Thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân - những kết quả nổi bật

Tích hợp giám sát trong cùng một địa bàn, thời điểm

- Thứ Sáu, 13/10/2023, 06:21 - Chia sẻ

Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum ban hành quy chế làm việc, trong đó yêu cầu mỗi Ban, Tổ đại biểu HĐND nghiên cứu tối thiểu 2 vấn đề chất vấn/kỳ họp thường lệ, số lượng và chất lượng câu hỏi chất vấn vì vậy được nâng lên, đi sâu vào vấn đề cụ thể, làm rõ trách nhiệm của người trả lời. HĐND tỉnh tích hợp một số Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh trong cùng một địa bàn và cùng thời điểm, tạo thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao...

Những đổi mới, điểm nhấn nổi bật trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Kon Tum sau 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Yêu cầu trách nhiệm chất vấn của Ban, Tổ đại biểu HĐND

Sau 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng những vấn đề được cử tri quan tâm, bức xúc, những nội dung còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế của các cấp chính quyền cơ sở để xem xét đưa vào chương trình giám sát hàng năm của HĐND.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII - ẢNH DT
Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Kon Tum Khóa XII. Ảnh: DT

Trong hoạt động xem xét báo cáo thuộc thẩm quyền của HĐND. Từ ngày 1.7.2016 đến nay, HĐND các cấp đã xem xét 15.940 báo cáo. Căn cứ tính chất, mức độ quan trọng của nội dung trình, Thường trực HĐND quyết định lựa chọn một số báo cáo (Báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; báo cáo giải quyết trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri…) trong phiên khai mạc được truyền thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi. Riêng kỳ họp HĐND cấp tỉnh, huyện, các báo cáo của UBND tỉnh, các cơ quan tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự sau khi có báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND đều được các cơ quan này báo cáo, giải trình, tiếp thu tại kỳ họp và được các đại biểu HĐND tiếp tục xem xét thảo luận ở tổ và tại hội trường.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải, hoạt động chất vấn - hình thức giám sát quan trọng, được cử tri quan tâm bậc nhất và theo dõi thường xuyên ngày càng được đổi mới, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tăng cường, sôi nổi. Tính từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND các cấp đã có 876 vấn đề quan tâm được đưa ra để chất vấn các đối tượng theo quy định. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhằm tăng cường hoạt động giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành quy chế làm việc, trong đó yêu cầu mỗi Ban, Tổ đại biểu HĐND nghiên cứu tối thiểu 2 vấn đề chất vấn/kỳ họp thường lệ. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có tính thời sựVì vậy, số lượng, chất lượng câu hỏi chất vấn được nâng lên, đi sâu vào vấn đề cụ thể, làm rõ trách nhiệm của người trả lời.

Một số đại biểu rất tích cực, thẳng thắn, trách nhiệm và tranh luận tới cùng đối với vấn đề đã được đại biểu đặt ra. Việc trả lời chất vấn được thực hiện nghiêm túc, cầu thị. Thời lượng dành cho chất vấn tại kỳ họp được cơ cấu hợp lý, được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.

Quyết liệt theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết kiến nghị

Từ ngày 1.7.2016 đến 30.6.2023, Thường trực HĐND các cấp tỉnh Kon Tum đã hoàn thành giám sát 938 chuyên đề (cấp tỉnh 17 chuyên đề, cấp huyện/xã 921 chuyên đề). Hoạt động giám sát chuyên đề ngày càng được đổi mới, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả và tính thuyết phục. Từ năm 2018 đến nay, HĐND tỉnh đã nghiên cứu và thực hiện tích hợp một số Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh trong cùng một địa bàn và cùng thời điểm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thường trực HĐND các cấp kết hợp giữa giám sát qua báo cáo và tổ chức giám sát trực tiếp, khảo sát, nắm tình hình qua các đợt tiếp xúc cử tri, qua tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thường trực HĐND các cấp đã ban hành văn bản đôn đốc việc thực hiện và chỉ đạo các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND thông qua các cuộc TXCT, sinh hoạt Tổ thường xuyên theo dõi việc thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Riêng đối với cấp tỉnh, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức đợt khảo sát trên toàn tỉnh việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến hết ngày 31.12.2018. Đây là lần đầu tiên Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tái giám sát, thể hiện sự quyết liệt trong việc theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị, từ đó tiếp tục có những kiến nghị kịp thời, xác đáng, nhất là những vấn đề chưa giải quyết hoặc đang giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải nhấn mạnh.

Đặc biệt, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH ngày 12.9.2022, Thường trực HĐND các cấp đã phân công các Ban HĐND theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện đến Thường trực HĐND bảo đảm theo quy định.

HẢI MINH