Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc can thiệp dinh dưỡng sớm và đúng giúp giảm biến chứng, cải thiện tiên lượng trong các tình trạng bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh nhân Covid-19 nằm trong các đơn vị hồi sức cấp cứu, bệnh nhân có bệnh mạn tính nặng và tuổi già.
Bên cạnh đó, chế độ ăn đầy đủ, cân bằng và đa dạng thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Để duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn lành mạnh, bệnh nhân Covid-19 cần sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Nên cân bằng giữa thực phẩm chứa protein động vật và thực vật, tăng sử dụng cá, tôm, cua, đậu đỗ; có thể ăn thịt đỏ 1-2 lần một tuần, gia cầm 2-3 lần một tuần.
Ăn nhiều rau quả: hàng ngày ăn 250g quả, 300g rau. Dùng chất béo không bão hòa (cá, quả bơ, hạt, dầu olive, đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô) hơn là các chất béo bão hòa (thịt mỡ, dầu dừa, kem, pho mát, mỡ lợn, bơ thực vật).
Bệnh nhân cần tránh các thực phẩm giàu chất béo công nghiệp như đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, pizza, bánh nướng, bơ thực vật. Hạn chế thực phẩm nhiều đường như nước ngọt, nước trái cây, siro. Hạn chế uống rượu.
Đặc biệt, nước rất cần thiết cho cơ thể người bệnh, giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và các hợp chất trong máu, điều hòa nhiệt độ cơ thể,...
Trong khi đó, tình trạng chán ăn khiến giảm lượng thức ăn và nước uống vào, cộng thêm việc đeo khẩu trang làm giảm cảm giác khát; khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 có thể có tình trạng thiếu dịch. Vì vậy, bệnh nhân cần được bổ sung nước đầy đủ, ít nhất trên 2 lít nước mỗi ngày. Cần chú ý bổ sung đủ các điện giải như natri, kali, magie.
Một số vitamin là chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C, beta- caroten đã được chứng minh giúp tăng số lượng tế bào T, Interleukin-2, tăng hoạt động của tế bào NK, khả năng miễn dịch với bệnh cúm. Tuy nhiên, vai trò của chúng giúp cải thiện diễn biến bệnh và tiên lượng của bệnh nhân Covid-19 còn chưa đủ dữ liệu để khẳng định.
Beta-caroten có nhiều trong khoai lang, cà rốt, rau lá xanh. Vitamin C có trong ớt đỏ, cam, dâu tây, súp lơ, xoài, chanh... Một nguồn lớn vitamin E đến từ dầu thực vật (đậu nành, hướng dương, ngô, óc chó..), các loại hạt, súp lơ...
Ngoài ra, khi bệnh nhân cách ly, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, có thể dẫn đến giảm sản xuất vitamin D. Chất này tham gia bảo vệ đường hô hấp, giảm sản xuất cytokine tiền viêm, giảm nguy cơ cơn bão cytokine dẫn đến viêm phổi. Vitamin D có nhiều trong cá, gan, lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua,...
Một vi chất khác cũng có tác dụng tăng cường miễn dịch, người bệnh cần bổ sung là kẽm. Những thực phẩm giàu kẽm như hàu, thịt đỏ, hạt bí, vừng, đậu...
Cũng theo các bác sĩ, việc cách ly kéo dài dễ dẫn đến lối sống tĩnh tại như dành phần lớn thời gian để ngồi, nằm, xem tivi, chơi game, dùng điện thoại... Điều này có thể làm tăng cân, giảm khối cơ và sức mạnh của cơ, làm tăng hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh mạn tính. Việc giảm vận động kéo dài còn làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bởi vậy, bệnh nhân Covid-19 nên tập luyện thể dục thường xuyên. Tập thể dục tại nhà có thể từ những việc rất đơn giản như đi lại trong nhà, nâng các vật dụng, leo cầu thang, dọn vườn, chơi thể thao trong vườn nhà hoặc tập yoga. Nên tập mỗi ngày 30 phút để duy trì sức khỏe, chỉ số khối cơ thể.