Quảng Trị nỗ lực giảm nghèo bền vững

Bài 1: Nhìn từ Cam Lộ

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 06:33 - Chia sẻ

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn hơn 12.000 hộ nghèo (chiếm 7,03%) và hơn 11.000 hộ cận nghèo (chiếm 6,3%). Thực tế này, đòi hỏi tỉnh phải có các giải pháp quyết tâm, quyết liệt thực hiện hiệu quả phương châm “giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo”.

Là địa phương trung du miền núi với xuất phát điểm thấp, Cam Lộ luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, mục tiêu ưu tiên hàng đầu với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhờ sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt, năm 2019, Cam Lộ trở thành huyện đầu tiên của 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đạt chuẩn nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng đời sống người dân

Là một trong những người tiên phong trồng dược liệu ở xã Cam Tuyền, năm 2019, gia đình ông Trần Kim Thắng mạnh dạn thanh lý 0,6ha rừng kém chất lượng để chuyển qua trồng cây chè vằng. Đây là loại cây bản địa dễ trồng, phù hợp với vùng đất gò đồi, ít sâu bệnh, chu kỳ khai thác dài và sản phẩm dễ tiêu thụ. Với giá bình quân 10.000 đồng/kg, 1ha chè vằng có thể mang lại thu nhập cho gia đình gần 200 triệu đồng.

Tương tự ông Thắng, cựu chiến binh Trần Hùng Vỹ cũng là một trong những hội viên đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế ở xã Cam Thành. Với lợi thế đất đai vùng gò đồi, ông Vỹ đã đầu tư trồng 700 gốc tiêu, 1,5ha cao su kết hợp nuôi thêm 15 con dê. Nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mô hình của gia đình đã mang lại  thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Từng thuộc diện cận nghèo, năm 2019, thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, chị Phạm Thị Linh được hỗ trợ vay 18 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Sau 2 năm chăm sóc, đàn bò giống giúp gia đình có tiền cho con ăn học và sửa sang nhà cửa. Hay như hộ ông Võ Xuân Thủy (xã Cam Nghĩa), từ khi áp mô hình chăn dê nuôi nhốt thâm canh và ứng dụng khoa học kỹ thuật, mỗi năm gia đình đều có nguồn thu ổn định hơn 100 triệu đồng, từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống. 

Với hộ ông Nguyễn Văn Hào (xã Cam Chính) việc mạnh dạn liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam phát triển trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đã giúp gia đình xuất chuồng gần 600 tấn lợn trong năm 2021, lãi hơn 600 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Mô hình của gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương. 

Về Cam Lộ những ngày này, thật thư thái khi bắt gặp những tuyến đường bê tông sạch sẽ với những hàng cây xanh mát. Đó chính là những tuyến đường kiểu mẫu, những vườn mẫu nông thôn mới (NTM) giúp cảnh quan môi trường luôn “sáng-xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”. Giảm nghèo trở thành phong trào sâu rộng, huy động được sức mạnh tổng hợp từ các cấp, ngành và mọi người dân tham gia. Các chương trình tín dụng ưu đãi đã mở ra cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cây cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng gò đồi huyện Cam Lộ. ẢNH T. HẢI
Cây cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng gò đồi huyện Cam Lộ
Ảnh: T. Hải

Huy động sức mạnh tổng hợp vào công tác giảm nghèo

Lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ chia sẻ: Giảm nghèo bền vững đã trở thành nhiệm vụ chính trị hàng đầu, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân. Thời gian qua, huyện luôn quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên về công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, kế hoạch phù hợp thực tế. Huyện đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo, phân công trách nhiệm phụ trách địa bàn cho các thành viên và các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo. Đồng thời, phát động phong trào hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện đăng ký vươn lên thoát nghèo bền vững và cá nhân, tổ chức nhận đỡ đầu, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. 

UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội hướng dẫn người nghèo phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi… Tổ chức thực hiện hiệu quả đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.  

Cùng với đó, UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện kêu gọi, vận động các tổ chức giúp đỡ nâng cao mức sống cho hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đồng bào DTTS. Trong 5 năm (2016 - 2020), đã có 50 hộ nghèo người cao tuổi tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” cũng đã vận động được hơn 7,6 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 296 nhà đại đoàn kết, 58 mô hình phát triển kinh tế, làm vườn cho hộ nghèo, cận nghèo… Đến hết năm 2021 vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 10,98% (năm 2015) xuống còn dưới 3%.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đánh giá: Từ một huyện trung du miền núi với xuất phát điểm thấp, song với những bước phát triển vượt bậc, năm 2019 Cam Lộ đã trở thành huyện đầu tiên của 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đạt chuẩn nông thôn mới… "Đây là dấu mốc quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Diệp Anh