Đổi mới sự phát triển lý luận - 35 năm nhìn lại và thách thức:

Bài 1: Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 05:54 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản  

Lời Tòa soạn: Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, hơn 35 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việc nhìn lại và tổng kết hơn 35 năm thực hiện công cuộc này một cách tổng thể mang tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của Đất nước, trong tầm nhìn tới năm 2030, 2045.

Để góp phần tổng kết 35 năm đổi mới, Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài viết của TS. NHỊ LÊ, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, xung quanh vấn đề “Đổi mới sự phát triển lý luận - 35 năm nhìn lại và thách thức”. 

Nhìn lại lịch sử hơn 92 năm của Đảng, trong đó có hơn 77 năm cầm quyền, đặc biệt hơn 35 năm đổi mới vừa qua, mặc dù còn nhiều mặt chưa ngang tầm hoặc không ít lĩnh vực đang bất cập với tiến trình phát triển đất nước theo định hướng XHCN, song rõ ràng có thể khẳng định, với tầm nhìn chiến lược, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ chính đất nước mình, trong xu thế thời đại, với phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã kiến tạo một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh, hình thành đường lối chính trị chỉ đạo thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Kiên định, trung thành, độc lập, sáng tạo phát triển chủ nghĩa Mác -nin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Càng đẩy tới công cuộc đổi mới, thực tiễn càng đòi hỏi sự phát triển không ngừng của lý luận, nhất là phương lược xử lý những vấn đề mới mẻ và chưa chín muồi. Năm 1991, Đảng ta chỉ rõ: "Những gì mà nhận thức chúng ta đạt tới hôm nay sẽ còn được bổ sung, phát triển cùng với sự phát triển sau này của thực tiễn và tư duy lý luận"(1). Điều đó hoàn toàn đúng với sự đòi hỏi của V.I. Lênin, ngay từ năm 1917: "Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý"(2). Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ năm 1924, Người cũng viết về điều mệnh hệ đó: "Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây... Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung "cơ sở lịch sử" của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại" nên cần "Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông... "(3).

Theo tư tưởng đó, xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới khởi động năm 1986, năm 1991, tại Đại hội VII, Đảng ta quyết định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động"(4). Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọngcó ý nghĩa hết sức to lớn đối với tiến trình đẩy tới công cuộc đổi mớitiền đồ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là điều tự nhiên. Bởi, nó là sự thể hiện tập trung nhu cầu tất yếu của thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước, khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nambản lĩnh cầm quyền của Đảng ta - "đứa con nòi của giai cấp lao động nước ta", người lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là một bước tiến lớn, một đóng góp vô giá của công tác lý luận trong việc xây dựng các quan điểm và các nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới gần 20 năm sau đó. Đến lượt nó, đây cũng chính là cơ hội, là môi trường đồng thời là thử thách, là trọng trách vĩ đại đối với công tác lý luận trong việc kiên định, trung thành và độc lập, sáng tạo phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Và, 15 năm sau Đại hội VII của Đảng, tới Đại hội XI, chúng ta không ngừng khám phá và xây dựng một nhận thức toàn vẹn về tư tưởng Hồ Chí Minh, mối quan hệ nội tại và sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình chỉ đạo thắng lợi công cuộc đổi mới. Nói như các chính khách nước ngoài tại Diễn đàn các Đại hội của Đảng: "Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội đang trở nên sinh động ở Việt Nam hôm nay". "Thành tựu của nhân dân Việt Nam có được là do các đồng chí đã nghiêm túc nỗ lực áp dụng học thuyết khoa học mác-xít lê-nin-nít vào điều kiện cụ thể của Việt Nam dưới tên gọi tư tưởng Hồ Chí Minh". "Điều đó chứng minh tính thời đại, tính tất yếu và sức sống của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay"(5).

Tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu vận động của cách mạng Việt Nam. Chúng ta đang ở bước đi ban đầu của chặng đường đầu của thời kỳ quá độ đó, với vô vàn những bước dích dắc, gấp khúc, thậm chí cả giật lùi... nên không thể không có định hướng XHCN đối với toàn bộ hành trình con đường cần phải đi. Đây vừa là đòi hỏi khách quan vừa là nhu cầu chủ quan trong mỗi bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bởi, nói như V. I. Lênin: Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, "Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó; còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động"(6).

