Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp
Báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày và cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ Sáu diễn ra trong 0,5 ngày ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, công tác nhân sự trình Quốc hội tại Kỳ họp đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội. Hồ sơ tài liệu trình Quốc hội được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng; các thông tin liên quan đến nhân sự được chuẩn bị rõ ràng, cung cấp kịp thời, tạo thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định. Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, thể hiện rõ chính kiến đối với các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp.
Kết quả của Kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cơ quan hữu quan; tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri và Nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan và tình hình chuẩn bị thực tế, dự kiến chương trình Kỳ họp bổ sung 6 nội dung. Trong đó, 3 nội dung đến nay Chính phủ đã có hồ sơ gửi cơ quan chủ trì thẩm tra và đã được bố trí để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này gồm: chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và Phương án xử lý nguồn tiền thực hiện phán quyết của Trọng tài quốc tế Vụ kiện Hợp đồng dầu khí Lô 01&02. Nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 dự kiến đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc.
Cùng với đó là 3 nội dung vừa được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy là: dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Như vậy, dự kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Đã phối hợp chuẩn bị tốt hơn, trao đổi kịp thời hơn
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy và đề nghị đối với các nội dung Chính phủ đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới, Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị tài liệu để các cơ quan của Quốc hội kịp thời nghiên cứu, thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ thống nhất với việc chia Kỳ họp thành 2 đợt (Đợt 1 diễn ra trong 17 ngày: từ ngày 20.5 đến ngày 8.6; Đợt 2 diễn ra 9 ngày: từ ngày 17.6 đến sáng ngày 27.6), cũng như bố trí thời gian dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường truyền hình trực tiếp. Đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), do đây là dự luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị dành thêm thời gian thảo luận tại tổ và hội trường.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, tinh thần làm việc, sự chủ động, khẩn trương của các cơ quan trong chuẩn bị hồ sơ tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới; nhấn mạnh, Kỳ họp có khối lượng công việc nhiều, nhưng các cơ quan đã phối hợp chuẩn bị tốt hơn, trao đổi kịp thời hơn, nhất là các dự án Luật và dự thảo Nghị quyết.
Căn cứ kết quả chuẩn bị cho đến nay, Kỳ họp thứ Bảy dự kiến khai mạc vào ngày 20.5, với thời gian 26 ngày làm việc, họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tổ chức thành 2 đợt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, cố gắng gửi tài liệu đúng hạn theo quy định.
Đối với Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và 2 dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để các cơ quan thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 trước khi trình Quốc hội.