- Muôn vàn hoàn cảnh đến ngân hàng “bị gài” mua bảo hiểm Prudential
- Đến ngân hàng MSB đáo hạn sổ tiết kiệm, sau nghe tư vấn, khách hàng “mua nhầm” bảo hiểm Prudential
- Đến ngân hàng gửi tiết kiệm, sau một năm khách hàng mới biết "mua nhầm" bảo hiểm AIA
- Khách hàng phản ánh "mua nhầm" bảo hiểm MB Ageas Life, Ngân hàng khẳng định là giao dịch "tự nguyện"
- Người bán hoa tươi khổ sở vì muốn gửi tiết kiệm vào VIB nhưng “mua nhầm” bảo hiểm nhân thọ Prudential
"Phù phép" tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ
Thời gian vừa qua, Báo Đại biểu Nhân dân liên tục nhận được những thông tin, đơn thư của bạn đọc về việc "bị gài" mua bảo hiểm nhân thọ khi đến ngân hàng giao dịch.
Từ các vụ việc người dân phản ánh cho thấy, luôn có một kịch bản giống nhau đó là khách hàng có một số tiền nhất định, muốn đem đi gửi vào ngân hàng để bảo toàn nguồn vốn, lấy lãi chi tiêu hằng tháng, hằng năm nhưng sau một hồi tư vấn của nhân viên, khách hàng hiểu nhầm khái niệm về sản phẩm đầu tư tiết kiệm rồi trót mua nhầm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Đáng chú ý, tất cả những người dân phản ánh đến Báo Đại biểu Nhân dân đều khẳng định họ hoàn toàn không muốn mua bảo hiểm nhân thọ vì nếu muốn mua bảo hiểm, khách hàng đã liên hệ thẳng tới đơn vị bảo hiểm để ký hợp đồng chứ không cần phải mua thông qua ngân hàng.
Cụ thể, phản ánh tới Báo Đại biểu Nhân dân, chị Mai Ngọc Thái Anh, sinh năm 1983 trú tại số 71/99 Đức Giang, tổ 29, phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, ngày 15.12.2021 chị mang tiền dành dụm của gia đình đến mở sổ tiết kiệm tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) – Phòng giao dịch Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). Mục đích của chị Thái Anh là gửi tiết kiệm có kỳ hạn để lĩnh tiền lãi chi trả cho cuộc sống gia đình.
Tại ngân hàng, chị Thái Anh được nhân viên tên T.H tư vấn đầu tư sản phẩm “Tiết kiệm + Đầu tư linh hoạt” với lý do lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất gửi tiết kiệm truyền thống. Cụ thể, nhân viên T.H đã tư vấn cho chị Thái Anh một gói tiết kiệm + đầu tư với mức đóng 200 triệu chia làm 2 phần, gồm:
Trong đó, 100 triệu là đầu tư cố định, đóng phí liên tục tối thiểu 6 năm thì có thể rút tiền ra, khi đó sẽ nhận đủ cả gốc và lãi từ 12-14%/năm; 100 triệu còn lại là đầu tư linh hoạt có thể rút ra bất cứ khi nào mong muốn. Đặc biệt, nhân viên T.H nhấn mạnh chắc chắn số tiền thu về sẽ cao hơn gửi tiết kiệm truyền thống. Trong quá trình tư vấn, nhân viên T.H không một lần nhắc đến cụm từ “bảo hiểm nhân thọ”, mà chỉ khẳng định đây là hình thức “Tiết kiệm + Đầu tư linh hoạt”có lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm truyền thống, đồng thời, còn được quà tặng tiền mặt và gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe kèm theo, chị Thái Anh chia sẻ.
Theo đơn gửi đến Báo Đại biểu Nhân dân, chị Thái Anh cho biết thêm “Nhân viên T.H không hề tư vấn cho tôi biết về các loại phí phải đóng, các khoản phí khấu trừ trong các năm đầu, và cũng không cho tôi biết về quyền lợi 21 ngày cân nhắc trước khi ra quyết định. Sau khi tư vấn, nhân viên T.H đưa cho tôi ký một tờ giấy “Thư xác nhận vềviệc: sử dụng hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và chữ ký điện tử, mã xác thực (OTP)”. Lúc này tôi có thắc mắc sao lại là yêu cầu bảo hiểm thì nhân viên T.H trả lời đây là gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe được tặng kèm khi tham gia chương trình “Pru-Đầu Tư Linh Hoạt”do SeABank liên kết với Prudential. Vì tin tưởng vào sự tư vấn của nhân viên T.H và được người của ngân hàng SeABank giới thiệu nên tôi đã ký vào thư xác nhận này mà không hề ý thức rằng mình đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”.
