Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
Để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiệu quả, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Do đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ. Như thế mới bảo đảm công cuộc chuyển đổi số thành công và nhanh.
Đây là đề xuất của một số ĐBQH khi thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa) về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thể chế hóa toàn diện chủ trương về chính sách dân tộc
Góp ý với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho biết, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, gồm Tờ trình, dự thảo Luật và các văn bản, tài liệu kèm theo; đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ trình xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đáng chú ý, dự thảo Luật có một số điều khoản quy định về chính sách dân tộc trong tổ chức và hoạt của chính quyền địa phương. Theo đại biểu, dự thảo đã “thể chế hóa được khá toàn diện các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách dân tộc”.
Đại biểu cho rằng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nêu tại Điều 4 dự thảo Luật đã cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp.
Cũng theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vấn đề đoàn kết, bình đẳng các dân tộc, xem đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Chính vì vậy, trong tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương cần hết sức chú trọng vấn đề đoàn kết, bình đẳng các dân tộc, xem việc bảo đảm sự đoàn kết, bình đẳng các dân tộc là một nguyên tắc quan trọng trong xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách ở cấp địa phương.
Tại điểm d khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật có quy định: “Bảo đảm đoàn kết, bình đẳng các dân tộc, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, thuận lợi cho Nhân dân”. Tuy nhiên, đây là quy định nguyên tắc riêng trong thành lập, nhập chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Nguyên tắc “bảo đảm đoàn kết, bình đẳng các dân tộc” cần được chú trọng xuyên suốt trong các mặt tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, từ xây dựng, ban hành đến tổ chức thực thi các chính sách…
Từ phân tích trên, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị rà soát, nghiên cứu và xem xét bổ sung vào Điều 4, dự thảo Luật nguyên tắc về nội dung: Bảo đảm đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, thuận lợi cho Nhân dân (trên cơ sở chỉnh lý, bổ sung nội dung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật và chuyển lên thành một khoản mới tại Điều 4 dự thảo Luật).
Về cơ cấu tổ chức của HĐND, tại điểm a khoản 3 Điều 29 quy định: “HĐND ở tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập Ban Dân tộc”.
Theo đại biểu Leo Thị Lịch, chính sách dân tộc là một trong những chính sách hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay. Mặc dù việc thực hiện công tác dân tộc, cùng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn rất cao, giảm nghèo thiếu bền vững.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu: “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.
“Từ thực tiễn công tác dân tộc, tại các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (thường tập trung ở các địa phương ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa), việc thành lập Ban Dân tộc của HĐND là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để góp phần tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”, đại biểu Leo Thị Lịch nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29 theo hướng tại các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cần thành lập Ban Dân tộc.
Theo đó, "HĐND ở tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thành lập Ban Dân tộc", thay cho "có thể thành lập".
Coi chuyển đổi số hiệu quả là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ
Liên quan nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (Điều 4, dự thảo Luật), tại khoản 2 quy định: “Tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực”.

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cấp bách và là yêu cầu bắt buộc. Do vậy, không nên dùng từ “thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương”, mà nên là “thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…”.
Cũng theo đại biểu, để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiệu quả, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Do đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đồng thời coi đây là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, như thế mới bảo đảm công cuộc chuyển đổi số thành công và nhanh”.