Đổi mới sự phát triển lý luận - 35 năm nhìn lại và thách thức

Bài 3: Nắm lấy phương châm ổn định, đổi mới và phát triển nhân văn bền vững

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 05:59 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Thực tiễn ngày càng chứng minh tính đúng đắn luận điểm cơ bản của lý thuyết đổi mới: Phải giữ vững ổn định chính trị mới đổi mới xã hội được, ổn định chính trị trở thành một điều kiện tiên quyết của đổi mới và phát triển.

Đổi mới - phát triển - ổn định

Nếu trong các mối quan hệ lớn đặt ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), vấn đề “đổi mới, ổn định và phát triển” lúc này hơn lúc nào hết, cần được hành động dứt khoát: Đổi mới để phát triển và phát triển là thước đo của đổi mới và ổn định. Mặt khác, lý thuyết đổi mới cũng nhấn mạnh: phải tập trung sức đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân về đời sống, việc làm..., xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị trong tổng thể 10 mối quan hệ chiến lược: Từ tầm nhìn chiến lược tới chỉ đạo vĩ mô một cách chỉnh thể công cuộc đổi mới.

Như vậy, vấn đề ổn định chính trị là nét cơ bản làm nên chỉnh thể của lý thuyết đổi mới. Vấn đề này không chỉ đơn giản được rút ra từ bài học thất bại của công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, từ kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc, Cuba mà nhìn rộng hơn, đó là xu thế quốc tế hiện nay nói chung và đó là thực tiễn của công cuộc đổi mới ở nước ta nói riêng.

Sẽ là ảo tưởng trong việc tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nếu vấn đề ổn định chính trị không được coi trọng như là một điều kiện tiên quyết. Nhưng việc ổn định chính trị và đổi mới hệ thống chính trị sẽ hết sức khó khăn nếu thiếu sự bảo đảm bởi những tiền đề vật chất, với tư cách là nền tảng. Thoát ly sự tăng trưởng của kinh tế, đặt ra yêu cầu quá cao đối với việc phát triển xã hội là không thực tế, nhưng cũng hết sức sai lầm nếu chỉ coi trọng việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội, bởi đó chính là một trong những nguồn gốc dẫn tới mất ổn định chính trị.

Đổi mới, phát triển, ổn định có mối liên hệ nội tại không thể chia cắt. Phát triển là mục đích, mà mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề của xã hội nước ta là phải dựa vào sự phát triển của chính mình, nắm bắt thời cơ, tự phát triển, trên cơ sở phát triển kinh tế thúc đẩy sự phát triển hài hòa, toàn diện của xã hội. Đó là yêu cầu khách quan để từng bước giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của xã hội nước ta ở giai đoạn hiện nay. Đổi mới là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển, là nhằm giải phóng và phát triển sức sản xuất, là biện pháp cơ bản để giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của xã hội, là sự tự hoàn thiện và phát triển của chủ nghĩa xã hội. Ổn định là tiền đề của phát triển và đổi mới; phát triển và đổi mới cần phải có môi trường chính trị và xã hội ổn định.

Chủ nghĩa xã hội Việt Nam chính là văn hóa

Lý thuyết đổi mới đã tiên liệu xa và xử lý hết sức khéo léo và sâu sắc mối liên hệ biện chứng của tổng thể 10 mối quan hệ chiến lược; đồng thời, dự liệu những chướng ngại cản trở việc giải quyết chúng từ nội dung tới những phương pháp nhằm đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta tiếp tục tiến lên một cách đúng hướng và vững chắc.

Đó là nét đặc sắc rất cơ bản của lý thuyết đổi mới. Chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, như K.Marx nói.

Theo đó, quan điểm về nhân tố con người, nguồn lực con người, hạnh phúc của con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước là nét nổi bật, là một nhân tố chiếm vị trí rất quan trọng trong cấu trúc của lý thuyết đổi mới. Chỉ có trong quá trình phấn đấu vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội, con người mới được đặt ở vị trí trân trọng đến vậy. Chính điều này đã làm sâu sắc, phong phú và đậm đà chất nhân văn của lý thuyết đổi mới.

Con người là vốn quý nhất, mọi của cải vật chất, mọi giá trị tinh thần đều do con người sáng tạo ra. Con người vừa là chủ thể vừa là động lực vừa là đối tượng phục vụ của công cuộc đổi mới. Chăm lo cho hạnh phúc, cho con người là mục tiêu cao cả, là nhiệm vụ trung tâm, trọng đại của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Đây là vấn đề hoàn toàn phù hợp với xu thế tiến bộ xã hội của thế giới trong thế kỷ XXI.

Phát triển nhân tố con người thực chất là khai thác mọi tiềm năng của con người, nó vừa là mục tiêu cuối cùng, vừa là động lực cơ bản để phát triển kinh tế và xã hội. Sự phát triển cá nhân của mỗi con người phải gắn chặt với sự phát triển của xã hội mới. Đến lượt mình, chế độ và xã hội cần tạo điều kiện và môi trường cho sự phát triển con người, trước hết là ưu tiên phát triển thể chất và tinh thần. Từng con người được tạo điều kiện phát triển tức là tiếp tục nhận thức chân giá trị của bản thân mình, tự giác thoát khỏi sự hạn chế và trói buộc vật chất tầm thường để vươn tới tương lai tươi sáng của đất nước.

