Quảng Trị nỗ lực giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo

Bài cuối: Đặt hiệu quả các chương trình, dự án lên trên hết

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 06:22 - Chia sẻ

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5%/năm, tỉnh Quảng Trị đang tập trung tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển các mô hình sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân các xã vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…

Người dân Quảng Trị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao - ảnh HDC
Người dân Quảng Trị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: HDC

Thiếu bền vững

Dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân, toàn huyện có 11.565 hộ, với 48.914 nhân khẩu thì hộ nghèo chiếm 49,17% với 5.678 hộ; hộ cận nghèo chiếm 895 hộ (tương đương 7,74%). 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn ghi nhận tăng mới 26 hộ nghèo và 4 cận nghèo… “Địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác giảm nghèo, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Thách thức đó đến từ chính điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình thiếu bằng phẳng, thiếu đất canh tác; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác dạy nghề, giải quyết việc làm kết quả chưa được như mong muốn”, ông Tuân nhấn mạnh.

Cũng giống như Đakrông, Gio Linh cũng đang loay hoay tìm hướng đi mới để thoát nghèo. Với thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, thời gian qua, huyện tập trung phát triển hồ tiêu - loại cây trồng cho thu nhập cao. Tuy nhiên, vốn, công nghệ cộng với tâm lý ỉ lại trông chờ vào chính sách của người dân tiếp tục là rào cản khiến cuộc sống của người dân chưa có nhiều khởi sắc… Toàn huyện hiện còn 1.700 hộ nghèo (chiếm 7,77%); 1.306 hộ  cận nghèo (chiếm 5,97%).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Trị qua các giai đoạn đạt chỉ tiêu song chưa thực sự bền vững. Chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi, biên giới, vùng đông đồng bào DTTS… Nguồn lực thực hiện các chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu, còn dàn trải. Việc lồng ghép các nguồn lực chưa chặt chẽ, do đó chưa phát huy được tổng lực thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Một số chính sách giảm nghèo ban hành nhưng không gắn với nguồn lực và cơ chế thực hiện nên hiệu quả tác động chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục; năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách ở các địa phương chưa đồng đều; thiếu sự gắn kết giữa hỗ trợ phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm… Mặt khác, hợp phần dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nặng về sản xuất nông nghiệp, chưa phát triển được các ngành nghề phi nông nghiệp; hỗ trợ phát triển sản xuất nặng về cung cấp giống, vật tư… chưa gắn với xây dựng các mô hình hợp tác liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm nông dân nên hiệu quả không cao.

Khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm giảm từ 1 - 1,5% tỷ lệ hộ nghèo, Quảng Trị đã và đang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương. Đồng thời, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại ở phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của người nghèo...

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên kết nối các tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn bản, tuyến đường liên kết với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng, khai thác hiệu quả các công trình nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân… Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu dân cư, đặc biệt ở vùng nghèo, xã nghèo nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư và hộ nghèo thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo.

Tại cuộc họp UBND tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, các ngành, địa phương liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, nêu cao tinh thần trách nhiệm để triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, phải đặt hiệu quả của các chương trình, dự án lên trên hết. Không vì áp lực giải ngân nguồn vốn mà buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, các địa phương khẩn trương thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (nếu chưa có); ban hành quy chế làm việc theo phân công, phân cấp trách nhiệm; các sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp xây dựng và tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch, văn bản hướng dẫn đối với những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai… Trong đó, tập trung xây dựng và tham mưu UBND tỉnh áp dụng công nghệ thông tin trong rà soát, quản lý hộ nghèo, cận nghèo; quy định phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện; quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo Nghị định 27 của Chính phủ…

Diệp Anh