Xã hội

Chính sách trợ giúp pháp lý:Đổi mới toàn diện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Đỗ Quyên 06/07/2025 06:35

Từ ngày 1/7/2025, chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sáp nhập hành chính. Những điều chỉnh này tăng cường phân cấp cho địa phương, bảo đảm dịch vụ pháp lý thiết yếu được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện hơn cho người dân.

Yêu cầu cấp thiết trong tổ chức hoạt động

Theo TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (PBGDPL và TGPL), kể từ ngày 1/7/2025, chính sách trợ giúp pháp lý tại Việt Nam chính thức bước sang một giai đoạn phát triển mới. Sự chuyển biến này không chỉ mang tính kỹ thuật hành chính, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tổ chức lại hoạt động TGPL - một dịch vụ công thiết yếu của Nhà nước, phục vụ trực tiếp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tăng tính chủ động cho địa phương, đồng thời đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Theo đó, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa, trong đó nổi bật là Nghị định số 120/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền; Nghị định số 121/2025/NĐ-CP về phân cấp, phân quyền; Thông tư số 08/2025/TT-BTP và Thông tư số 11/2025/TT-BTP. Cục PBGDPL và TGPL đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, rà soát, và đề xuất nhiều nội dung cải cách quan trọng.

Từ ngày 1/7/2025, 3 nhóm hoạt động trong lĩnh vực TGPL chính thức được chuyển giao từ Trung ương về địa phương. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được phân cấp cho UBND cấp tỉnh, do Sở Tư pháp giúp tổ chức thực hiện theo Điều 6 Thông tư 09/2025/TT-BTP. Điều này thể hiện rõ niềm tin vào năng lực của chính quyền địa phương trong bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL, đồng thời giúp giảm tải cho cơ quan trung ương.

b2.jpg
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên triển khai Kế hoạch tư vấn pháp luật và truyền thông về trợ giúp pháp lý. Ảnh: Nguyễn Ánh

Cùng với đó, hoạt động xác nhận vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công cũng được chuyển từ Cục PBGDPL và TGPL về cho Sở Tư pháp thực hiện, theo Thông tư số 11/2025/TT-BTP ngày 24/6/2025. Sự thay đổi này bảo đảm rút ngắn quy trình thủ tục, tăng tính linh hoạt và kịp thời trong việc ghi nhận hiệu quả thực hiện vụ việc.

Mặt khác, việc cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên cũng được giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, với sự tham mưu của Sở Tư pháp. Việc in ấn thực hiện theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành tại Thông tư số 08/2017/TT-BTP. Từ đây, các địa phương có thể chủ động hơn trong khâu tổ chức, quản lý nhân sự trong hệ thống trợ giúp pháp lý.

Những thay đổi này không chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật, mà là bước đi có ý nghĩa chiến lược trong nâng cao năng lực, trách nhiệm và sự tự chủ của địa phương - yếu tố quan trọng trong tiến trình thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Bảo đảm tính thông suốt của hệ thống trợ giúp pháp lý

Một trong những điểm nổi bật trong cải cách bộ máy hành chính là việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh/thành phố kể từ ngày 1/7/2025. Việc hợp nhất 2 - 3 tỉnh trước đây thành một tỉnh mới không chỉ làm thay đổi địa giới hành chính, mà còn tác động mạnh đến mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Trung tâm TGPL Nhà nước và các chi nhánh.

Theo quy định của Luật TGPL, Trung tâm TGPL là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do UBND cấp tỉnh thành lập. Khi địa bàn hành chính mở rộng, số lượng người dân gia tăng, điều kiện tự nhiên, giao thông, dân cư đa dạng, yêu cầu "gần dân, sát dân" trong hoạt động TGPL càng trở nên cấp thiết.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành Công văn số 1866/BTP-PLHSHC ngày 9/4/2025 nhằm hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hệ thống TGPL phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Theo đó, UBND cấp tỉnh được trao quyền quyết định số lượng Trung tâm TGPL và chi nhánh dựa trên nhu cầu và điều kiện cụ thể. Cách tiếp cận này thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt trong tổ chức bộ máy, bảo đảm tính không gián đoạn và thông suốt trong cung cấp dịch vụ pháp lý công.

Cục PBGDPL và TGPL cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ sát sao các địa phương trong suốt quá trình triển khai thực hiện mô hình mới, qua đó củng cố hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh thay đổi lớn về hành chính - tổ chức.

Được biết, thời gian qua, công tác TGPL đã được triển khai đồng bộ với nhiều hoạt động như: tích cực triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án World Bank; kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ đối với các địa phương và tổ chức đánh giá vụ việc tham gia tố tụng thành công của các địa phương; tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động phục vụ kiểm tra kết quả tập sự TGPL năm 2025, cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Về số lượng vụ việc TGPL, theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thụ lý 16.630 vụ việc TGPL (trong đó có 2.420 vụ việc tư vấn, 14.113 vụ việc tham gia tố tụng, 96 vụ việc đại diện ngoài tố tụng).

Đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Trong xu thế cải cách hành chính, lĩnh vực TGPL không nằm ngoài dòng chảy số hóa. Cục PBGDPL và TGPL đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phụ thuộc địa giới hành chính.

Tính đến thời điểm hiện tại, 12 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực TGPL đã được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cụ thể như thủ tục yêu cầu TGPL; thủ tục thay đổi người thực hiện TGPL; thủ tục giải quyết khiếu nại; thủ tục cấp, cấp lại thẻ cộng tác viên; thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư; đăng ký tham gia và chấm dứt tham gia TGPL…

Cục trưởng Lê Vệ Quốc cho biết, định hướng trong thời gian tới là thực hiện toàn bộ thủ tục trực tuyến toàn trình, tức là người dân có thể nộp hồ sơ, theo dõi xử lý và nhận kết quả hoàn toàn trên môi trường mạng, không cần trực tiếp đến cơ quan hành chính. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự đầu tư bài bản về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, bảo đảm kết nối liên thông giữa các hệ thống. Đồng thời, việc thực hiện đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, bởi đây là thay đổi toàn diện trong cách thức phục vụ người dân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính sách trợ giúp pháp lý: Đổi mới toàn diện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO