- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật với trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi
- Cần quan tâm cơ cấu đội ngũ giáo viên, cô nuôi tại các trường mầm non
- Tạo sự linh hoạt, chủ động cho UBND cấp huyện điều tiết số lượng, cơ cấu giáo viên
Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng.
Tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp
Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với nhà giáo, báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh khẳng định, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, coi trọng việc quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, đã thể chế hóa các nội dung này tại nhiều văn bản khác nhau. Trong đó, nội dung điều chỉnh tập trung vào một số luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động…
Hệ thống các văn bản, quy định hiện hành về nhà giáo cơ bản đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng, là yếu tố quan trọng động viên, khích lệ được đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo đang công tác tại các trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn yên tâm công tác, tận tụy với nghề, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, các quy định về nhà giáo chưa bảo đảm được tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện. Số lượng văn bản liên quan được ban hành nhiều, đa dạng về loại hình, do nhiều chủ thể ban hành vào những thời điểm khác nhau nên có tình trạng chồng chéo trong quy định, khó áp dụng trong thực tiễn.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, hiện nay chưa có định danh đầy đủ, nhất quán về nhà giáo; chưa có định danh cụ thể về đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục dẫn đến khó thực hiện chế độ, chính sách hoặc bình đẳng giữa nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy với những nhà giáo đã có thời gian giảng dạy nhất định nhưng được điều động, bổ nhiệm làm cán bộ quản lý tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Nhà giáo trong các trường công lập là viên chức nhà nước nên vừa phải tuân thủ các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức nói chung, vừa phải chấp hành các quy định của ngành giáo dục, dẫn đến có sự chồng chéo nhất định. Đội ngũ nhà giáo làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập do không phải là viên chức nên không chịu sự chế tài của Luật Viên chức. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý, đánh giá giữa nhà giáo trong công lập và ngoài công lập. Cùng thực hiện các nhiệm vụ giống nhau nhưng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập chịu nhiều chế tài quản lý hơn nhà giáo ngoài công lập.
Quy định pháp luật về nhà giáo để thể hiện vị thế cao của nhà giáo và nghề dạy học mới đạt ở mức độ trung bình, chưa tương xứng với đặc thù nghề nghiệp và lao động của nhà giáo, điều này thể hiện qua các chính sách về lương, phụ cấp, thu nhập, thu hút vào nghề, vị trí việc làm của nhà giáo.
Việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo Luật Viên chức năm 2010, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ; phòng nội vụ chủ trì, phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND huyện thực hiện quy trình tuyển dụng, bố trí, sử dụng. Việc quy định phân cấp tuyển dụng viên chức như trong Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ chưa phù hợp, gây khó khăn cho các địa phương trong việc chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức (ngành giáo dục được giao biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc ngành nội vụ). Ngành giáo dục không được chủ động tuyển dụng, sử dụng giáo viên, điều này trên thực tế đã gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Khi bổ nhiệm vào một ngạch công chức làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ không còn được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên do Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục đã hết hiệu lực; còn Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì quy định giáo viên chuyển về Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Sự bất cập này đã gây nhiều khó khăn trong việc luân chuyển giáo viên, cán bộ quản lý giỏi có kinh nghiệm, năng lực tốt về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo để đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đặt ra…
Các ý kiến tại cuộc làm việc cơ bản đồng ý với sự cần thiết việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước; đồng thời có thể khắc phục được tình trạng chồng chéo, các quy định đối với nhà giáo hiện nay. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ để có các quy định phù hợp, khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Tính toán kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi
Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 255 trường mầm non, trong đó có 234 trường công lập, 21 trường ngoài công lập; có 78 điểm trường; có 139 nhóm, lớp trẻ độc lập tư thục; 10/13 huyện, thị xã, thành phố có trường mầm non tư thục, 13/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở độc lập tư thục. Có 2.950 nhóm, lớp, trong đó, số nhóm, lớp trong các trường công lập 2.408, trong các cơ sở tư thục 542; có 8.887 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó biên chế 5.773 người, tỷ lệ giáo viên/lớp 2,04, trong đó công lập 2,007.
Số lượng trẻ, tỷ lệ huy động trẻ mầm non, mẫu giáo ra lớp: Có 75.071 trẻ em đến lớp, trong đó công lập 65.864 trẻ. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non đển trường, lớp đạt 63,67%; trẻ mẫu giáo 70.682/72.600 đạt tỷ lệ 97,36% (trẻ 3 tuổi 19.928/21.785, tỷ lệ 91,48%; trẻ 4 tuổi 25.682/25.743, tỷ lệ 99,76% và trẻ 5 tuổi 25.072/25.072, tỷ lệ 100%; trẻ nhà trẻ 12 - 36 tháng: 4.425/35.737, tỷ lệ 12,4%; trẻ nhà trẻ 3 - 36 tháng: 4.433/4.5111, tỷ lệ 10%).
Tại Hà Tĩnh, việc huy động trẻ trên cơ sở đội ngũ giáo viên (bảo đảm theo tỷ lệ 2 giáo viên/lớp), nên với số trẻ đã huy động thì chỉ thiếu 31 giáo viên; để thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi thì thiếu 199 giáo viên (tính cả số đang thiếu).
Dự kiến nhu cầu huy động trẻ ra lớp đến năm 2030 khoảng trên 95% đối với từng độ tuổi. Vấn đề đặt ra đối với Hà Tĩnh là thiếu đội ngũ giáo viên (168 giáo viên) và cơ sở vật chất (65 phòng học). Nhân dân có nhu cầu đưa trẻ đến trường, trong điều kiện đời sống chưa cao, xã hội hóa khó khăn.
Khẳng định chủ trương phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3 - 4 tuổi là “hay và tiến bộ”, song Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhung Quyên cho rằng, nếu triển khai trên phạm vi cả nước thì cần chính sách đồng bộ đi kèm; tính toán kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm, đặc biệt là vấn đề đội ngũ; có hành lang pháp lý đủ mạnh để thực hiện được xã hội hóa...
Đoàn khảo sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đối với giáo dục, luôn ưu tiên đầu tư và cố gắng dành những gì tốt nhất cho giáo dục. Hà Tĩnh là đất học, có nhiều cách làm tốt, nhiều kinh nghiệm hay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các cuộc làm việc tại Hà Tĩnh đã cung cấp cho Đoàn khảo sát nhiều thông tin hữu ích, chia sẻ nhiều ý tưởng cũng như những trăn trở với các lĩnh vực Đoàn quan tâm.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn tiếp tục nhận được những góp ý, chia sẻ của Hà Tĩnh trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói chung; chính sách, pháp luật với nhà giáo và trẻ mầm non nói riêng.