Bộ Công thương vừa ban hành kết luận Kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng đơn vị trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tự thanh tra - kiểm tra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
VEAM là doanh nghiệp lớn nhất về quy mô, có truyền thống lâu dài về sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam. Với các sản phẩm như: máy cày, động cơ đốt trong, máy xay xát lúa và hộp số nuôi tôm…Đồng thời VEAM cũng nắm giữ khối lượng cổ phần lớn tại Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam...
Được biết ngày 5.4.2023, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định đưa cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam vào diện cảnh báo với lý do Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Đến ngày 4.4.2024, HNX tiếp tục có quyết định về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu này với lý do tương tự.
Cơ quan thanh tra chỉ rõ, trong giai đoạn từ ngày 1.1.2021 đến ngày ngày 30.6.2023, VEAM chưa thực hiện chức năng thanh tra nhân dân theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, trách nhiệm thuộc về Ban Lãnh dạo VEAM giai đoạn 2021 - 2023; Công ty VEAM Korea có trụ sở và hoạt động kinh doanh tại Daegu, Hàn Quốc nên việc thực hiện giám sát tài chính trực tiếp đối với đơn vị này chưa thực hiện được; Thiếu hồ sơ, tài liệu giám sát tài chính năm 2019 dối với MATEXIM.
Đáng lưu ý, Cơ quan thanh tra khẳng định tại thời điểm kiểm tra VEAM chưa thực hiện được đầy đủ một số kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT ngày 8.5.2019 của Bộ Công Thương.
Cụ thể, tại kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT ngày 8.5.2019, Bộ Công thương đã kiến nghị: Theo phân cấp quản lý, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm, sai sót VEAM đã triển khai và đang tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, VEAM cho biết đối với những vi phạm, sai sót đã nêu là trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ, tồn tại này kéo dài, liên quan đến nhiều cá nhân, tập thể qua nhiều thời kỳ nên có nhiều người đã nghỉ hưu, chuyển công tác, có người đã bị khởi tố dẫn dến việc làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm gặp nhiều khó khăn.
Với kiến nghị chấm dứt việc quản lý điều hành không đạt hiệu quả trong việc cho vay, hỗ trợ vốn của VEAM cho các đơn vị thành viên đã quá hạn nhiều năm với mức lãi thấp hơn lãi suất ngân hàng hoặc miễn lãi. Đối với các công ty kinh doanh thua lỗ, nợ đã quá hạn khó có khả năng thu hồi cần khẩn trương giải quyết khắc phục và sớm có biện pháp nhằm bảo toàn vốn VEAM tại doanh nghiệp.
Theo báo cáo của VEAM, Tổng công ty đang tích cực đôn đốc các đơn vị để thu hồi vốn đã hỗ trợ (hiện nay không phát sinh khoản nợ mới về hỗ trợ vốn). Số nợ gốc về hỗ trợ vốn tại thời điểm ngày 28.2.2023 là hơn 526 tỷ đồng.
Từ ngày 1.3 đến 31.5.2023, VEAM tiếp tục thu hồi được hơn 2,2 tỷ đồng; Tổng số đã thu hồi được từ 1.7.2018 đến 31.5.2023 là hơn 71,1 tỷ đồng.
Tổng số tiền gốc về hỗ trợ chưa thu hồi được tại thời điểm ngày 31.5.2023 là hơn 524 tỷ đồng.
Cũng theo KLTT, với kiến nghị khắc phục việc kinh doanh thua lỗ, mất vốn tại một số đơn vị thành viên với tổng số tiền gần 380 tỷ đồng; Sử dụng vốn sai mục đích số tiền 2,7 tỷ đồng từ khoản 49,7 tỷ đồng VEAM hỗ trợ và số tiền 33,7 tỷ đồng từ khoản hỗ trợ di dời cơ sở từ Công ty CIRI tại TAMAC. Số tiền 112,6 tỷ từ nguồn vốn điều chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu, Hà Nội cũng đang được VEAM tiếp tục thực hiện khắc phục.
Liên quan đến những việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đang tiếp tục điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại VEAM, các đơn vị thuộc VEAM.
Đối với xe Toyota Fortuner tại chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bị mất với nguyên giá 1 tỷ đồng, VEAM đã và đang yêu cầu khắc phục. Đến ngày 30.6.2023, đã thu hồi được 219 triệu đồng.
Với những tồn tại trên, Chánh thanh tra Bộ Công thương yêu cầu bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại VEAM tiếp tục thực hiện công tác giám sát tài chính và kiểm toán nội bộ theo quy dịnh của pháp luật, quy chế của Bộ Công Thương và Điều lệ, quy chế của VEAM.
Thực hiện giám sát tài chính trực tiếp, chặt chẽ đối với hoạt động của VEAM Korea để đánh giá rủi ro tài chính và có biện pháp giải quyết, bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Rà soát, kiểm tra hồ sơ giải quyết đơn thư và lưu trữ theo quy định, đôn đốc việc xử lý đơn thư tại đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật và quy định, quy chế của VEAM.