếc máy tính đó vẫn liên tục phát triển, có thể giải phương trình, có thể làm được rất nhiều thứ, và mọi người cho rằng trẻ con không phải học toán nữa. Nhưng chúng ta thấy rằng không hoàn toàn đúng như thế.

Đến khi google và internet ra đời, rất nhiều câu hỏi đặt ra là, liệu thư viện còn cần thiết không? Trước đây, chúng ta thấy thư viện là trung tâm của tri thức, là biểu tượng của trường đại học. Trong hình ảnh của trường đại học thì thái tim nằm ở thư viện rất lớn, rất đồ sộ.

Trường đại học có thư viện càng lớn thì càng thể hiện là trường đại học uy tín. Nhưng bây giờ không phải như vậy nữa. Thư viện không còn là trái tim của trường đại học, nó vẫn là một phần của trường đại học nhưng vai trò nhỏ lắm vì internet đã làm hộ phần đấy rất lớn.

Như vậy, cứ mỗi lần một công nghệ mới ra đời, chúng ta đều phải đặt lại câu hỏi: Liệu những thứ mà chúng ta coi trọng có còn giá trị hay không? Bản thân các trường đại học phải thay đổi, và chúng ta thấy rằng thay đổi đầu tiên thường là thay đổi hơi tiêu cực một chút. Ví dụ như có một loạt các trường cấm sử dụng ChatGPT trong khuôn viên trường học vì công cụ đấy hỗ trợ quá tốt. Đến mức các nhà giáo không phân biệt được, không thể đánh giá được học sinh nào giỏi hơn học sinh nào nếu sử dụng cách đánh giá cũ.

Nhưng ngay lập tức cũng có rất nhiều trường đưa ChatGPT vào trong hệ thống hỗ trợ học tập, để làm sao học sinh nhanh chóng có thể dùng nó như một công cụ hỗ trợ cho việc học được tốt hơn. Chúng ta thấy được kết quả rõ ràng ở đây, nếu một công cụ mới ra đời thì nền giáo dục, cách giáo dục phải thay đổi.

Với các thế hệ trước đây, rất nhiều các câu hỏi được đặt ra như: Ví dụ thời phổ thông thầy giáo yêu cầu nêu định nghĩa định luật New-ton. Thì bây giờ, những câu hỏi kiểu như thế - câu hỏi về kiến thức đơn thuần, dần dần được lọc bớt khỏi hệ thống giáo dục vì nó không còn đánh giá được bản chất của giáo dục nữa.

Những câu hỏi về sử dụng tư duy được hỏi nhiều hơn. Khi ChatGPT ra đời, nó lại một lần nữa đòi hỏi con người phải học nhiều hơn nữa để có thể có được những kỹ năng làm việc, kỹ năng sinh tồn trong một thế hệ sử dụng AI nhiều hơn, sử dụng công nghệ nhiều hơn, sử dụng những phát triển về mặt trí tuệ nhân tạo nhiều hơn.

ChatGPT ảnh hưởng thế nào đến giáo dục?

Cơ hội lớn cho ngành giáo dục

- ChatGPT ra đời thì đối với nền giáo dục là cơ hội hay thách thức?

Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng cơ hội và thách thức luôn đi kèm với nhau. Trong trường hợp này, mỗi người sẽ có một đánh giá riêng khác nhau về cơ hội cũng như thách thức thuộc phạm vi nền giáo dục. Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng cơ hội lần này sẽ lớn hơn rất nhiều so với thách thức đặt ra.

Thách thức chỉ đặt ra với những người cảm thấy sự thay đổi nhanh chóng quá, gây mệt mỏi. Xu hướng xã hội luôn phát triển, rõ ràng lần này có thể là phát triển rất lớn. Có thể vai trò của sự phát triển AI sẽ tương đương với sự phát triển của internet, tạo ra sự thay đổi lớn, toàn diện trong cách tiếp cận giáo dục và cách tiếp cận tri thức.