Theo đó, công tác lý luận đã nỗ lực hoạch định cơ bản về định hướng XHCN trên những lĩnh vực chủ yếu của công cuộc đổi mới: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại..., chỉ rõ những khía cạnh cần đề phòng nguy cơ chệch hướng XHCN trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh mới của thời đại và đất nước. Luận điểm định hướng có tính chất then chốt là, lý thuyết về sự "phát triển rút ngắn" con đường quá độ "bỏ qua" chế độ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam một cách biện chứng và thực tế: Từ định hướng, định tính tới định lượng và định kỳ với những nấc thang, nhịp độ, bước đi cụ thể, phù hợp. Qua thực tiễn, có thể hình dung khái quát, định hướng XHCN là quá trình xác định những giới hạn, những "độ" tồn tại lịch sử của chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ điểm xuất phát tới đích cuối cùng, với những hành trình, bước đi xác định cụ thể và phù hợp... theo những tính quy luật, quy luật và nguyên tắc xã hội chủ nghĩa mà nếu vượt ra ngoài những giới hạn, những "độ" ấy sẽ chệch hướng hoặc lạc hướng XHCN và tất yếu xuất hiện một chế độ xã hội khác với xã hội XHCN.

Trên cơ sở đó, chúng ta hoạch định định hướng XHCN, tìm tòi định tính trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội đất nước và ngày càng bổ sung những nhận thức mới về vấn đề căn bản này. Từ mô hình xã hội XHCN gồm 6 đặc trưng năm 1996 tới mô hình 8 đặc trưng năm 2006 là bước tiến cách mạng và sáng tạo về xử lý cái phổ biến và cái đặc thù về chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay của Đảng ta, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và bối cảnh thời đại.

Chúng ta xác định định hướng, định tính XHCN và xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó là bước khởi nguyên đồng thời cũng là luận điểm chỉ đạoquán xuyến toàn bộ sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Kiến tạo nền móng phát triển công cuộc đổi mới 

Bắt đầu công cuộc đổi mới, năm 1986, Đảng ta xác định: Xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Với khâu đột phá là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, với phương pháp, như F.Angel nói, mỗi loại sự vật có một kiểu phủ định riêng của nó, trên cơ sở sự phát kiến táo bạo, công tác lý luận tập trung mọi cố gắng kiến giải, xác lập và nỗ lực góp phần thực thi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là nền kinh tế hoạt động dưới sự chế ngự, dẫn dắt và điều tiết bởi các quy luật, nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội vận hành theo quy luật của thị trường nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam.

 Sự khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng là lời tuyên bố đoạn tuyệt nền kinh tế tập trung bao cấp mà chúng ta đã duy trì quá lâu đến mức trở thành một khuyết điểm, thậm chí là sai lầm, như V.I. Lênin nói, cho dù đó là một ưu điểm của một thời gian dài trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây.

 Sự hình thành các quan điểm lý luận chủ yếu một cách "động" và "mở" gắn chặt với trực tiếp chỉ đạo thực tiễn xây dựng, phát triển kinh tế theo định hướng XHCN và qua tổng kết thực tiễn, Đảng ta lựa chọn khâu đột phá là xây dựng thể chế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo chủ yếu, nội dung khá toàn diện và các biện pháp khả dụng hiệu quả trong tổ chức thực tiễn nhằm xác lập một nền kinh tế quốc dân phát triển mạnh mẽ, bền vững và độc lập tự chủ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuẩn bị đủ tiềm lực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tích cực hội nhập quốc tế. Chúng ta hướng tới xây dựng một nền kinh tế năng động, phát triển mạnh mẽ, bền vững thấm đượm văn hóa và nhân văn, hay nói cụ thể, đó là văn hóa của sự phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bền vững.

 Nói khái lược, việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ là vấn đề mang tính tất yếu của công cuộc đổi mới mà còn là sự đúng đắn về nguyên tắc, quan điểm của Đảng, đồng thời là đòi hỏi của thực tiễn đất nước với điểm xuất phát đặc thù đi lên chủ nghĩa xã hội như chúng ta; không chỉ là nền móng bảo đảm độc lập tự chủ về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh mà còn là điều kiện căn bản và môi trường rộng mở tối ưu bảo đảm cho sự phát triển năng động, mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế gắn chặt với công bằng xã hội và vì mục tiêu tiến bộ xã hội, xét trên cả hai bình diện đối nội và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, hiệu quả. Đó cũng là sự thể hiện ưu thế tuyệt đối của chế độ xã hội ta khi xem nó chỉ là một phương tiện, một công cụ hữu hiệu vì sự phát triển của chủ nghĩa xã hội nhằm phục vụ nhân dân so với các thể chế xã hội khác cùng tiến hành nền kinh tế thị trường.

