Nguy cơ tiềm ẩn từ viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi phản ứng khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên đường hô hấp gây nên các triệu chứng đặc trưng như là: Ngạt mũi, ngứa mũi, hắt hơi và chảy nước mũi.
Bệnh viêm mũi dị ứng thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, lúc chuyển mùa. Bệnh tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng, song lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
PGS.TS. Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào, Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong thời tiết này, có tới 60% là những bệnh nhân đến khám do viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng. Những tình trạng mũi xoang này cũng khá nặng, có thể dẫn đến những biến chứng như viêm tai giữa, ù tai, nghe kém, ho kéo dài.
Thời tiết trở lạnh dẫn tới tình trạng viêm xoang sẵn có trở nên nặng hơn, từ đó dịch tiết sẽ nhiều hơn làm cho đường thông từ xoang đổ ra mũi bị tắc lại dẫn đến tình trạng viêm xoang, viêm mũi dị ứng.
PGS.TS. Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào cho hay, nhiều bệnh nhân phản ánh, mỗi lần viêm xoang thì thị lực giảm và sau khi điều trị viêm xoang, thì thị lực được cải thiện, đặc biệt là những người viêm mũi xoang dị ứng.
Theo Bác sĩ Đào, khi dùng những thuốc ức chế cơn ho, đây là yếu tố có hại và làm cho quá trình điều trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang trở nên khó khăn hơn, làm dịch ở trong vùng mũi họng quánh lại và sẽ rất khó khi điều trị phục hồi lại hệ thống niêm mạc của mũi họng.
Chủ động bảo vệ khoang mũi trước khi thời tiết chuyển lạnh
PGS.TS. Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào khuyến cáo, người bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng theo mùa có thể chủ động sử dụng thuốc chống dị ứng trong vòng 1-2 tháng trước khi thời tiết chuyển lạnh, kèm với đó có thể sử dụng các thuốc xịt dự phòng tại chỗ. Bệnh liên quan tới dị ứng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, sử dụng thuốc gì, liều lượng ra sao chúng ta cần phải tới bác sĩ khám để biết được mức độ tổn thương.
Với trường hợp viêm mũi dị ứng là tình trạng dị ứng của bệnh nhân khu trú tại vùng mũi xoang, cơ địa này thường do nhóm chất gây dị ứng tăng hơn so với người bình thường ở trong máu. Tình trạng này cũng liên quan nhiều tới yếu tố di truyền.
Nếu người có di truyền từ bố, mẹ bị dị ứng mà không tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên sẽ không bị tác động. Tuy nhiên nếu tiếp xúc với một yếu tố dị nguyên mà cơ thể bị dị ứng thì tình trạng dị ứng sẽ xuất hiện và không dừng, trừ trường hợp thay đổi môi trường sống, hoặc sử dụng trước các thuốc dự phòng.