Trước đây, nếu internet ra đời như là một kho lưu trữ thì ChatGPT hoặc AI ra đời như một kênh tư vấn, cách tổ chức tri thức. AI sẽ tạo ra hiệu quả, hiệu ứng hay hệ quả? Thực tế bây giờ chúng ta chưa thể lường trước hết được tất cả các tác động. Chúng ta cần phải theo dõi AI thường xuyên để định hướng những mặt mạnh cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của nó.

Chúng ta cũng biết môi trường internet đem lại cho chúng ta rất nhiều những giá trị mới nhưng cũng không ít phiền phức, chúng ta phải có cả một ngành an ninh mạng để kiểm soát các phiền phức đó, những sự việc như lừa đảo, thông tin thất thiệt, fake news, … rất nhiều hệ quả. Nhưng cơ hội và thách thức luôn đi song song với nhau, chúng ta cần phải khai thác những mặt mạnh và đồng thời tôi tin rằng chắc chắn sẽ có ngành phải ra đời để hạn chế những mặt tiêu cực của AI.

Thực ra rất nhiều nhà khoa học đã dự báo về xu hướng như vậy trong tương lai. Ví dụ như một ngành đang rất được để ý là ngành đạo đức trong AI, chúng ta phải đưa ra được tiêu chuẩn đạo đức nào để áp dụng cho những trí tuệ nhân tạo ấy? Những bộ môn liên quan đến triết học, liên quan đến sự nghiên cứu sâu hơn về triết học sẽ nhằm giải quyết những vấn đề trong bài toán đạo đức của trí tuệ nhân tạo. Đó là ví dụ về phương hướng mà chắc rằng trong tương lai gần, dần dần mọi người sẽ thảo luận nhiều.

ChatGPT mở đường cho sự đột phá thay đổi, nhiều công việc bị thay thế

ChatGPT làm rút ngắn thời gian nghiên cứu

- Nhiều ý kiến lo lắng, ChatGPT sẽ gây ra tình trạng đạo văn, gian lận nghiêm trọng, có phải vậy không thưa TS Đàm Quang Minh?

TS Đàm Quang Minh: Tôi đã thử với rất nhiều bài tiểu luận khác nhau, nếu chúng ta đọc kỹ các bài này, ta thấy khả năng tổng hợp của ChatGPT là rất tốt. Tại vì nó dựa trên những tri thức có sẵn, từ máy, tốt hơn rất nhiều.

Thực ra, trước ChatGPT cũng có rất nhiều các công cụ khác cho từng ngành cụ thể hỗ trợ việc này. Ví dụ, các bạn thấy bình luận bóng đá hay các bài biết thể thao, đặc biệt là các bài viết thể thao mang tính tổng hợp trên báo thể thao thế giới, hầu hết sử dụng hỗ trợ của AI. AI chỉ đi thêm 1 bước, không những trong một lĩnh vực hẹp mà mở rộng cho tất cả các lĩnh vực. Đây là bước tiến đột phá.

Chúng ta thấy rằng trong sáng tạo tri thức, AI không dừng lại ở đó thì con người đã được hỗ trợ rất tốt. Trọng tâm của nghiên cứu sẽ dịch chuyển sang phần sáng tạo, tạo nên cái mới – phần này là AI không làm được.

Tôi cho rằng là nếu như trước đây, khi có đầy đủ tài liệu, đầy đủ tài nguyên thì riêng việc làm luận văn nghiên cứu khoa học, nghiên cứu luận án thạc sỹ hay tiến sỹ, có thể mất thời gian 1 tháng hoặc thậm chí 3, 4 tháng để làm công việc liên quan đến tổng hợp tài liệu.

Với công cụ mới, chúng ta có thể rút ngắn thời gian hơn rất nhiều. Tôi cho rằng đây là điều tốt chứ không phải điều dở. Phần hay hơn là phần phát kiến, con người vẫn phải kiểm tra.

Vậy, trước đây mất 5 – 7 năm làm luận án tiến sỹ thì nhờ công cụ này, chúng ta có thể rút ngắn thời gian ấy lại. 2 năm, 3 năm chẳng hạn, cho một luận án thông thường, điều ấy là điều tốt.

Trước đây khi hoàn thành luận án tiến sỹ, độ tuổi người bảo vệ có thể là 30, 35, thì bây giờ với thế hệ mới, có thể có những tiến sỹ tuổi 25, 26. Điều đó là điều đáng mừng, không có vấn đề gì. Quan trọng là chúng ta sẽ sử dụng và tiếp cận AI như thế nào để đi được xa hơn trong thời đại này.

 ChatGPT ra đời, cơ hội lớn cho ngành giáo dục -0
TS Đàm Quang Minh trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về ChatGPT ảnh hưởng tới giáo dục như thế nào?

Cách thức giáo dục sẽ phải khác

- ChatGPT ra đời sẽ khiến học sinh, sinh viên phụ thuộc vào công nghệ. Như vậy, nhà trường, giáo viên cũng sẽ phải thay đổi cách đánh giá kết quả học tập của học sinh. Là nhà quản lý giáo dục, ông sẽ lên kế hoạch thay đổi như thế nào?

TS Đàm Quang Minh: Nhận định này hoàn toàn là đúng. Nếu chúng ta nhìn lại, ngành giáo dục là ngành tốn nguồn nhân lực nhất trên hành tinh này. Nghề có lẽ nhiều việc làm nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới là nghề giáo viên. Có đến cả triệu giáo viên trong cơ cấu nhân sự.

Thực tế là tỷ lệ học sinh/giáo viên rơi vào khoảng 10 – 20, tức là cứ 10 – 20 học sinh thì cần một giáo viên. Như chúng ta thấy, nếu được tổ chức và được hướng dẫn tốt thì AI có thể trả lời hộ giáo viên rất nhiều câu hỏi.

Chúng ta hãy nghĩ đến kịch bản là lúc ấy không cần nhiều giáo viên đến như vậy, giải phóng đi nguồn lực xã hội: Thay vì một giáo viên chỉ dạy được từ 10 – 20 học sinh, với sự hỗ trợ của AI, với những câu hỏi thông thường mà AI có thể trả lời giúp, một giáo viên có thể dạy được 100 người, tại sao không?  Như thế giáo viên sẽ không vất vả nữa, thay vì dạy 20 – 30 tiết một tuần thì có thể dạy 10 tiết thôi và vẫn đạt được hiệu quả, thậm chí còn hiệu quả hơn.

Vì AI ưu điểm là trả lời rất nhanh và rất rộng, đang hỏi Vật lý có thể xoay sang hỏi về Lịch sử ngay, không cần môn chuyên biệt.

Vậy chúng ta thấy rõ ràng rằng, cách thức giáo dục sẽ phải khác, cách tiếp cận cũng khác, cấu trúc khác, lớp học có thể không phải như hiện nay nữa mà là lớp học theo dạng khác. Tôi cho rằng tất cả những thay đổi đó, nếu áp dụng được công nghệ, áp dụng được kỹ thuật mới, thì đều là điểm tích cực.

Để trả lời cho câu hỏi: Áp dụng ChatGPT khiến giáo dục sẽ thay đổi như thế nào, giờ là quá sớm. Nhưng để khẳng định, chắc chắn giáo dục sẽ phải thay đổi. Cách tiếp cận sẽ phải dần dần, từng bước xem như thế nào phù hợp nhất cho người học.

Tôi tin rằng, khi áp dụng ChatGPT, công sức của giáo viên sẽ được giảm bớt, năng lực học của người học sẽ tăng lên nhanh, họ sẽ được hỗ trợ thường xuyên hơn. Không gì bằng lúc nào cũng có một ông thầy nhỏ, một giáo sư nhỏ trong túi, cần hỏi gì là hỏi được ngay, việc học và tiến bộ sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Thay vì phải xếp lịch với thầy, phải đợi, rồi khi đợi còn có mấy bạn đang xếp hàng trước mới đến lượt mình, bây giờ mọi việc hoàn toàn sẽ nhanh hơn nhiều. Học là phải hỏi, quá trình đó sẽ diễn ra nhanh hơn, tư duy nhanh hơn và học được nhiều hơn, hiệu quả hơn khi áp dụng ChatGPT.

- Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta không thể cấm sử dụng sản phẩm Trí tuệ nhân tạo và buộc phải thích nghi. Theo ông nên dạy học sinh hiểu về công nghệ, hiểu về ChatGPT bắt đầu từ cấp học nào?

TS Đàm Quang Minh: Câu hỏi này, để trả lời bây giờ cũng có thể hơi sớm. Mặc dù vậy, trong cảm giác của tôi, tôi cho rằng không có hạn chế gì về cấp học trong sử dụng ChatGPT.

Chỉ cần là học sinh bắt đầu đi học, ngay từ lớp 1 đã có thể hướng dẫn học để sử dụng công cụ này. Năng lực về giao tiếp của AI hiện giờ rất tốt, gần gũi với ngôn ngữ tự nhiên, nói chuẩn, phát âm chuẩn, câu đúng ngữ pháp, câu cú gãy gọn.

Thế nên, việc chúng ta sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ có thể bắt đầu ngay từ cấp tiểu học.

- Là một người làm quản lý giáo dục, những mong muốn, kiến nghị của ông về công nghệ AI hay ChatGPT như thế nào?

TS Đàm Quang Minh: Tôi cho rằng, những cơ quan quản lý Nhà nước hay pháp luật hiện tại phải có nghiên cứu một cách cụ thể. Thứ nhất là thúc đẩy được điểm mạnh của ChatGPT. Thứ hai là từng bước nhận định ra những vấn đề mà nó có thể phát sinh. Từ đó chúng ta có thể hạn chế mặt tiêu cực khi có AI.

Trong phạm vi trường học, trong phạm vi giáo dục, tôi cũng mong muốn các nhà giáo cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần có những diễn đàn, những chia sẻ để mọi người hiểu hơn về ứng dụng ChatGPT. Từ đó có thể có những gợi mở, để làm sao sử dụng ChatGPT một cách nhanh chóng, tốt nhất.

Tôi tin người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng khá nhanh nhạy với những cái mới so với mặt bằng chung trên thế giới. Chỉ số về ICP của Việt Nam cũng khá tốt, Việt Nam sẽ bắt kịp nhanh trào lưu sử dụng ChatGPT này.

Tôi chỉ băn khoăn là các đơn vị, tổ chức như các trường học, cơ quan công sở, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không bắt kịp được xu thế. Còn học sinh, người dân sẽ sử dụng và tận dụng khá là nhanh các cách thức để phát huy hết, tạo nền tảng phát triển tốt trong tương lai.

- Xin trân trọng cảm ơn TS Đàm Quang Minh!

Giáo dục

Bộ GD-ĐT công nhận chứng chỉ tiếng Anh PTE Academic trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc
Giáo dục

Bộ GD-ĐT công nhận chứng chỉ tiếng Anh PTE Academic trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quyết định số 2383/QĐ - BGDĐT công nhận các cấp độ của chứng chỉ tiếng Anh - Pearson Test of English Academic (PTE Academic) tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để sử dụng trong tuyển sinh, đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Dồn lực, quyết tâm đổi mới giáo dục
Giáo dục

Dồn lực, quyết tâm đổi mới giáo dục

Sáng 5.9, hơn 23 triệu học sinh cả nước đã hân hoan đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Năm học này Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở tất cả các cấp học. Do đó, các địa phương dồn lực, với quyết tâm cao nhất để khép lại thành công một giai đoạn đổi mới giáo dục, làm nền tảng cho chu kỳ mới đi vào chiều sâu chất lượng.

Trao tặng 50 suất học bổng cho học sinh gia đình chính sách học giỏi tại Hưng Yên
Giáo dục

Trao tặng 50 suất học bổng cho học sinh gia đình chính sách học giỏi tại Hưng Yên

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025, ngày 5.9, Báo Nhân Dân phối hợp Công ty cổ phần Văn hóa đọc và học Việt Nam - Sàn Văn hóa học và đọc Việt Nam (hocdoc.vn) tổ chức trao tặng 50 suất học bổng cho 50 học sinh Trường Tiểu học và THCS Quảng Lãng, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.