Quốc hội và Cử tri

“Chìa khóa” để địa phương thực sự “quyết - làm - chịu trách nhiệm”

Nguyễn Bình 14/05/2025 06:23

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong các phiên thảo luận tổ của Quốc hội vừa qua luôn trăn trở làm thế nào thực sự phân cấp cho địa phương để địa phương không phải lên Trung ương nữa; phải có nguồn lực để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Phân cấp, phân quyền là chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện từ nhiều năm qua. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động nhanh, khó lường của thực tiễn, chủ trương này được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Ở góc độ pháp lý, Quốc hội đã khẩn trương sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương - hai đạo luật "gốc" để xác lập cơ chế phân cấp, phân quyền. Các đạo luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cũng được thiết kế trên tinh thần quán triệt sâu sắc quan điểm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Dù vậy, rất nhiều việc trên thực tế vẫn khó hoặc thậm chí là không thực hiện được. Một trong những lý do là bởi những bất cập trong cơ chế quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước, hệ thống ngân sách nhà nước ta mang tính lồng ghép. Cơ chế này không chỉ khác biệt so với hầu hết các nước trên thế giới mà còn dẫn đến quy trình tổng hợp, xây dựng dự toán, quyết toán ngân sách phức tạp, trùng lặp, kéo dài, không rõ trách nhiệm giải trình.

Cơ chế phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi còn nhiều bất cập. Một số nhiệm vụ chi theo phân cấp giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chưa linh hoạt, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế khiến địa phương dù được trao quyền, ủy quyền nhưng không đủ năng lực tài chính để chủ động quyết định và triển khai các chính sách.

Cơ chế điều tiết phần thu giữa Trung ương và địa phương khiến một số địa phương có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Trung ương, không chủ động khai thác nguồn thu, không có động lực để đổi mới cách làm, khơi dậy tiềm năng, nội lực.

Các quy định về phân cấp quản lý nợ chính quyền địa phương cũng bộc lộ những bất cập khi không điều chỉnh được giữa các địa phương, dẫn đến tình trạng, có địa phương được phép vay bội chi nhưng không thực hiện, trong khi các địa phương khác có nhu cầu tăng mức vay, tăng bội chi trong hạn mức cho phép và có khả năng trả nợ lại không thực hiện được.

Các địa phương cũng chỉ được phép vay lại từ ngân sách trung ương đối với các khoản vay nước ngoài. Hệ quả là, địa phương không thể chủ động vay vốn để đầu tư các dự án hạ tầng lớn, phải chờ đợi nguồn vốn trung ương cấp đều đặn theo kế hoạch, làm lỡ cơ hội khởi công sớm, dẫn đến giá thành cao, tiến độ kéo dài...

Sáng nay (14/5), Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Trước đó, từ năm 2021, 2022, Quốc hội đã yêu cầu đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý, tăng cường vai trò điều tiết vĩ mô của ngân sách trung ương; khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, đồng bộ với cải cách pháp luật về đất đai, phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và thống nhất trong điều hành ngân sách.

Thời gian qua, Quốc hội cũng đã thông qua một số nghị quyết cho phép một số địa phương có thể áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý ngân sách nhà nước để góp phần khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển. Gần đây, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung ngay một số điều khoản của Luật Ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta triển khai đồng bộ việc sắp xếp lại bộ máy, địa giới hành chính, đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, triển khai hàng loạt dự án mang tính lịch sử... thì việc sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo Tờ trình dự án Luật, một trong những quan điểm được Chính phủ xác định khi sửa đổi Luật là: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt, phát huy cao nhất sức sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương đi kèm với xác định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của từng chủ thể; nâng cao sự tự chủ của các địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”.

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình rõ ràng giữa Trung ương và địa phương; tăng cường kỷ luật tài chính; công khai, minh bạch hoạt động thu - chi; đổi mới và rút ngắn quy trình phân bổ, quyết toán ngân sách nhà nước theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đẩy mạnh thực hiện phương pháp phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra...

Tất nhiên, còn nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến các điều khoản của dự thảo Luật về phân cấp, phân quyền cần phải được nghiên cứu, đánh giá tác động sâu sắc, toàn diện hơn trước khi Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật quan trọng này.

Bám sát và cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm sửa đổi Luật đã được xác định sẽ thực sự là "chìa khóa" giúp địa phương chủ động thực hiện được các nhiệm vụ đã được phân cấp, phân quyền, đúng tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, mở đường cho sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Chìa khóa” để địa phương thực sự “quyết - làm - chịu trách nhiệm”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO