Nhìn lại hành trình phát triển của siêu ChatGPT

- Thứ Tư, 08/02/2023, 15:39 - Chia sẻ

Sự thành công nhanh chóng của ChatGPT đã đưa OpenAI trở thành tâm điểm của các cuộc bàn luận về Trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhìn lại hành trình phát triển của siêu chatbot ChatGPT -0
ChatGPT có sứ mệnh phát triển trí tuệ nhân tạo để giúp ích cho nhân loại (Ảnh: Jonathan Raa/NurPhoto/Rex/Shutterstock)

“Cha đẻ” của ChatGPT là ai?

Chatbot được ra mắt bởi OpenAI, một tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực AI ở California (Mỹ) do tỷ phú Elon Musk đồng sáng cùng với các nhà đầu tư khác tại Thung lũng Silicon, bao gồm cả nhà đầu tư công nghệ mạo hiểm Sam Altman vào cuối năm 2015. 

Trung tâm nghiên cứu được cho rằng sẽ “thúc đẩy trí thông minh kỹ thuật số để giúp ích cho nhân loại”.

Chỉ 3 năm sau khi thành lập, Elon Musk bất ngờ rời khỏi đội ngũ điều hành OpenAI. Hiện tại, Sam Altman - CEO của OpenAI được xem như là “cha đẻ” của ChatGPT.

Công nghệ GPT-3 của công ty đã giúp phát triển thành công “bộ máy ngôn ngữ" ChatGPT. Đây chính là một trong những mô hình AI xử lý ngôn ngữ lớn và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. AI được cung cấp hàng trăm tỷ kiến thức dưới dạng sách, hội thoại, bài viết và các trang web. 

Khả năng phi thường của ChatGPT

Chương trình AI này có thể đưa ra câu trả lời một cách chi tiết, chặt chẽ cho nhiều câu hỏi với tốc độ nhanh chóng sau khi sàng lọc các thông tin trên Internet. Đồng thời, “bộ máy ngôn ngữ này" còn có khả năng làm các bài luận đại học, viết truyện hư cấu, sáng tạo thơ haiku và thậm chí viết cả thư xin việc.

Bước tiến quan trọng nhất đối với ChatGPT nằm ở công nghệ phân tích mà các chuyên gia cài đặt. Mô hình ngôn ngữ ban đầu đã được điều chỉnh và giám sát bởi các chuyên gia AI thông qua nhiều thử nghiệm với số lượng câu hỏi và câu trả lời khổng lồ được tích hợp vào tệp dữ liệu. 

Tiếp đó, mô hình này sẽ được đưa vào thử nghiệm, tự đưa ra các câu trả lời, sau đó các chuyên gia sẽ xếp hạng chúng từ tốt nhất đến tệ nhất. Kết quả của quá trình này là ChatGPT đã được công nhận là đưa ra các câu trả lời rất tự nhiên, đầy đủ giống như một con người thực sự.

Trên thực tế, ChatGPT cũng được ghi nhận là có thể đưa ra những phản hồi khác nhau khi được đặt cùng một câu hỏi bởi người dùng.

Theo Elon Musk, vị tỷ phú người Mỹ thừa nhận chatbot này “tốt một cách đáng sợ”. Mặt khác, nhiều người quan ngại rằng ChatGPT sẽ bị các sinh viên lạm dụng để làm bài tập thay mình.

Không giống như các công nghệ AI đời trước, ChatGPT đã được thiết kế để từ chối các câu hỏi nhạy cảm, không phù hợp và tránh bịa đặt thông tin. 

Bên cạnh đó, ChatGPT cũng có những hạn chế khác, chẳng hạn như “bộ máy ngôn ngữ” này không kiểm soát được sự thật, vì vậy ngay cả khi câu trả lời trôi chảy và hợp lý nhưng cũng không thể đảm bảo thông tin chính xác 100%.

Giáo sư Michael Wooldridge, giám đốc nghiên cứu nền tảng AI tại Viện Alan Turing ở London, cho biết: “Nếu tôi gửi một tin nhắn cho vợ mình với nội dung bắt đầu là 'anh sắp...' thì nó sẽ gợi ý những từ khoá tiếp theo là 'trong quán rượu' hoặc 'muộn', bởi vì ChatGPT đã xem xét tất cả các tin nhắn tôi đã gửi cho vợ mình trước đây và biết trước những nội dung có khả năng nhất để tôi hoàn thành câu đó”. ChatGPT thực hiện chính xác điều tương tự trên quy mô lớn hơn.

OpenAI thừa nhận “ChatGPT đôi khi viết những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa và đôi khi sẽ có phản hồi tiêu cực hoặc thể hiện hành vi thiên vị”. Chatbot này cũng có thể đưa ra những câu trả lời dài dòng, lan man bởi lẽ “những câu trả lời dài nghe có vẻ toàn diện hơn”.

Sự phát triển thần tốc của trí tuệ nhân tạo ChatGPT

Theo thống kê, mức độ tiếp nhận của người dùng đối với ChatGPT có thể khiến công nghệ AI này trở thành ứng dụng Internet phát triển nhanh nhất từ ​​trước đến nay. 

ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo đã đạt 100 triệu người dùng chỉ hai tháng sau khi ra mắt.

Công ty dữ liệu SimilarWeb khẳng định có khoảng 590 triệu lượt truy cập vào tháng 1 năm 2023. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư UBS (Thuỵ Sĩ) cho biết tốc độ tăng trưởng này là chưa từng có đối với một ứng dụng công nghệ AI. 

Trang Reuters đưa tin: “Trong vòng 20 năm nay trên không gian Internet, chúng ta không thể tìm được tốc độ phát triển nào nhanh hơn ChatGPT".

Để so sánh, TikTok mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng còn mạng xã hội Instagram phải mất hơn hai năm.

OpenAI đã công bố gói đăng ký sử dụng hàng tháng trị giá 20 USD, chỉ dành cho người dùng ở Hoa Kỳ. Người đăng ký sẽ được cung cấp một dịch vụ ổn định và nhanh hơn cũng như cơ hội để thử các tính năng mới.

Microsoft đã công bố một khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào OpenAI dưới dạng tiền mặt và cung cấp điện toán đám mây. 

Microsoft đã ra mắt phiên bản cao cấp hơn của ứng dụng Teams được hỗ trợ bởi ChatGPT, cung cấp các tính năng bổ sung do AI cung cấp, chẳng hạn như ghi chú cuộc họp được tạo tự động. Công cụ này cũng chia sẻ các bản tóm tắt cuộc họp thành các phần, đề mục dựa trên bản ghi cuộc họp. 

Các nhà phân tích tin rằng màn “chào sân” ấn tượng của ChatGPT sẽ mang lại cho OpenAI lợi thế của người đi đầu so với các công ty AI khác. Việc người dùng ngày càng gia tăng cũng đã cung cấp nhiều phản hồi có giá trị để giúp cải thiện, nâng cấp các phản hồi của chatbot.

Minh Hiếu (Tổng hợp từ Theguardian)
#