Cùng ngày 15.12.2021, Prudential Việt Nam có gửi mã kích hoạt tài khoản Prudential online nhưng vì không kích hoạt được chị Thái Anh có nhờ nhân viên T.H hỗ trợ kích hoạt. Khi đó, nhân viên T.H không hề cho chị Thái Anh biết rằng nếu kích hoạt App/tải Hợp đồng về đồng nghĩa với việc chấp nhận Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ, nhân viên T.H đã đặt mật khẩu cho tài khoản là "Seabank 123".
Chị Thái Anh cho rằng, nhân viên tư vấn T.H đã tự kê khai các thông tin trong hợp đồng mà không hỏi chị bất kỳ nội dung gì về sức khỏe, thu nhập, hoàn cảnh gia đình… dẫn đến hệ quả là chị Thái Anh đã mua nhầm sản phẩm dịch vụ mà mình không hề mong muốn. Khi tư vấn, Nhân viên T.H chỉ nói đây là gói Đầu tư linh hoạt với lãi suất cao mà không hề nói đây là Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Vậy nên chị Thái Anh đã không thể biết số tiền gửi tiết kiệm của mình lại được nhân viên tư vấn “phù phép” thành Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ.
Đáng chú ý, theo Hợp đồng này thì chị Thái Anh sẽ phải đóng mức phí 100tr/năm trong vòng 6 năm liên tiếp, nhân viên T.H cũng không giải thích số tiền nhận về có thể bị lỗ mà chỉ khẳng định là sẽ có lãi từ 12-14%/năm.
Ngoài ra, nhân viên T.H không tư vấn rõ cho chị Thái Anh biết về các quyền lợi được hưởng khi ốm đau, nằm viện hoặc tử vong khi tham gia Hợp đồng bảo hiểm. Nhân viên này cũng không hề khai thác lịch sử bệnh tật của chị Thái Anh như danh sách các câu hỏi trong hợp đồng mà tự ý điền hồ sơ khống. Điều này đồng nghĩa với việc chị Thái Anh không biết danh mục các bệnh khi bị mắc phải thì Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ của chị Thái Anh sẽ bị từ chối khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.
Cùng với đó, thông tin thu nhập cá nhân của gia đình chị Thái Anh đều do nhân viên T.H tự ghi. Cụ thể, mức thu nhập của chị Thái Anh là 100 triệu/tháng, của cả gia đình là 150 triệu/tháng để hợp thức hoá Hợp đồng. Trên thực tế chị Thái Anh chỉ là nhân viên kế toán văn phòng với mức thu nhập 7 triệu/tháng; chồng là viên chức nhà nước mức thu nhập 10 triệu/tháng; 2 con nhỏ còn đang đi học; ngoài ra, gia đình chị cũng không có nguồn thu nhập nào khác nên tổng thu nhập cả gia đình đạt con số 150 triệu/tháng (tương đương 1,8 tỉ/năm) là điều không đúng. Như vậy, với thu nhập thực tế khoảng 17 triệu/tháng của 2 vợ chồng thì việc phải đóng mức phí bảo hiểm 100 triệu/năm trong 6 năm liên tiếp là rất khó để thực hiện, chị Thái Anh trăn trở.
Đáng chú ý, khi đọc lại Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ chị Thái Anh phát hiện ra: Nhân viên T.T.T.H có mã số tư vấn viên: 69014639 là người hôm 15.12.2021 đã trực tiếp tư vấn cho chị tại quầy giao dịch của SeABank, nhưng người đứng tên trong Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ của chị Thái Anh lại là nhân viên N.T.N có mã số tư vấn viên:69014608.
Bảo hiểm Prudential cho biết vẫn tiếp tục hợp đồng
Từ những nội dung trên, chị Thái Anh có phán ánh tới Prudential Việt Nam và ngân hàng SeABank, ngày 12.5.2023 Prudential Việt Nam có tổ chức buổi làm việc giữa 3 bên.
Tại buổi làm việc, chị Thái Anh đã đưa ra các bằng chứng chứng minh việc nhân viên T.H tư vấn sai lệch bản chất Hợp đồng, Đại diện phía Prudential Việt Nam và SeABank có ghi nhận phản ánh và hứa sẽ sớm xác minh các nội dung phản ánh trong đơn của chị Thái Anh.
Đến ngày 30.5.2023, Prudential có văn bản phản hồi chị Thái Anh với 2 nội dung: Sản phẩm bộ trợ “QLBH chăm sóc sức khoẻ” đối với Người được bảo hiểm Mai Ngọc Thái Anh của hợp đồng 75267919 được đình chỉ thực hiện kề từ kỳ phí đầu tiên 5.12.2021; Hợp đồng bảo hiểm 75267919 vẫn tiếp tục hiệu lực với nhiều chi tiết có tổng phí bảo hiểm khoảng 100 triệu đồng/năm.
Sau khi nhận được trả lời nêu trên của bảo hiểm Prudential, chị Thái Anh không đồng tình với cách xử lý như vậy và đang tiếp tục phản ánh tới các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình.