Ngày 14.10.2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19 – KL/TW thông qua Đề án. 137 nhiệm vụ lập pháp được phân công tới từng cơ quan, tổ chức trong và ngoài Quốc hội với tiến độ thực hiện theo mốc thời gian cụ thể gắn với chương trình tại các kỳ họp Quốc hội trong nhiệm kỳ.
Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 19 – KL/TW, trên cơ sở Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023 về Kỳ họp thứ Năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ Công tác về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chủ trì Phiên họp thứ Ba của Tổ Công tác (ngày 22.9.2023), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Sau khi có Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính Phủ đều xác định rõ việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng được Quốc hội giao. Do đó, các cơ quan đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiệm vụ và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, huy động lực lượng tổng thể từ các bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương, các cơ quan của Quốc hội, các chuyên gia, các hiệp hội như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… Tại các địa phương có sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội.
Kết luận số 19 – KL/TW thể hiện sự thay đổi căn bản về quan điểm xây dựng pháp luật, xác định trọng tâm là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thay vì phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đúng 20 ngày sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận, ngày 03.11.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Đề án.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: “Đây là Đề án đầu tiên của Đảng đoàn Quốc hội nhiệm kỳ này trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua với sự tán thành cao, là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống”.
Chủ động thực hiện chủ trương của Đảng, trong quá trình rà soát hệ thống văn bản pháp luật để thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung rà soát bổ sung nhiệm vụ lập pháp nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng được đề ra tại Nghị quyết 27 – NQ/TW ngày 09.11.2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết 28 – NQ/TW ngày 17.11.2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Phát huy dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học vừa là nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 27 – NQ/TW đề ra, vừa là nội dung lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội để đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo Nghị quyết số 28 – NQ/TW.
Với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan được giao trực tiếp thực hiện, sau nửa nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã ban hành 30 luật, 110 nghị quyết.Một dự án luật trước khi được thông qua tại kỳ họp là một chuỗi các quy trình soạn thảo với sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và sự đóng góp ý kiến của nhiều người dân. Do vậy, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng là yêu cầu để bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.
Bám sát chủ trương của Đảng là yếu tố then chốt, phản ánh mối quan hệ không thể tách rời với chính sách trong dự thảo luật. Đường lối, chủ trương của Đảng càng cụ thể, rõ ràng thì việc thể chế hoá thành pháp luật càng thuận lợi. Điều đó được chứng minh thông qua quy trình lập pháp của Quốc hội. Nhiều văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quy định, chi tiết, rõ ràng từng nội dung, từng tiêu chí làm cơ sở chính trị để Quốc hội triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại các kỳ họp.
Sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước là nguyên tắc để bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về Nhân dân. Đó là bản chất nền tảng của Đại đoàn kết dân tộc - Nguồn sức mạnh, nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng. Chính vì vậy, ngay từ lần trình đầu tiên để Quốc hội cho ý kiến, dự thảo Luật Thủ đô đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội.
Trong số 81 ý kiến phát biểu trực tiếp và 02 ý kiến bằng văn bản tại phiên thảo luận Tổ Kỳ họp thứ Sáu (chiều 10.11.2023), có 50 ý kiến nhận định dự thảo Luật Thủ đô đã bám sát vào các cơ sở chính trị, cũng như các cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, thể chế hóa chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thảo luận tại Hội trường (sáng 27.11.2023), 26 ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn thiện các nội dung như việc phân cấp, phân quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố, về chính sách thu hút, tìm kiếm và phát hiện nhân tài ... để thế chế hóa các chủ trương đã được Nghị quyết số 15 – NQ/TW đề ra.
Để góp phần thế chế hóa Nghị quyết số 15 – NQ/TW và chủ trương của Đảng về phát hiện, thu hút, nhân tài, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) ý kiến: Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 –NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện được cơ bản tinh thần của các chính sách, định hướng đã đề ra nhưng vẫn mang tính định hướng chính sách chứ chưa tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội khóa XV là xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước và của từng bộ, ngành, địa phương. Phát huy và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc sửa đổi đạo luật quan trong này, Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 16.6.2022 "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nghị quyết số 18 xác định 08 nhiệm vụ cụ thể trong nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nội dung định hướng được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại 3 kỳ họp thường kỳ gần đây.
Đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một hoạt động thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong công tác cán bộ. Sau hơn 4 tháng kể từ ngày Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96 – QĐ/TW ngày 02.02.2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ Năm Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23.6.2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Những nội dung mới của Quy định 96 được thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội, nổi bật là quy định về hệ quả của việc lấy phiếu, về trường hợp không lấy phiếu do đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm…
Kịp thời, bám sát để bảo đảm thống nhất với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ cử tri, Nhân dân và là cơ sở pháp lý để triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại những ngày đầu của Kỳ họp thứ Sáu.
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm, khối Quốc hội có mức “tín nhiệm cao” đạt rất cao, trong đó, lãnh đạo Quốc hội và Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đều đạt tỷ lệ “tín nhiệm cao” trên 80%.
Khối Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang có tỷ lệ “tín nhiệm cao” đạt 93,14%, là người có tỷ lệ cao nhất số phiếu “tín nhiệm cao” trong danh sách 44 người được lấy phiếu.
Trước phiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh kỳ vọng: Với sự công tâm, khách quan và cách làm khoa học, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 96/2023/QH15, cùng với năng lực, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri và Nhân dân, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một kênh rất quan trọng giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nhất là những cán bộ cấp cao giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đề cao vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực của các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là một nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ quan tâm thực hiện. Đã thành thông lệ, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội nghị giữa hai cơ quan được phối hợp tổ chức, đánh giá công tác chuẩn bị kỳ họp, các nội dung dự kiến được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội, bảo đảm sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan để thống nhất sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện nội dung:Hoàng Lan
Ảnh: Lâm Hiển
Hỗ trợ trình bày: Duy Thông