 Đó là một quyết sách đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng dân trên nguyên tắc XHCN và hợp với xu thế phát triển của thời đại của Đảng ta, một đóng góp to lớn và mới mẻ về lý luận đổi mới XHCN của Việt Nam.    

Đảng ta luôn coi việc xây dựng Nhà nước là một trọng trách có ý nghĩa sống còn. Đặc biệt, bước vào và càng tiến hành mạnh mẽ, sâu sắc công cuộc đổi mới, thực tiễn càng yêu cầu xây dựng bộ máy nhà nước thực sự vững mạnh, trong sạch và ngang tầm với đòi hỏi của cách mạng trong thời kỳ mới. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân là sự phát triển mới về nhận thức chính trị, một mục tiêu quyết định, một nội dung căn bản, một bước tiến lớn về thực tiễn của công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết trên bình diện chính trị của chúng ta.

 Nhà nước pháp quyền mà chúng ta xây dựng vẫn mãi giữ bản chất cách mạng, bản chất giai cấp, thực sự là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, với phương thức thực thi quản lý bằng pháp quyền, theo pháp luật; nêu cao vị trí, vai trò của pháp chế, yêu cầu mọi tổ chức, mọi công dân trong xã hội đều phải có nghĩa vụ và quyền lợi tôn trọng và tuân thủ luật pháp đi đôi với phát huy các giá trị đạo đứcvăn hóa dân tộc.

 Chúng ta chưa có sự tích lũy cần thiết về mặt lý luận, nhất là chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên phương diện tổ chức thực tiễn về công việc to lớn, mới mẻ và nan giải này. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của công tác lý luận rất toàn diện, rất cao, rất thiết thực và rất hiệu quả trong việc xác lập mô hình, nội dung, tổ chức và phương thức hoạt động cũng như kiến tạo những điều kiện cần và đủ bảo đảm cho Nhà nước ngang tầm phát triển của công cuộc đổi mới không chỉ về quy mô, tốc độ mà cả về chiều sâu và tính chất phức tạp của nó trong bối cảnh biến động khôn lường hiện nay.

 Cho đến hôm nay, cố nhiên còn không ít khiếm khuyết, không ít hạn chế, song chúng ta đã phác thảo một cách vừa đại lược có tính căn bản sâu sắc vừa cụ thể có tính thực tiễn khả thi cao một hệ thống lý thuyết và nỗ lực tổ chức thực tiễn nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Từ vị trí, vai trò, bản chất, chức năng, nhiệm vụ tới đặc trưng, nội dung, mô hình tổ chức quyền lực, đổi mới thể chế và cơ chế vận hành bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và những điều kiện tiên quyết có tính cần và đủ theo hướng căn cơ, hiện đại bảo đảm cho việc thực thi quyền lực của Nhà nước. Tất cả nhằm phục vụ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tương thích với điều kiện đất nước và phù hợp với xu thế vận động của thời đại.

Điều đó thể hiện bản chất ưu việt của chế độ XHCN và đó cũng chính là hiện thân tư tưởng về xây dựng Nhà nước Việt Nam mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kết hợp chặt chẽ việc quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật với việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho quần chúng nhằm phục vụ nhân dân, vì "tất cả quyền lực trong nước... đều thuộc về nhân dân". Đảng lãnh đạo để Nhân dân là chủ và làm chủ, bằng Nhà nước pháp quyền XHCN lấy pháp luật làm thượng tôn của chúng ta.  

____________

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 111

(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ -va, 1976, t34, tr 152

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, t1, tr 466

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  VII, Nxb Sự thật, hn, 1991, tr 127

(5) Báo Nhân dân, số ra ngày 2.7.1996, tr 5

(6) V.I. Lê-nin: Sđd, t 34, tr 152-153

Nhị Lê