Lý thuyết đổi mới không ngừng làm phong phú và sâu sắc hơn quan điểm vừa ra sức phát triển kinh tế, vừa quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, mà trong đó con người chiếm vị trí chủ thể và giữ vai trò là động lực nhằm tạo ra sự cân đối, hài hòa, đồng bộ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Kết hợp hữu cơ giữa "cái kinh tế" và "cái xã hội", giữa "hiệu quả kinh tế" và "hiệu quả xã hội" mới đưa xã hội tới ổn định và phồn vinh. Đó là hai mặt của vấn đề phát triển hiện đại. Quan điểm cơ bản này của lý thuyết đổi mới rất phù hợp với quan điểm tiến bộ của thế giới hiện đại. Bởi, sự hài hòa không chỉ là nhu cầu trong quan hệ giữa con người với con người, giữa các nước, các dân tộc với nhau mà còn là sự biểu hiện giữa con người với thiên nhiên, với cộng đồng, bảo đảm phù hợp với lợi ích cao nhất của cả dân tộc và nhân loại. Sự hài hòa này không chỉ là phương châm để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội giữa các dân tộc trong nước với nhau và đối với các nước khác, mà còn là biện pháp để điều hòa các mối quan hệ trong sản xuất, trong quá trình khai thác, bảo vệ thiên nhiên và các loại sinh thái khác.

Nói khái lược, mọi sự phát triển của công cuộc đổi mới xoay chung quanh con người, vì con người và cho con người chứ quyết không phải con người xoay chung quanh công cuộc đổi mới. Đó chính là mục tiêu nhân văn tối cao của công cuộc đổi mới. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam, có thể nói, chính là văn hóa.

Lý thuyết nhân văn trong đổi mới rõ ràng đã tiên lượng, đón gặp và hội nhập với xu thế nhân văn của thời đại chúng ta.

Mở cửa và hội nhập - một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thế giới hiện đại là thế giới của những mối quan hệ đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi quốc gia là một bộ phận của thế giới đầy biến động, là một khâu trong quá trình phân công và hợp tác quốc tế. Hợp tác trong phát triển là nhu cầu sinh tồn và phát triển của toàn bộ thế giới.

Chủ nghĩa xã hội không phải là một khu vực biệt lập, một thế giới khép kín, một quốc gia XHCN, càng không phải là một "ốc đảo" trong thế giới ấy. Càng tách rời chủ nghĩa xã hội ra khỏi thế giới hay thậm chí đem đối lập nó với thế giới hiện đại thì càng ít thấy diện mạo và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, lý thuyết đổi mới đã đặt vấn đề mở cửa và hội nhập trở thành một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng là quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành.

Nhưng mở cửa như thế nào và hội nhập ra sao? Lý thuyết đổi mới cũng đã lượng và tính những “hạn”, “độ” cần thiết và phù hợp đối với thực tế ở nước ta. Mở cửa, đổi mới nhưng phải giữ vững nguyên tắc XHCN. Đa phương hóa, đa dạng hóa trong các mối quan hệ quốc tế, nhưng nhất thiết không để chệch hướng XHCN. Hội nhập thông qua mở cửa nhưng không hòa tan, đánh mất chính mình trong đó. Đó là những vấn đề thuộc về nguyên tắc trong công cuộc mở cửa và hội nhập của chúng ta.

Nhìn khái lược, từ Đại hội IX của Đảng đến nay, quan điểm của Đảng về “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế” ngày càng đầy đủ và đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Từ nhận thức về “quốc tế hóa” đã phát triển thành nhận thức về “toàn cầu hóa kinh tế” và đi đến nhận thức về “toàn cầu hóa”. Trên cơ sở thực tiễn về “toàn cầu hóa”, Đảng và Nhà nước ta đưa ra chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”, “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” và ngày nay là chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, “nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế”, “đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác”. 

Đó là nét độc đáo, phương pháp mở của lý thuyết đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nói khái lược, lý thuyết đổi mới là kết quả tất yếu của sự phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội và thực tiễn xây dựng xã hội XHCN mấy thập niên qua trên thế giới, trong điều kiện cụ thể của nước ta. Nói như dư luận quốc tế: “Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ thực tế của chính bản thân mình, không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài và nhất là không ảo tưởng vào một mô hình sẵn có nào”(19). Lý thuyết đổi mới bao hàm một hệ thống mở, với các luận điểm luôn phát triển. Rằng: “Đường lối đổi mới trong đó kết hợp kinh tế thị trường với kế hoạch, tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở công nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, là con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử... mà chưa một ai đi qua”(20). Vì thế, mặt khác, việc nhận thức những đặc điểm của lý thuyết đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hoàn toàn không thể tách rời với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và trào lưu XHCN thế giới. Cùng với thời gian và sự phát triển của thế giới hiện đại, tất cả sẽ được bổ sung, điều chỉnh ngày càng phong phú và sâu sắc hơn, tiếp tục dẫn đường đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng tiến lên vững chắc.

Có thể khẳng định, lý thuyết đổi mới XHCN là một đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam vào sự phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học hiện nay. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam là dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - chủ nghĩa xã hội là Đất nước độc lập, Tổ quốc phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc - chủ nghĩa xã hội là đạo đức, là văn minh, là văn hóa.

_________

(19) A. V. I-va-nô-vích: “Minh chứng hùng hồn của chính sách đổi mới đúng đắn”, báo Nhân Dân, số ra ngày 20-9-2000, tr. 5.

(20) Lời chào mừng Đại hội IX Đảng  Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 53