Quảng Trị nỗ lực giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo

Bài 2: Tạo động lực, điểm tựa để người nghèo vươn lên

- Thứ Bảy, 01/10/2022, 06:09 - Chia sẻ

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tạo động lực, điểm tựa để người nghèo vươn lên... Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể.

Thay đổi cách tiếp cận  

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nông nghiệp tổng hợp, ông Trần Văn Tứ (xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cho biết: Từ diện hộ nghèo, gia đình đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phát triển mô hình chăn nuôi (lợn, gà, vịt). Đến nay, mô hình theo hướng gia trại này cho thu nhập trung bình hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiếp lời ông Tứ, Chủ tịch UBND xã Gio Hải Trần Viết Nam chia sẻ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân trong quá trình triển khai. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn, khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Lên xã A Xing (huyện Hướng Hóa), ai cũng biết chị Y Dơ - tấm gương sáng nỗ lực vươn lên làm giàu. Theo lời kể của chị Y Dơ, nhờ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Nhà nước và học tập kinh nghiệm từ nhiều kênh thông tin, gia đình chị đã mở rộng sản xuất với mô hình trồng lúa, sắn kết hợp nuôi bò, cá mỗi năm đem lại thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng. Tương tự, hộ anh Hồ Văn Vy (xã Hướng Linh) sau khi chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng tràm cũng có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. 

Câu chuyện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của gia đình ông Tứ, chị Y Dơ, anh Vy chỉ là ba trong nhiều ví dụ điển hình về sự thay đổi trong cách tiếp cận giảm nghèo tại Quảng Trị. Đó là, cấp ủy, chính quyền cơ sở không nghĩ thay, làm thay người dân mà chỉ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, liên kết thị trường. Thậm chí, có dự án hộ nghèo tự bỏ ra một phần vốn đối ứng; tự đề xuất phương án làm ăn và được trao quyền quản lý theo nhiều mô hình khác nhau… Thực tế đã chứng minh, đây là hướng đi đúng. Đồng thời, giúp cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể có thêm bài học kinh nghiệm quý trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảm nghèo bền vững. 

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng trị Võ Văn Hưng, các chính sách giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. “Niềm tin, sự phấn khởi và những đổi thay đời sống người dân chính là cái được lớn nhất khi tỉnh Quảng Trị triển khai công tác giảm nghèo”, ông Hưng nhấn mạnh.

Mô hình trồng ngô lai mang lại hiệu quả kinh tế ở huyện Đakrông​. ảnh A.P
Mô hình trồng ngô lai mang lại hiệu quả kinh tế ở huyện Đakrông​
Ảnh: A.P

Hình thành nhiều mô hình hiệu quả

Để đạt kết quả trên, những năm gần đây, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội ở Quảng Trị hết sức quan tâm. Các dự án, chính sách, hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. Công tác truyền thông về giảm nghèo tích cực, phù hợp với giai đoạn mới. Đa phần người nghèo, hộ nghèo đã chuyển biến về nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh và cụ thể hóa các chính sách, quy định của Trung ương được ban hành kịp thời, đầy đủ tạo bước đột phá trong huy động sự tham gia chung sức của người dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Điển hình, HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn… Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương tập trung rà soát, nghiên cứu, triển khai những giải pháp giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, xã nghèo…

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực cũng được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện các chương trình. Người nghèo, đồng bào DTTS vùng kinh tế đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất để tự lực vươn lên góp phần ổn định kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững… Lãnh đạo Sở LĐ, TB và XH tỉnh cho biết, trong thực hiện các dự án, cách làm của Quảng Trị là chuyển dần từ phương thức hỗ trợ cho không sang có sự tham gia của người dân, hỗ trợ sinh kế, như: đào tạo nghề, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi lãi suất, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Cùng với đó, phong trào xã hội hóa về giảm nghèo tiếp tục được các cấp, ngành tỉnh Quảng Trị quan tâm, thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Những sáng kiến, kinh nghiệm hay về giảm nghèo bền vững được chia sẻ, lan tỏa trong thực tế từ đó hình thành nhiều mô hình hiệu quả, như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, cây dược liệu… ở các huyện Hướng Hóa, Gio, Linh, Cam Lộ, Đakrông… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 15,43% (24.579 hộ nghèo) năm 2016 xuống còn 6,58% (11.633 hộ nghèo) cuối năm 2020; bình quân giảm 1,77%/năm. Riêng vùng đồng bào DTTS hộ nghèo giảm 3.200 hộ, bình quân giảm 6%/năm, từ gần 69% xuống còn gần 39%. Đặc biệt, đến nay không còn gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo

Diệp Anh