“Thành công của nhà đầu tư là thành công của Vĩnh Phúc”
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhớ lại, nhiều thập kỷ về trước, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế lạc hậu. Năm 1997, tổng thu ngân sách trên địa bàn vỏn vẹn gần 100 tỷ đồng, đời sống người dân gặp không ít khó khăn.
Sớm nhận thấy những lợi thế như lao động trẻ, vị trí địa lý gần Thủ đô… Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã nhất quán quan điểm đa dạng hóa sản xuất, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, du lịch, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh.
Với phương châm “Tất cả nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân tỉnh Vĩnh Phúc, sự thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã mạnh dạn đề xuất và triển khai nhiều cách làm, mô hình mới, ban hành nhiều chính sách đặc thù có tính chất đột phá, nhất là giai đoạn sau khi tách tỉnh. Cụ thể, tỉnh đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) đứng thứ 5 toàn quốc.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại để đón các nhà đầu tư chiến lược và trở thành “cục nam châm” thu hút doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp hậu cần, doanh nghiệp vệ tinh.
Chỉ trong khoảng 20 năm, Vĩnh Phúc đã chuyển biến nhanh từ tỉnh nông nghiệp sang tỉnh công nghiệp, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế; là một trong những địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất; là trung tâm hàng đầu sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 93,15%; nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 6,85%. Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh và đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng năm 2022, nằm trong 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt trên 165,5 nghìn tỷ đồng. Vĩnh Phúc hiện có hơn 13,5 nghìn doanh nghiệp, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo…; qua đó tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Khi công nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế, Vĩnh Phúc tiếp tục dồn lực cho nông nghiệp, phát triển nông thôn, ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Cụ thể hóa các nghị quyết đó, Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách miễn thủy lợi phí, đầu tư kiên cố hóa kênh mương, nâng cao kiến thức cho nông dân; xây dựng các khu sản xuất tập trung, giúp người dân từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ, góp phần gia tăng giá trị sản xuất. Đến nay, Vĩnh Phúc có hàng nghìn trang trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành 44 cơ chế, chính sách tập trung thúc đẩy nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho người dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo; lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,99%, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên đến 99%...
Lấy con người làm trung tâm của phát triển
So sánh Vĩnh Phúc hôm nay với những ngày mới tái lập (năm 1997) hay thời điểm 60 năm trước, khi Bác Hồ về thăm, chắc chắn người dân Vĩnh Phúc ai cũng thấy hạnh phúc và tự hào khi lời dặn “làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” đã và đang trở thành hiện thực.
Không chỉ có cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện; công nghiệp, dịch vụ phát triển cả ở thành thị, nông thôn... Vĩnh Phúc còn có nhiều chính sách nhân văn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp vừa qua. Là địa phương đầu tiên trong cả nước ghi nhận ca nhiễm Covid-19, Vĩnh Phúc đã linh hoạt, sáng tạo, vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người lên trên hết, trước hết. Đặc biệt, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh sẵn sàng thuê máy bay, hỗ trợ xe đưa đón công dân từ vùng dịch trở về; hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vĩnh Phúc cũng “chia lửa”, huy động nhân lực, vật lực hỗ trợ các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 bùng phát.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, hai thập kỷ qua, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân với phương châm “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”. Trong giai đoạn mới, Vĩnh Phúc tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ, hướng đến mục tiêu xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân như lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao. Trước mắt, quy hoạch để phát triển một khu công nghiệp công nghệ cao, hướng tới xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo của tỉnh. “Trải thảm đỏ” đón doanh nghiệp nhưng chỉ chấp nhận những doanh nghiệp có năng lực, có uy tín và trách nhiệm xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, trọng tâm là xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc theo hướng xanh - sạch - đẹp - văn minh, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội.